Quản lý giá thuốc: Làm thế nào để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân?
Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt được lưu hành trên thị trường, do đó, việc quản lý giá thuốc hiện nay cũng có sự khác biệt so với nhiều mặt hàng khác. Tuy nhiên, việc quản lý giá thuốc hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến tình trạng cả doanh nghiệp, người dân và cơ quan nhà nước đều gặp khó.
Quản lý giá thuốc hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến tình trạng cả doanh nghiệp, người dân và cơ quan nhà nước đều gặp khó. Ảnh: Lê Vũ
|
Giá thuốc được quản lý tốt không chỉ giúp người dân được tiếp cận với nhiều loại thuốc tốt với giá cả phải chăng, mà còn giúp các cơ sở kinh doanh dược (sau đây gọi là doanh nghiệp) an tâm hơn cho các khoản đầu tư của mình, từ đó đẩy mạnh hoạt động đầu tư sản xuất, nhập khẩu thuốc, qua đó cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành dược Việt Nam. Biết là vậy nhưng việc quản lý giá thuốc hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến tình trạng cả doanh nghiệp, người dân và cơ quan nhà nước đều gặp khó. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đang phải đối mặt với bài toán khó về quản lý giá thuốc sao cho hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.
Những khó khăn, bất cập
Luật Dược 2016 từ khi có hiệu lực đã quy định một số biện pháp quản lý giá thuốc, trong đó đáng chú ý là biện pháp kê khai giá thuốc và niêm yết giá thuốc. Tuy vậy, qua quá trình thực hiện, những quy định này hiện nay bộc lộ khá nhiều những điểm bất cập.
Thứ nhất, thị trường dược Việt Nam hiện nay về cơ bản vẫn phụ thuộc rất lớn vào thị trường dược thế giới, khi mà giá trị sản xuất thuốc trong nước mới chỉ đạt khoảng 47% nhu cầu, đồng thời, các dược liệu nhập khẩu cũng chiếm tỷ trọng rất lớn. Do đó, giá thuốc mà các cơ sở kinh doanh dược sản xuất hay nhập khẩu cũng sẽ chịu sự chi phối bởi thị trường nước ngoài. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, tất cả các loại thuốc trước khi đưa vào lưu thông tại thị trường Việt Nam đều phải kê khai, kê khai lại giá thuốc. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp phải kê khai lại nhiều lần nếu có sự điều chỉnh tăng giá thuốc. Trường hợp giá thuốc biến thiên liên tục, doanh nghiệp nếu không muốn phân phối thuốc với mức giá kém hấp dẫn buộc lòng phải kê khai lại giá thuốc với cơ quan quản lý. Thủ tục này không chỉ tốn kém thời gian mà còn phát sinh thêm nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP, đối với trường hợp thuốc kê khai chưa có thuốc cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế trên thị trường Việt Nam, giá nhập khẩu, giá bán buôn kê khai không được cao hơn giá nhập khẩu, giá bán buôn trung bình của các nước ASEAN mà thuốc được nhập khẩu và lưu hành. Quy định này dẫn đến trường hợp cơ quan nhà nước phải có sự đối chiếu giá thuốc được kê khai với giá thuốc trung bình tại các nước ASEAN. Tuy vậy, điều này là không dễ để thực hiện trên thực tế, bởi sự khác biệt về cơ chế mua sắm, thanh toán bảo hiểm y tế dẫn đến sự chênh lệch giá thuốc giữa các nước, việc so sánh đối chiếu không cùng hệ quy chiếu có thể không mang lại nhiều ý nghĩa.
Chưa kể, sự khác biệt trong ngôn ngữ thể hiện cũng như sự thiếu hụt thông tin trên các trang web chính thống về quản lý giá thuốc của các nước ASEAN cũng là trở ngại cho quá trình so sánh giá. Đồng thời, khi nộp hồ sơ kê khai giá thuốc, doanh nghiệp sẽ tự kê khai các chi phí cấu thành nên giá thuốc, bao gồm các chi phí nguyên, vật liệu, chi phí nhân công… (đối với trường hợp thuốc sản xuất trong nước) hoặc chi phí tài chính, chi phí bán hàng, quản lý… (đối với trường hợp thuốc nhập khẩu). Các cơ quan nhà nước rất khó hoặc thậm chí là không thể xác định được tính chính xác của các yếu tố chi phí cấu thành giá mà các doanh nghiệp tự kê khai trong trường hợp này. Việc rà soát tính chính xác của các yếu tố chi phí cấu thành giá phụ thuộc vào tính trung thực của doanh nghiệp và rất khó có thể bóc tách cụ thể để đánh giá tính chính xác của các yếu tố này trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất, vì đây là các chi phí chung trong hoạt động doanh nghiệp, cho nhiều sản phẩm.
Với những khó khăn nêu trên, cơ quan nhà nước hiển nhiên sẽ tốn rất nhiều thời gian để xem xét hồ sơ kê khai giá thuốc. Điều này không chỉ gây bất lợi cho doanh nghiệp như đã đề cập ở trên, mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, khi mà việc tiếp cận thuốc bị trì hoãn do quá trình giải quyết thủ tục hành chính kéo dài.
Thứ hai, đối với một số loại thuốc chỉ có từ một đến hai nhà sản xuất, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền, thuốc có hàm lượng không phổ biến và trường hợp đặc thù khác hiện nay có quy định sẽ thực hiện hình thức đàm phán giá đối với gói thầu mua các loại thuốc này.
Tuy nhiên, việc đàm phán giá thuốc thường đòi hỏi tính bảo mật thông tin về giá đối với các doanh nghiệp. Do đó, quy định về việc kê khai giá thuốc trong mọi trường hợp dường như không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, đối với các loại thuốc này, việc kê khai giá thuốc cũng không mang nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ như đã phân tích ở trên, các chi phí mà doanh nghiệp kê khai thường không thể được cơ quan Nhà nước kiểm tra chính xác, điều này lại càng không chắc chắn khi xem xét đối với các loại thuốc chỉ có một đến hai nhà sản xuất, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền, thuốc có hàm lượng không phổ biến và trường hợp đặc thù khác.
Thứ ba, đối với yêu cầu bán thuốc dựa vào giá đã kê khai và niêm yết giá thuốc tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc. Hiện nay, quy định này dường như chưa thực sự mang lại hiệu quả cho hoạt động quản lý giá thuốc. Không khó để bắt gặp nhiều cơ sở bán lẻ vẫn bán thuốc với giá cao hơn giá thuốc kê khai hoặc thậm chí không niêm yết giá bán thuốc tại cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ của mình. Điều này dẫn đến sự hoang mang cho người dân khi cùng một loại thuốc đã được kê khai giá công khai trên hệ thống của Bộ Y tế, nhưng người dân lại phải chi trả tiền thuốc cao hơn gấp nhiều lần và có sự khác biệt giữa các cơ sở bán lẻ khác nhau.
Cần thay đổi cho phù hợp
Ngày 19-6-2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giá 2023, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Luật Giá 2023 đã có những thay đổi đáng chú ý so với Luật Giá 2012, trong đó có quy định cụ thể loại hàng hóa, dịch vụ phải kê khai giá.
Trong lĩnh vực y tế, luật này đề cập đến việc kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, bao gồm thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Như vậy, quy định về việc kê khai giá đối với toàn bộ thuốc như hiện nay của Luật Dược sẽ không còn hiệu lực áp dụng. Thay vào đó, danh mục thuốc thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ là đối tượng phải kê khai giá thuốc. Tuy nhiên, Luật Giá 2023 còn quy định cần kê khai giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác do Chính phủ ban hành.
Trong khi đó, để Chính phủ có thể ban hành danh mục này, đòi hỏi phải có sự đề xuất và phối hợp giữa bộ quản lý chuyên ngành và Bộ Tài chính trong việc trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá. Do đó, có thể thấy, trong lĩnh vực quản lý của mình, Bộ Y tế có trách nhiệm đề xuất và phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng danh mục các loại thuốc thiết yếu cần phải kê khai giá. Tóm lại, Bộ Y tế trong thời gian tới cần giới hạn các loại thuốc thiết yếu cần phải kê khai giá, thay vì kê khai đối với tất cả các loại thuốc như quy định hiện hành.
Ngoài ra, cũng tại Luật Giá 2023, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức phân công, phân cấp việc tiếp nhận kê khai giá trên địa bàn tỉnh cũng đã rõ ràng hơn. Do đó, gánh nặng từ hoạt động quản lý giá thuốc trong thời gian tới có thể được san sẻ cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn khác. Đây đồng thời cũng là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền tăng cường mạnh mẽ hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc, để các quy định về kê khai giá thuốc, niêm yết giá thuốc không chỉ còn là những quy định mang tính hình thức, đối phó.
LS. Nguyễn Văn Phúc LS. Nguyễn Nhật Dương (Công ty Luật TNHH HM&P)
TBKTSG
|