HFIC góp vốn vào HSC, kịch bản cũ mà vẫn mới
Sự kiện Công ty Đầu tư Tài chính Nhà Nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) đem đấu giá toàn bộ quyền mua cổ phần của CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC, HOSE: HCM) trước đợt phát hành tăng vốn dường như đang diễn ra tương tự các đợt phát hành năm 2019 và 2021…
Với nhu cầu cấp thiết phải tăng vốn, HSC đang triển khai đợt phát hành cổ phiếu tỷ lệ 2:1 ngay sau khi hoàn tất đợt trả cổ tức bằng 68.58 triệu cổ phiếu.
Quy mô phát hành cho cổ đông hiện hữu là 228.6 triệu cổ phiếu sẽ giúp cho HSC vượt mặt một số CTCK như VPS, MAS, VIX sau khi nâng vốn điều lệ lên hơn 7,500 tỷ đồng.
Cùng với đó là vị thế margin của một trong những CTCK đầu ngành sẽ tiếp tục được giữ vững khi HSC cùng SSI, TCBS, MAS, VPS, VND nằm trong nhóm 6 CTCK cho vay trên 10,000 tỷ đồng.
Margin và ứng trước của một số CTCK cuối năm 2023
|
Lẽ ra, đợt tăng vốn này đã được triển khai trong năm 2022 hoặc muộn hơn là trong năm 2023 nhưng quá trình trao đổi bằng văn bản giữa HSC với cổ đông Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM - HFIC cũng như cơ quan chủ quản của HFIC là UBND TP.Hồ Chí Minh đã làm kéo dài kế hoạch của ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Việc HFIC vừa qua công bố đấu giá công khai 105.77 triệu quyền mua HSC tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vào ngày 28/02/2024 thể hiện sự tuân thủ chặt chẽ quy định của tổ chức này.
Với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, mức giá khởi điểm 7,523 đồng/quyền không thực sự hấp dẫn bởi giá vốn để mua một cổ phần HSC sẽ là hơn 25,000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu HCM
|
Tuy nhiên, đây cũng là mức giá phản ánh đúng giá cổ phiếu đã được điều chỉnh tại ngày giao dịch không hưởng quyền vào 02/01 vừa qua. Trong trường hợp có nhà đầu tư quan tâm, HFIC sẽ sẵn sàng bán đúng giá để không gây ra thất thoát tài sản. Ngược lại, HFIC vẫn sẽ thực hiện quyền để đảm bảo quyền lợi không bị "mất trắng".
Trước đó, các phiên đấu giá tương tự đã diễn ra trong các đợt phát hành tăng vốn của HSC năm 2019 và năm 2021.
Cụ thể, sau phiên đấu giá "ế" 37.5 triệu quyền mua giá 6,200 đồng/quyền vào tháng 04/2019, HFIC đã quay lại thực hiện quyền mua 25 triệu cổ phiếu giá 14,000 đồng/cổ phiếu.
Còn trong đợt tăng vốn năm 2021, HFIC tổ chức đấu giá 73 triệu quyền mua giá 13,150 đồng/quyền và bán được 10.11% lượng đăng ký. Phần còn lại vẫn được cổ đông HFIC thực quyền mua 32.8 triệu cổ phiếu giá 14,000 đồng/cổ phiếu. Và đây chính là nguyên nhân lớn nhất khiến cho đợt tăng vốn tiếp theo của HSC bị trì hoãn do khoản vốn góp của HFIC bị treo và phải có sự chấp thuận của Chính phủ.
Cổ đông chiến lược Dragon Capital tham gia HSC kể từ 2005 luôn duy trì tỷ lệ sở hữu quanh 30% trong HFIC đang giảm dần tỷ lệ sở hữu.
|
Trở lại với phiên đấu giá quyền mua hiện tại, nhiều khả năng HFIC vẫn sẽ thực hiện quyền mua cổ phần nếu không có nhà đầu tư mua lại quyền mua trong đợt tăng vốn năm 2024. Hiện giá trị của lô quyền đấu giá là tương đối lớn, còn thị trường chưa có một đợt "sóng thần" như năm 2021 nên sẽ có ít nhà đầu tư quan tâm.
Dù vậy, cần xem đây là tín hiệu tích cực cho thấy các cấp quản lý đã cởi mở hơn trong điều hành thị trường tài chính. Đồng thời, nút thắt về tăng vốn của HSC cũng đã phần nào được tháo gỡ trong bối cảnh hàng loạt CTCK như SSI, DNSE, ACBS đang ráo riết tăng vốn. Mới nhất, CTCK Guotai Junan (IVS) đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ gấp 2 lần lên gần 1,400 tỷ đồng.
Quân Mai
FILI
|