Năm Giáp Thìn, theo dấu tích Rồng trên dáng hình chữ S
Hai tiếng “đồng bào” được khởi nguồn từ bọc trăm trứng của mẹ tiên Âu - cha rồng Lạc. Cho nên, rồng - một trong 4 con vật thiêng, lại là con vật hàng đầu trong bộ tứ Long - Ly - Quy - Phụng chính là biểu tượng của cội nguồn dân tộc Việt.
Nơi huyền sử bắt đầu…
Khác với con long mã trong văn hóa Trung Quốc có gốc từ loài thú 4 chân, rồng của Việt Nam, xuất hiện chậm lắm là từ thế kỷ thứ X, một biểu tượng mang tính huyền sử trong kỷ nguyên Đại Việt. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng thì “Rồng Thăng Long Đại Việt là loại rồng - rắn, mình tròn trịa và thanh tú, với nhiều khúc uốn lượn nhịp nhàng, là loài có vẩy, ở nước và cũng tượng trưng cho nước, cho mây mưa, cái nhân tố bận tâm hàng đầu của người dân trồng lúa nước…”.
Cũng cần phải nhìn nhận lại một hành trình dời và định đô kể từ thời Ngô vương (Ngô Quyền) - vua Tổ phục hưng dân tộc. Người làm nên chiến thắng đầu tiên trên sông Bạch Đằng đã tỏ rõ tinh thần khước từ ảnh hưởng phương Bắc nên cho dời đô từ Đại La - vốn do Trung Hoa xây đắp và là trung tâm Đô hộ phủ của đế chế nhà Đường sang Cổ Loa - trên nền Đô cũ của Thục Phán, nước Âu Lạc. Đến khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng dù đã thống nhất nhưng vẫn phòng bị rút về quê hương Hoa Lư định đô nên triều Đinh. Chỉ đến mùa thu năm Canh Tuất 2010, một nước Nam - Việt độc lập, tự chủ thì Lý Thái Tổ mới dời về lại Đại La - trên thế đất trấn yểm “rốn rồng” - Long Đỗ của người Việt, với tên gọi mới: Thăng Long - Rồng bay. Xác lập một tư thế độc lập, vươn lên, một nền văn hiến Thăng Long - Đại Việt chính thức ra đời, kết tinh từ đó.
Như trong Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ đã viết: “Ở trung tâm cõi bờ đất nước, có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, vị trí giữa bốn phương đông tây nam bắc, tiện hình thế núi sau sông trước. Ở nơi đó địa thế rộng mà bằng phẳng vùng đất cao mà sáng sủa, cư dân không khổ về ngập lụt, muôn vật đều phong nhiêu tươi tốt. Xem khắp nước Việt, chỗ ấy là hơn cả, thực là chỗ bốn phương tụ hội, là nơi đô thành bậc nhất của vương đế muôn đời”.
Cũng từ đây, truyền thuyết Lạc Long với biểu tượng Thăng Long đã đi vào tâm thức, đời sống của người dân Việt, là dấu triện cho một bản sắc dân tộc được đóng lên trên mọi miền mà di chỉ vẫn còn lưu lại cho đến hôm nay:
“Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”
(Huỳnh Văn Nghệ)
Và tập tính của một dân tộc độc lập, thích nghi, tự cường
Cũng theo giáo sư Trần Quốc Vượng, rồng biểu thị tính thích nghi với nhiều trạng thái: rồng ở dưới nước (tiềm long vu thủy), rồng giữ bầu nước đầm lầy (hiện long vu điền, vu đại trạch) rồng bay cao lên trời (phi long tại thiên), rồng vùng vẫy trong mây gây mưa tưới nhuần đồng ruộng (long vân khánh hội)…
Khi mang biểu tượng cho cội nguồn dân tộc, tập tính thích nghi ấy chính là bản sắc, là dân tộc tính được thể hiện trên mọi mặt của đời sống xã hội: thích nghi với tự nhiên để tùy vào đất địa, thời tiết mà chọn giống gieo trồng; thích nghi với hoàn cảnh khi dựng nước; trong giữ nước thì có khi chủ công mà tiến đánh, có khi thần phục giả vờ; có khi rút lui để thực thi chính sách “vườn không nhà trống”, khi bách thắng thì lại mở con đường rút lui cho kẻ địch…
Tất cả những biểu hiện của một phẩm cách quốc gia, cái dân tộc tính ấy lại là phép tương sinh từ bản sắc cương - nhu như nước, như vật thiêng Rồng, tức trong mọi hoàn cảnh (dù là tương khắc) đều tìm thấy sự tương sinh, tương hợp. Chính vì vậy, trên mọi miền đất nước, trải bao chinh phạt, mở cõi, gầy dựng ở vùng đất mới thì biểu tượng Rồng là một dấu son nhận diện, là tấm căn cước cho con dân Bách Việt xưa - nay và mai sau.
Chỉ một tư thế rồng nằm phục, nhìn về phía trước với mình uốn khúc, đầu ngẩng cao, miệng há to, nhe răng mà cái tên Hàm Rồng đã xuất hiện ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai) - ngọn núi cao gần 2,000m, hướng về dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Vào đất Thanh Hóa, Hàm Rồng lại nằm trong dãy Ngũ Hoa Phong với 99 ngọn núi chạy dọc triền sông Mã. Ngọn Hàm Rồng bất ngờ dựng đứng, cao nhất trong toàn dãy. Ngược lên Tây nguyên đại ngàn, lại thêm một ngọn núi mang tên Hàm Rồng cao 1,025m (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai).
Nếu thủ đô ngàn năm văn hiến là phát tích của Thăng Long thì vòng qua Quảng Ninh lại có di sản Hạ Long và vịnh Bái Tử Long mà truyền thuyết được viết tiếp là nơi đây rồng (mẹ) đã xuống, cùng với rồng con giúp người dân đánh giặc. Tích “rồng con vái lạy rồng mẹ” gắn với hình ảnh Bái Tử Long là vậy!
Xuống Hải Phòng thì có đảo Bạch Long Vỹ, truyền thuyết kể rằng có con rồng trắng từ trời đã hạ giới và ở lại luôn vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, đảo Bạch Long Vỹ là “cái đuôi” của con rồng huyền thoại ấy.
Ngay cố đô Huế, nơi đầu tiên mà chúa Nguyễn Phúc Thái dựng nghiệp là phủ Kim Long - rồng vàng, nằm giáp ranh trung du của tỉnh Thừa Thiên, cái vị trí khiêm cung này rất hợp cho người vừa định đô nơi xứ Đàng Trong. Để sau khi dời từ phủ Kim Long về Phú Xuân, nghĩa là cái nhìn đã mở hơn về hướng biển thì Kim Long được xem là vùng đất “phên dậu” cho hoàng thành. Đến năm 1805, khi vua Gia Long khởi công xây Kinh thành, xét về dịch lý phong thủy, Ngài đã chọn Kim Long - cồn Dã Viên là hữu bạch hổ (bên cạnh tả thanh Long là Cồn Hến) cùng sông Hương, núi Ngự chính là minh đường - tiền án cho Kinh thành nhà Nguyễn.
Mỗi địa danh đều ẩn chứa trong nó cái “long mạch” của đất trời, của tiền nhân đã vẽ sẵn và truyền lại.
Trước khi đến vùng đất phương Nam thì từ xưa, nơi xa, ở thành phố cảng Hải Phòng, trên bán đảo Đồ Sơn đã có dãy núi mang tên Cửu Long, có 9 ngọn núi, ngọn cao nhất là Mẫu Sơn (núi mẹ). Khi Nam tiến, Cửu Long lại là tên của 9 cửa sông Mekong trước khi đổ ra biển. Dòng sông dài 4,500km này chảy quanh 6 quốc gia, đoạn chảy vào lãnh thổ Việt Nam có tên là Cửu Long lại là nơi mà theo mô tả của Brian Eyler trong “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” thì khi chỉ còn cách chưa đầy 200km sẽ tới biển “dòng sông đang lờ đờ lười biếng bỗng nhộn nhịp thương lái và nông dân”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi trong “Những trầm tích địa danh” đã cất công đi và ghi lại những tên đất, tên miền gắn với chữ Long, vật chủ rồng thiêng, có thể kể ra như: ở Hà Giang có núi Tụ Long, về Hòa Bình có sông - núi Long Môn, Ninh Bình thì có núi Long Triều (tức núi Mã Yên, lưu dấu 2 triều vua Đinh - Lê), ở Hải Phòng có quần đảo Long Châu, Hà Nam có núi Long Đọi, Nghệ An có núi Đầu Rồng, rặng đá Long Sơn, vào tới Quảng Ngãi có 3 ngọn núi mang tên Long Phụng, Long Cốt, Lạc Long, đến Bình Định có núi Hàm Long và ngôi chùa Long Sơn - nơi từng diễn ra trận thư hùng giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh.
Về Đồng Nai, sông Đồng Nai xưa có tên Phước Long, đất Biên Hòa từng thuộc huyện Phước Long, phủ Gia Định; có núi Bửu Long, có hồ Long Ẩn…
Một lần nữa, khởi phát từ huyền thoại nhưng qua hành trình dựng nước - giữ nước rồi lại kiến thiết và bảo vệ đất nước, đã định hình thành một phần của lịch sử - ấn chứng lên tên đất, tên người, thể hiện một căn tính dân tộc: Độc lập, tự chủ, thích nghi, phóng khoáng.
Quốc Học
FILI
|