Thứ Hai, 12/02/2024 20:00

Kiếm triệu đô từ rừng nhờ bán tín chỉ carbon

Thị trường carbon không chỉ hướng đến việc bảo vệ môi trường mà còn mang lại nguồn lợi to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và đông đảo người dân.

Những cánh rừng ngoài việc bảo tồn tài nguyên và giúp người dân sinh kế nay còn có thể kiếm thêm hàng triệu đô la từ quá trình quang hợp của cây - thải khí ôxy, hấp thụ khí carbonic. Năm 2023 hơn 41 triệu USD đã được Ngân hàng Thế giới chi trả cho các hộ trồng rừng ở sáu tỉnh Bắc Trung Bộ nhờ vào việc mua tín chỉ carbon từ rừng.

Thương vụ lớn đầu tiên

Đây là thương vụ được Việt Nam ký kết với Ngân hàng Thế giới vào tháng 10-2020, với điều kiện nước ta sẽ giảm 10,3 triệu tấn khí thải carbon từ sáu tỉnh nói trên đến năm 2025. Đổi lại chúng ta sẽ nhận được tổng cộng 51,5 triệu USD, tức mỗi tín chỉ carbon sẽ được mua với giá 5 USD (mỗi tín chỉ bằng 1 tấn CO2).

Kể cho chúng tôi về câu chuyện người trồng rừng nhận 41 triệu USD, TS Nguyễn Quốc Trung, Trung tâm Bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu (Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam), coi đây là những viên gạch đầu tiên của thị trường tín chỉ carbon. Đây cũng là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (net zero).

Cũng theo TS Trung, cuối tháng 12-2023, Bộ NN&PTNT cho biết đã chuyển giao xong 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới. Điều này có nghĩa là số tiền còn lại 10,3 triệu USD, tương đương 249 tỉ đồng sắp được Ngân hàng Thế giới hoàn tất thanh toán cho Việt Nam.

Cũng vì mục tiêu này mà không phải ngẫu nhiên trong Luật Bảo vệ môi trường hiện nay quy định một nội dung đại ý là ai gây hại cho môi trường thì phải đền trả lại. Đây cũng chính là nguyên tắc hoạt động của thị trường carbon.

TS Trung cho biết để đạt được mục tiêu net zero, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực như năng lượng, GTVT, nông nghiệp, quản lý chất thải… và giao chỉ tiêu hấp thụ khí nhà kính cho lĩnh vực lâm nghiệp.

Vì thực tế lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu hấp thụ carbon rừng, tạo sự cân bằng với giảm phát thải.

Trồng rừng để có triệu đô

Theo ước tính của TS Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh), chỉ tính riêng 4,26 triệu ha rừng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, nếu được ký kết thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon giai đoạn 2022-2026 thì sẽ có thêm nguồn thu hơn 1.180 tỉ đồng (ước tính khoảng 5,15 triệu tấn CO2 với giá tối thiểu 10 USD/tấn).

Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Theo đó đến năm 2026 sẽ tạo ra được 6,1 triệu tín chỉ carbon rừng được xác minh và phát hành cho giai đoạn 2018-2025. Với giá bán hiện nay thì sẽ mang lại cho người dân tỉnh Quảng Nam nguồn thu 110-130 tỉ đồng/năm.

“Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh đang quản lý hơn 500 ha rừng tự nhiên tại Hà Tĩnh, từ bốn năm trước, khi cùng các chuyên gia Đức đo đạc chỉ số carbon theo chuẩn quốc tế thì đã cho kết quả 195 tấn carbon/ha. Con số này không chỉ thể hiện được mục tiêu về không khí lành mạnh, mà còn là lợi ích cho những ai cần chỉ tiêu carbon” - TS Nghĩa dẫn chứng.

Tuy nhiên theo TS Nghĩa, các nhà đầu tư nước ngoài khá kén việc thu mua tín chỉ từ rừng trồng, bởi ngoài tuổi thọ của cây thì thảm thực vật ở ít hơn rừng tự nhiên, khiến việc hấp thụ carbon của rừng trồng ít hơn. Vì thế cần từng bước cải tạo rừng trồng thành rừng nguyên sinh để tạo ra nguồn carbon phong phú hơn.

Những cánh rừng trong Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Ảnh: VQGCP

Sôi động thị trường tín chỉ carbon

Dù còn khá mới mẻ nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân đã tự nguyện chuẩn bị hồ sơ và tâm thế sẵn sàng tham gia thị trường carbon. Một trong số đó là Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, đây là DN đầu tiên tạo được tín chỉ carbon cho cây lúa Việt Nam, kỳ vọng sẽ bán ra khoảng 10 triệu tín chỉ carbon mỗi năm trên thị trường.

Đại diện công ty này cho biết từ năm 2020, DN đã ký kết hợp tác với một công ty quốc tế, lập dự án để thực hiện xác lập tín chỉ carbon cho mô hình canh tác lúa bền vững. Việc sử dụng quá nhiều phân bón hóa học là nguyên nhân phát thải khí nitơ, dùng nước tưới quá nhiều gây phát thải khí metan hay việc đốt bỏ rơm rạ thay vì tái sử dụng là nguồn phát thải một lượng lớn carbon. “Mô hình của chúng tôi có các giải pháp về quản lý nước, phân bón và rơm rạ sau khi thu hoạch đúng cách, giúp giảm lượng khí thải nhà kính tạo ra trong suốt một vụ lúa nước, ước tính lên đến 2.000 tấn CO2. Hiện dự án đã được trình lên hệ thống đánh giá và thẩm định của The Gold Standard” - vị này cho biết.

Dự kiến tiền bán tín chỉ, sau khi trừ các chi phí sẽ được đầu tư lại cho nông dân, vì xác định đây là phần thu thêm trong toàn chuỗi giá trị lúa gạo. Mục tiêu chính là tạo ra “hồ sơ xanh” cho xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu và Mỹ. Bởi khi luật về thuế carbon có hiệu lực vào năm 2025 ở các quốc gia này thì hồ sơ sản xuất xanh là một trong những lợi thế lớn để cạnh tranh xuất khẩu.

Từ tháng 6-2023, Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk cũng công bố đạt chứng nhận là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có trang trại và nhà máy đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060. Theo báo cáo được công bố, tổng lượng phát thải nhà kính của DN này đã trung hòa 17,560 tấn CO2, tương đương với khoảng 1,7 triệu cây xanh. Việc trung hòa đến từ đẩy mạnh các năng lượng xanh trong nhà máy và trang trại, xây dựng mô hình bò sữa theo nông nghiệp bền vững, vận dụng kinh tế tuần hoàn để sớm giảm phát thải.

Thảm thực vật ở rừng tự nhiên sẽ tạo ra nhiều tín chỉ carbon. Ảnh: VQGCP
Thảm thực vật ở rừng tự nhiên sẽ tạo ra nhiều tín chỉ carbon. Ảnh: VQGCP

Chính sách CBAM là gì?

Mới đây, EU đã đưa ra chính sách “cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM) quy định đến năm 2026 sẽ bắt đầu tính giá carbon đối với tất cả hàng nhập khẩu. Mỹ sẽ là thị trường ban hành cơ chế áp đặt thuế carbon lên các nhà nhập khẩu vào năm 2024.

Cuộc đua hàng không sạch

Các máy bay trên toàn thế giới thải ra môi trường khoảng 1 tỉ tấn khí thải carbon/năm nên rất cần đổi mới công nghệ và tìm nhiên liệu thay thế.

Mỗi năm các chuyến bay trên toàn thế giới trung bình thải ra môi trường khoảng 1 tỉ tấn khí thải carbon, chiếm 3% lượng khí thải toàn cầu, đây là một con số khá lớn khiến ngành hàng không được liệt vào ngành gây ra biến đổi khí hậu hàng đầu.

Mới đây, Liên hợp quốc đã chủ trì Hội nghị về hàng không và nhiên liệu thay thế (CAAF) tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) với đại diện của hơn 100 quốc gia và đã đạt được thỏa thuận khung toàn cầu về cắt giảm lượng khí thải carbon. Theo đó, các quốc gia cam kết giảm 5%-8% khí thải carbon vào năm 2030 bằng cách sử dụng các nhiên liệu thay thế được gọi là nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), được sản xuất từ các nguyên liệu như dầu ăn đã qua sử dụng.

Hiện một số nước đã ngay lập tức bắt tay vào quá trình đổi mới công nghệ sản xuất máy bay, tạo ra cuộc đua về ngành hàng không sạch.

Công việc quan trọng để các nước đạt được mục tiêu trên là đầu tư vào sản xuất nhiên liệu SAF vì hiện nay nó rất hạn chế và khá đắt đỏ. Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, có khoảng 300 triệu lít nhiên liệu hàng không bền vững được sản xuất trong năm 2022 và chỉ chiếm 1% tổng nhiên liệu bay của toàn cầu và đến năm 2050 thế giới cần tới 450 tỉ lít nhiên liệu SAF/năm. Trong khi hãng sản xuất máy bay Boeing cho biết sẽ tiến hành một nghiên cứu chung để xem xét mở rộng quy mô sản xuất SAF tại Đông Nam Á.

Mỗi năm ngành hàng không thế giới cần hơn 3.000 tỉ USD để phát triển nhằm đạt được mục tiêu sạch và bền vững vào năm 2050. Ngoài ra, ngành này cũng cần sự hợp tác chặt chẽ trong việc tạo dựng hệ sinh thái để các máy bay có thể sử dụng nhiên liệu sạch.

Hiện một số nước đã ngay lập tức bắt tay vào quá trình này thông qua việc đổi mới công nghệ sản xuất máy bay, tạo ra cuộc đua về ngành hàng không sạch.

Theo đó, Công ty Công nghiệp máy bay ZeRog (Trung Quốc, chuyên sản xuất các phương tiện xanh cho ngành hàng không) đã giới thiệu mô hình máy bay không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, điện khí hóa hàng không thân thiện với môi trường. Từ đây giới chức ngành hàng không Trung Quốc hy vọng có thể đưa các sản phẩm hàng không điện khí hóa vào khai thác thương mại từ năm 2035.

Một doanh nghiệp của Mỹ là Ampaire cũng đã thử nghiệm sản xuất loại máy bay hybrid điện đầu tiên trên thế giới đảm bảo cắt giảm khí thải carbon đáng kể. Máy bay đang thử nghiệm có thể chở chín hành khách, di chuyển 1.000 km và đặc biệt là giảm 70% lượng khí thải carbon so với máy bay dùng nhiên liệu thường. TH

THU

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Thiên Minh Đức đã khắc phục hơn 466 tỷ đồng nợ Quỹ bình ổn xăng dầu (11/02/2024)

>   Bắt 1 chủ tịch hội đồng thành viên và 1 giám đốc công ty (07/02/2024)

>   Đã có 6.144 cửa hàng xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng (07/02/2024)

>   Bộ Tài chính thông tin về quy định miễn thuế tại TP HCM (06/02/2024)

>   Asanzo bị cưỡng chế vì nợ gần 50 tỷ đồng tiền thuế (30/01/2024)

>   Nửa đầu tháng 1/2024, tổng thu NSNN ước đạt 43.7 ngàn tỷ đồng, bằng 2.6% dự toán năm (29/01/2024)

>   Ai thụ hưởng nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng? (29/01/2024)

>   Tháng 1/2024, Cục Quản lý thị trường TPHCM thu nộp ngân sách gần 11 tỷ đồng (29/01/2024)

>   Bộ Tài chính đề xuất 2 phương pháp định giá chung đối với hàng hóa do Nhà nước định giá (27/01/2024)

>   'Đại gia' xăng dầu Thiên Minh Đức bị cưỡng chế thuế gần 1.000 tỷ (24/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật