Phải nâng cao thu nhập cho người trồng lúa
Chiều 30-1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì tọa đàm: Đối tác công - tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Tham dự có đại diện nhiều tổ chức quốc tế, chuyên gia nông nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh với yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu cũng ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng gạo của Việt Nam phải được nâng cao, phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng vật tư sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải. Đặc biệt, phải nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. Tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Như vậy, có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải chuyển mình.
Chính từ bối cảnh ấy, Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" đã được Chính phủ phê duyệt, ban hành với mục tiêu hình thành được một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Để triển khai đề án này, Việt Nam cần huy động các nguồn lực và tiến bộ kỹ thuật, một trong các công cụ quan trọng là Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (FIHV) được thành lập theo sáng kiến của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Bên cạnh đó là nỗ lực từ phía các cơ quan Chính phủ để phát triển những chính sách mở, tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, Việt Nam coi trọng vai trò tham gia và đồng hành của khu vực tư nhân, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và các chuyên gia trong nước và quốc tế. "Hợp tác công - tư hiệu quả và sự hỗ trợ từ các đối tác sẽ là chìa khóa thành công cho Đề án" - Bộ trưởng NN-PTNT nói.
Văn Duẩn
Người lao động
|