Nhiều khó khăn kéo dài của doanh nghiệp được TP HCM tháo gỡ
Từ 133 kiến nghị tháo gỡ khó khăn được Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM gửi lên, thành phố đã nỗ lực giải quyết. Nhờ vậy, nhiều điểm nghẽn kéo dài đã chuyển biến tích cực hơn.
Ngày 17-1, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nêu con số tăng trưởng kinh tế của thành phố (GRDP) quý I/2023 đạt 0,7%, đến IV/2023 đã tăng lên 9%, nâng GRDP cả năm đạt 5,8%. Điều này cho thấy sự nỗ lực lớn từ phía doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng thành phố phát triển.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị
|
TP HCM hiện có 564.650 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong năm vừa qua, thành phố đã tập trung thực hiện đồng bộ, nhất quán các giải pháp, nhiệm vụ để cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư; nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nội dung chỉ đạo về tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, cho doanh nghiệp.
Nhiều vấn đề bất cập, nhiều điểm nghẽn kéo dài được tập trung tháo gỡ: giải quyết xong 132/232 kiến nghị (56,9%) của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc thành phố; giải quyết đối với 189 kiến nghị của 148 dự án của doanh nghiệp bất động sản, 129/133 kiến nghị của doanh nghiệp tư nhân và 610/616 kiến nghị của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM chính thức ra mắt giao diện mới của website www.huba.vn.
|
Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thúc đẩy giải pháp tăng trưởng xanh và tăng trưởng số trên mọi lĩnh vực.
Đặc biệt, thành phố sẽ thực hiện kiểm toán và định lượng khí phát làm cơ sở để doanh nghiệp, cộng đồng thực hiện chuyển đổi xanh...
Thành phố tiếp tục đặt kỳ vọng vào HUBA, vốn có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần vào công cuộc phục hồi để doanh nghiệp có bước phát triển mới.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch HUBA, cho biết năm 2023, hiệp hội đã tập hợp gửi đến thành phố 133 kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong nhiều lĩnh vực của doanh nghiệp.
Theo đó, nhiều điểm nghẽn kéo dài đã chuyển biến tích cực hơn. Thành phố đã tháo gỡ vướng mắc liên quan đến nhiều dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia trên địa bàn thành phố có tác động lan tỏa được đưa vào khai thác. Nhiều dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn đọng cần được tiếp tục giải quyết. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp TP HCM kiến nghị thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được tham gia dự thầu các dự án đầu tư công và được vay vốn từ chương trình kích cầu; sớm thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất đến hạn và ban hành giá đất khu công nghiệp để hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Bên cạnh đó, thành phố tạo điều kiện đón nhận dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài; hỗ trợ lãi suất cho cả nhà đầu tư và người mua; tăng cường tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại giao thương.
Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số kết hợp xây dựng bộ cơ sở dữ liệu dùng chung cho từng ngành, lĩnh vực; xây dựng bộ chỉ số xanh và thành lập thị trường tín chỉ carbon, điện mặt trời, điện mái nhà,.... giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thanh Nhân
Người lao động
|