Thứ Bảy, 13/01/2024 10:02

Năm 2024 sẽ bùng nổ làn sóng hạ lãi suất trên toàn cầu?

Khi thế giới chuẩn bị bước sang năm mới, các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp và người tiêu dùng thế giới đều có chung một kỳ vọng: Chính sách tiền tệ trên toàn cầu sẽ đảo chiều.

Trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023, ngân hàng trung ương các nước phát triển phát đi thông điệp quá trình thắt chặt mạnh tay đã kết thúc. Chỉ riêng Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương nước này vẫn kiên quyết giữ lãi suất âm và ra tín hiệu không sớm thay đổi lập trường.

Việc các ngân hàng trung ương dừng nâng lãi suất là bước ngoặt với cuộc chiến chống lạm phát năm nay, nhưng họ vẫn chần chừ trong việc tuyên bố chiến thắng và đang đối mặt với sự kỳ vọng quá mức của các thị trường tài chính.

Lạm phát hạ nhiệt

Trong năm qua, sự bình thường hóa của chuỗi cung ứng, cùng với thị trường hàng hóa hạ nhiệt (nhất là năng lượng) đã góp phần kéo giảm lạm phát ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới.

Tại Mỹ, lạm phát tổng thể của Fed ở mức 3.1% trong tháng 11/2023, vẫn cao hơn mực tiêu 2% nhưng đã hạ nhiệt đáng kể từ mức 9.1% hồi tháng 6/2022. Tuy vậy, lạm phát lõi – loại trừ thực phẩm và năng lượng – vẫn dao động quanh mốc 4%. Trong khi đó, cách hoạt động kinh tế của Mỹ vẫn vững chắc, với GDP tăng trưởng 5.2% trong quý 3 (đã hiệu chỉnh theo cơ sở hàng năm).

Còn lạm phát tổng thể tại Anh giảm nhanh xuống 3.9% trong tháng 11/2023 , mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021 và hạ nhiệt đáng kể so với mức 11.1% hồi tháng 10/2022. Còn lạm phát lõi - loại trừ thực phẩm, năng lượng, đồ uốn có cồn và thuốc lá - ở mức 5.1% so với cùng kỳ. Trong tháng 10/2023, GDP Anh giảm 0.3% so với tháng trước, sau khi đi ngang trong quý 3/2023.

Trong khi đó, ở Eurozone, lạm phát cơ sở 12 tháng đã hạ nhiệt từ 10.6% hồi tháng 10/2022 xuống còn 2.4% trong tháng 11/2023, rất gần với mục tiêu 2%. Tuy vậy, các quan chức ECB vẫn cảnh báo áp lực tiền lương và sự biến động của thị trường năng lượng có thể khiến lạm phát tăng trở lại.

Diễn biến CPI tổng thể
Diễn biến CPI lõi

Xu hướng hạ nhiệt của lạm phát được kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong năm 2024. Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia kinh tế Goldman Sachs, đã đưa ra dự báo về lạm phát lõi ở các nền kinh tế chứng kiến lạm phát tăng vọt thời hậu dịch bệnh (như Mỹ, châu Âu và một số thị trường mới nổi) sẽ giảm xuống gần mức mục tiêu của các NHTW trong năm tới.

Còn Michael Saunders, Cố vấn cấp cao tại Oxford Economics, kỳ vọng lạm phát Eurozone chạm mức 1.3% trong quý 4/2024 và ở Anh là 2.7% và ở Mỹ là về 2.2% (tính theo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân - PCE).

Ông Saunders, cựu thành viên của NHTW Anh, cho hay: “Lạm phát sẽ trở về mục tiêu của NHTW châu Âu nhanh hơn so với các khu vực khác. Điều này là thị trường lao động ở Anh và Mỹ vẫn còn mạnh và đang hạ nhiệt từ từ”.

Vậy năm 2024 liệu có diễn ra làn sóng giảm lãi suất?

Lạm phát hạ nhiệt, cùng với dấu hiệu chững lại của các nền kinh tế lớn, đã dọn đường cho các đợt giảm lãi suất trong năm tới.

Giới phân tích cho rằng các ngân hàng trung ương không nhất thiết phải chờ đến khi lạm phát xuống 2% mới giảm lãi. Việc giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh lạm phát tiếp tục chậm lại sẽ không phù hợp trong dài hạn. Đây là điều mà một số quan chức Fed đã nghĩ đến khi thảo luận về chính sách tiền tệ năm tới, đặc biệt trong bối cảnh họ muốn kinh tế Mỹ hạ cánh mềm.

Theo các chuyên gia, việc giữ quan điểm thắt chặt lâu quá mức cần thiết cũng sẽ kéo theo nhiều rủi ro. Đó là hoạt động kinh tế giảm nhanh, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh và suy thoái. Đây là điều rất nhiều nước đang cố tránh.

Thị trường hiện kỳ vọng các ngân hàng trung ương nới lỏng mạnh hơn dự kiến.

Tại cuộc họp tháng 12/2023, Fed dự báo có thể giảm 75 điểm cơ bản trong năm sau, tương đương với 3 đợt hạ lãi suất 25 điểm cơ bản. Trong khi đó, các trader kỳ vọng có 6 đợt hạ lãi suất, với tổng mức giảm 150 điểm cơ bản và đợt đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 5/2024.

Trong buổi họp báo sau phiên họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết quá trình thắt chặt chính sách lịch sử có thể đã chấm dứt và các cuộc thảo luận về giảm lãi "đang đến gần". Tuy nhiên, ông và các quan chức Fed cũng không loại trừ khả năng tiếp tục nâng lãi.

Còn tại châu Âu, nguồn tin của Reuters cũng cho biết ECB không thể giảm lãi suất trước tháng 6. Trong khi đó, thị trường cho rằng việc này sẽ diễn ra vào tháng 3.

Tại Anh, BoE vẫn tỏ ra “diều hâu” và nói rằng sẽ duy trì lãi suất cao trong một khoảng thời gian dài. Tuy vậy, với việc lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng trong tháng 11/2023, thị trường vẫn kỳ vọng NHTW Anh sẽ hạ lãi suất trong năm 2024.

Đi ngược với xu hướng của toàn cầu, Nhật Bản lại có khả năng nâng lãi suất để chấm dứt chính sách siêu nới lỏng trong năm 2024.

Ngày 25/12, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda cho biết khả năng đạt được mục tiêu lạm phát của BoJ đang tăng dần và sẽ xem xét thay đổi chính sách nếu triển vọng đạt được mục tiêu lạm phát 2% tăng đáng kể.

“Nếu chu kỳ tác động giữa tiền lương và giá cả tăng lên, cộng với khả năng đạt được mục tiêu giá cả một cách bền vững và ổn định cũng tăng theo, chúng tôi có thể sẽ xem xét thay đổi chính sách”, ông Ueda cho biết.

Xét trên phương diện toàn cầu, các chiến lược gia Bank of America dự báo có 152 đợt giảm lãi suất trong năm 2024, mức cao nhất kể từ năm 2009.

Những yếu tố tác động tới chính sách tiền tệ trong năm 2024

Chìa khóa cho động thái của các ngân hàng trung ương là lạm phát. Dự báo trong năm 2024, lạm phát trên thế giới sẽ tiếp tục hạ nhiệt với đà giảm của giá năng lượng, sự ổn định của giá thực phẩm và thị trường lao động hạ nhiệt.

Yếu tố chính trị cũng có thể góp phần vào việc này. Năm 2024 sẽ chứng kiến hàng loạt cuộc bầu cử lớn trên thế giới. Ví dụ, bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra tháng 11/2024. Vì thế, các thống đốc có thể không muốn đưa ra bước ngoặt chính sách, để tránh bị coi là có động cơ chính trị.

Khi năm 2023 sắp khép lại, thế giới lại chứng kiến thêm một sự kiện làm phức tạp quá trình giảm lãi suất: Nhóm Houthi tại Yemen đang quấy nhiễu các tàu chở hàng ở Biển Đỏ, buộc tàu thuyền chuyển hướng. Việc này có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng sức ép lên lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương càng khó ra quyết định.

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   WB: Kinh tế thế giới sắp bước vào nửa thập kỷ tăng trưởng tệ nhất trong 30 năm (10/01/2024)

>   WB: Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp (10/01/2024)

>   Giá cước vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ tăng gần 250% (10/01/2024)

>   Thống đốc Fed: NHTW có thể đã dừng nâng lãi suất, nhưng chưa sẵn sàng giảm lãi suất (09/01/2024)

>   Một tỷ phú Trung Quốc là người nước ngoài sở hữu đất nhiều thứ hai tại Mỹ (09/01/2024)

>   Những xu hướng kinh doanh, rủi ro trong năm 2024 (08/01/2024)

>   Khả năng các hãng vận tải biển sẽ gặp khó khăn hơn trong năm 2024 (08/01/2024)

>   Bank of America: Các công ty dầu mỏ Mỹ sẽ đối mặt năm 2024 đầy thử thách (07/01/2024)

>   Tin buồn của Fed: Thị trường việc làm tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 12/2023 (05/01/2024)

>   “Bất động sản Trung Quốc cần hơn 10 năm để giải quyết hàng tồn kho” (05/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật