Ấn Độ có thể gia hạn thuế xuất khẩu gạo đồ
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, có thể gia hạn thuế xuất khẩu đối với gạo đồ, nhằm giảm bớt tình trạng lạm phát lương thực trước cuộc bầu cử quốc gia và động thái có thể khiến nguồn cung gạo thế giới bị thắt chặt cũng như đẩy giá lên đỉnh mới.
Theo những nguồn thạo tin, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, người hiện tham gia tranh cử cho nhiệm kỳ thứ ba, đang xem xét giữ thuế xuất khẩu gạo độ ở mức 20%. Mức thuế này hiện sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/03. Nguồn tin cho biết thêm hiện chưa có đề xuất cấm xuất khẩu gạo đồ ngay lập tức.
Nếu đúng, động thái này có thể khiến giá gạo châu Á tăng lên. Đó sẽ là tin xấu đối với một số quốc gia ở Tây Phi và Trung Đông, những thị trường dựa vào nguồn cung gạo từ Ấn Độ để đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước.
Hiện giá gạo đã dao động gần mức cao nhất 15 năm sau khi Ấn Độ bắt đầu hạn chế xuất khẩu các loại gạo chính trong năm 2023.
Việc gia hạn thuế xuất khẩu với gạo đồ sẽ là một phần trong các biện pháp quyết liệt của chính phủ Ấn Độ nhằm kiểm soát lạm phát lương thực đã tăng gần 10% trong tháng 12 so với một năm trước đó. Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu lúa mì, đường và hầu hết loại gạo, đồng thời hạn chế tình trạng tích trữ.
Tuy nhiên, giá gạo bán lẻ ở Delhi vẫn cao hơn khoảng 11% so với một năm trước. Bộ trưởng Thực phẩm Piyush Goyal mới đây đã phát động chương trình cung cấp gạo trợ cấp cho khách hàng cá nhân trên toàn quốc. Chính phủ cũng đã bán bột mì và đậu xanh với giá rẻ hơn thị trường.
Theo dữ liệu của chính phủ, tổng xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã giảm 29% so với một năm trước đó xuống còn 12.3 triệu tấn trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2023 đến ngày 21/1/2024. Xuất khẩu gạo đồ giảm 6.5% xuống 5.8 triệu tấn trong cùng kỳ.
Quốc gia Nam Á này chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu trong năm 2022-2023.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|