Thứ Sáu, 12/01/2024 08:50

Số lượng tàu container qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez đã giảm 90%

Theo Clarksons cho thấy trong tuần đầu tiên của tháng 1 số lượng tàu container qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez giảm trong khi số tàu chuyển hướng đi qua Nam Phi đã tăng gấp đôi kể từ tháng 12/2023.

Tàu thuyền di chuyển qua kênh đào Suez. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ khi xảy ra các cuộc tấn công và đe dọa tấn công của lực lượng Houthi sau căng thẳng tại Dải Gaza, đã có 257 tàu hàng thương mại quốc tế đã phải chuyển hướng khỏi hành trình qua Biển Đỏ.

Số liệu cập nhật ngày 10/1 của Project44, Công ty chuyên về Dữ liệu Vận tải Quốc tế, cho thấy chỉ còn 5 tàu đang thả neo trên Biển Đỏ để chờ diễn biến. 18 tàu khác đã quyết chuyển hướng đi vòng qua Nam Phi để tránh rủi ro, bất chấp thời gian hành trình sẽ tăng thêm từ 7 ngày đến 20 ngày.

Ngoài ra, để đảm bảo thời gian hành trình, các tàu hàng sẽ phải tăng tốc độ, dẫn đến chi phí nhiên liệu gia tăng và sẽ ảnh hưởng tới cước vận chuyển trong thời gian tới.

Số lượng tàu container đi qua Kênh đào Suez của Ai Cập cũng giảm mạnh xuống còn 5,8 tàu trong tuần vừa qua.

Số liệu của hãng Vận tải Biển Clarksons cũng cho thấy trong tuần đầu tiên của tháng 1/2024 số lượng tàu container qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez đã giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái; đồng thời số lượng tàu phải chuyển hướng đi qua Nam Phi đã tăng gấp đôi kể từ tháng 12/2023.

Trong khi đó, theo Công ty Phân tích Dữ liệu Everstream, cước phí vận tải đường biển các tuyến giữa châu Á-châu Âu và châu Á-Bắc Mỹ đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi xảy ra xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tại Dải Gaza. Thông thường, cước phí các tuyến này không bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình Kênh đào Suez.

Tuy nhiên, mực nước xuống thấp tại Kênh đào Panama khiến hoạt động vận tải biển quốc tế trở nên phụ thuộc hơn vào tuyến đi qua Biển Đỏ. Do vậy, một số công ty vận tải và logistics đang tăng cường loại hình đa phương thức để đưa hàng từ châu Á đến Bờ Đông của Mỹ, đồng thời tăng cước phí thêm 63%.

Everstream dự đoán trong thời gian tới nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không sẽ tăng lên để bù đắp cho năng lực vận chuyển sụt giảm bằng đường biển.

Cũng theo Everstream, các chuyến tàu chở hàng kết nối giữa châu Á và Bắc Âu nếu phải đi đường vòng sẽ khiến chi phí nhiên liệu tăng thêm tới 1 triệu USD cả đi lẫn về. Tính tổng cộng, kể từ tháng 11/2023, chi phí phát sinh của tất cả các chuyến tàu hàng đã lên tới 200 tỷ USD.

Dự báo tổng công suất chuyên chở container của thế giới, đang ở mức 24,6 triệu TEU (đơn vị container 20 feet), sẽ giảm khoảng 10-15% vì bất ổn trên Biển Đỏ./.

Vũ Hội

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   Lạm phát Mỹ tăng tốc trở lại trong tháng 12, kỳ vọng Fed sớm giảm lãi suất tiêu tan? (11/01/2024)

>   Quan chức Fed: Vẫn còn quá sớm để kêu gọi cắt giảm lãi suất (11/01/2024)

>   Chờ đợi gì từ báo cáo CPI Mỹ tối nay? (11/01/2024)

>   Hai quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục phụ thuộc vào than trong 10 năm tới? (11/01/2024)

>   ECB khẳng định sẽ hạ lãi suất khi lạm phát được giữ vững ở mức 2% (11/01/2024)

>   Năm 2024 sẽ bùng nổ làn sóng hạ lãi suất trên toàn cầu? (13/01/2024)

>   WB: Kinh tế thế giới sắp bước vào nửa thập kỷ tăng trưởng tệ nhất trong 30 năm (10/01/2024)

>   WB: Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp (10/01/2024)

>   Giá cước vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ tăng gần 250% (10/01/2024)

>   Thống đốc Fed: NHTW có thể đã dừng nâng lãi suất, nhưng chưa sẵn sàng giảm lãi suất (09/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật