Thứ Sáu, 12/01/2024 08:17

Kỳ vọng gì ở chính sách tiền tệ 2024?

Lãi suất, một trong những công cụ điều hành chính sách tiền tệ được cho là sẽ khó giảm thêm trong năm 2024. Còn kịch bản điều hành vẫn sẽ tập trung nhiều cho câu chuyện hỗ trợ tăng trưởng và “cảnh giác” với lạm phát, tỷ giá và nợ xấu.

Tỷ giá từng gây áp lực không nhỏ đến điều hành chính sách tiền tệ trong hai năm qua. Ảnh minh họa: L.V.

Khó giảm thêm lãi suất

Khác biệt với giai đoạn 2022-2023, thị trường gần đây không còn đặt nặng việc giảm lãi suất trong điều hành chính sách tiền tệ. Trong cuộc họp báo mới đây, Phó thống đốc Đào Minh Tú nói rằng việc giảm lãi suất sẽ còn phải nhìn rất nhiều yếu tố khác để đảm bảo cân đối vĩ mô, nhưng “tinh thần là nếu giảm được thì giảm tiếp”.

Trong nhận định về việc điều hành chính sách tiền tệ công bố đầu năm, hầu hết các chuyên gia đồng thuận cho rằng lãi suất điều hành sẽ khó giảm thêm trong năm nay, thậm chí còn có kịch bản tăng.

Theo ông Brian Lee Shun Rong, Kinh tế gia của Tập đoàn MayBank Investment Bank, lãi suất đã được giảm hơn 150 điểm cơ bản trong năm 2023, và có thể sẽ không giảm thêm nữa do nền kinh tế đang phục hồi. “NHNN vẫn sẽ duy trì lãi suất chính sách trong năm 2024 và 2025. NHNN có thể kiên nhẫn trong việc duy trì lãi suất do lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu và thị trường bất động sản đang suy thoái”, ông Brian bình luận.

Tương tự, nhóm phân tích của Standard Chartered kỳ vọng lãi suất sẽ giữ nguyên mặc dù việc cắt giảm lãi suất có thể xảy ra. “Standard Chartered dự báo việc nới lỏng tiền tệ có thể sắp kết thúc do kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, đánh giá.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất chậm nhưng thặng dư thương mại cao (do nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu), NHNN đã có động thái giảm lãi suất (tổng cộng 150 điểm cơ bản) trong nửa đầu năm 2023.

Tuy nhiên, việc lãi suất tiền đồng đi ngược chiều với lãi suất đô la Mỹ của Fed, đã khiến cho chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền tăng lên. Khoảng cách này, cộng thêm với việc chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ với rổ ngoại tệ mạnh khác) liên tục lập đỉnh mới, đã tạo áp lực lên tỷ giá, có thời điểm giảm 4% so với đầu năm.

Dù vậy, NHNN vẫn giữ lãi suất và không can thiệp bán ngoại tệ, thay vào đó là can thiệp vào thị trường liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng có giai đoạn tăng nhanh. Hệ quả chung là lãi suất huy động giảm dần và tăng tốc giảm mạnh vào nửa cuối năm.

Theo đó, lãi suất liên ngân hàng quanh vùng 0,2-0,5%, trong khi thị trường tiền gửi dân cư vẫn tiếp tục duy trì mức giảm, đều được đánh giá là vùng thấp kỷ lục. Thống kê của NHNN cho thấy lãi suất bình quân huy động ở các ngân hàng thương mại bình quân 3,9%/năm, còn lãi suất cho vay phát sinh mới là 6,7%/năm, giảm trên 2,5%/năm so với cuối năm 2022.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán VCBS mới đây, sau khi NHNN thực hiện bốn lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động giảm nhanh và lãi suất cho vay thực tế đã ghi nhận giảm khoảng 2-2,5% tại các khoản vay mới. Tuy nhiên, lãi suất dành cho các khoản vay hiện hữu vẫn ở ngưỡng cao khoảng trên 10%/năm do có độ trễ 3-6 tháng so với lãi suất huy động và có sự phân hóa về mức độ giảm giữa các ngành nghề.

Dù lãi suất điều hành được nhận định là khó giảm thêm, nhưng kỳ vọng thị trường hiện nay là lãi suất cho vay thực tế sẽ còn tiếp tục giảm, khi chi phí huy động vốn ở các ngân hàng tiếp tục giảm dần. Nhóm phân tích của VCBS cũng kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 1-1,5% trong năm 2024.

Những rủi ro trong kịch bản điều hành

Câu chuyện rủi ro đầu tiên được nhắc nhiều là về tỷ giá. “Tỷ giá ổn định đồng nghĩa rằng mặt bằng lãi suất của Việt Nam cũng sẽ ổn định, bởi vì việc tăng, giảm lãi suất tiền đồng trong giai đoạn 2022-2023 đều liên quan đến vấn đề tỷ giá”, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital, đánh giá.

Trong hai năm qua, dấu ấn điều hành chính sách tiền tệ dựa trên việc ổn định tỷ giá là rất rõ nét. Mặc dù áp lực tăng mạnh vào cuối quí 3, nhưng vào cuối năm 2023, tỷ giá chỉ tăng 2,9% so với cuối năm 2022, đồng nghĩa với việc mất giá ở mức chấp nhận được.

Một điểm đáng chú ý khác là trong năm 2024, thị trường quay trở lại câu chuyện kỳ vọng về việc FED sẽ giảm lãi suất như thế nào, thay vì phải đoán tăng như thế nào trong hai năm qua. “NHNN sẽ phải thận trọng hơn trước những lo ngại về tỷ giá hối đoái, do FED nắm giữ lãi suất đô la Mỹ ở mức cao nhất trong nhiều thập niên trong nửa đầu năm 2024”, ông Brian lưu ý.

Mặt khác, nhóm phân tích của Standard Chartered thì tỏ ý lo ngại lạm phát quay trở lại. Trong báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2023, lạm phát được dự báo tăng từ mức 3,3% năm 2023 lên 5,5% vào năm 2024.

“Chúng tôi kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ xây dựng chính sách cân bằng giữa hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chống lạm phát gia tăng cũng như sự suy yếu tiền tệ. Lạm phát và khoảng cách rộng giữa chi tiêu và thu nhập có thể dẫn đến những hành vi tìm kiếm lợi nhuận và rủi ro bất ổn tài chính”, ông Tim Leelahaphan, Standard Chartered, chia sẻ thêm.

Tương tự, nhà phân tích của Maybank IB cũng cho rằng trong kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, rủi ro tiềm ẩn là lạm phát có thể cao hơn dự kiến. Thêm nữa, điều hành chính sách tiền tệ nếu cởi mở quá mức cũng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính. Cả hai rủi ro này có thể dẫn đến việc NHNN có thể sẽ tăng lãi suất trở lại bình thường khi tình hình ổn định hơn.

Câu chuyện tăng trưởng đến đâu vì thế sẽ là một biến số quan trọng. Theo báo cáo chiến lược tháng 1 của Công ty chứng khoán SSI, thông điệp chính của năm nay vẫn là tăng trưởng, có thể hiểu Chính phủ vẫn duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng. Còn các rủi ro là kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, xung đột địa chính trị gia tăng.

Đứng từ góc độ quản lý các tổ chức tín dụng, lãnh đạo NHNN cũng nói thêm rằng có hai điểm cần chú ý trong vấn đề điều hành chính sách. Một là rủi ro khi nợ xấu trong nền kinh tế cũng đang tăng nhanh theo. Hai là gánh nặng tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn gặp phải rủi ro kỳ hạn. Bài toán khó của thị trường tín dụng là có đến 80% tiền huy động đến từ khoản huy động ngắn hạn, nhưng có khoảng 50% dư nợ bị định giá bởi lãi suất cho vay trung và dài hạn (thường dựa vào lãi suất trung và dài hạn 12-24 tháng cộng thêm biên độ).

Dũng Nguyễn

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Năm 2023, giao dịch trên ATM giảm về số lượng lẫn giá trị giao dịch (11/01/2024)

>   Năm 2023, tăng trưởng kinh tế TPHCM đạt 5.81%, tăng trưởng tín dụng 9.8% (11/01/2024)

>   Eximbank dành nhiều ưu đãi cho Khách hàng doanh nghiệp thanh toán quốc tế (11/01/2024)

>   Lãi suất cho vay thấp nhất 20 năm: Mua nhà bây giờ hay bao giờ? (11/01/2024)

>   Khởi tố nhóm đối tượng mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng (10/01/2024)

>   Tín dụng tăng vọt cuối năm nhưng vì sao không gây sức ép lên lãi suất? (10/01/2024)

>   NHNN: Trên 90% giao dịch ngân hàng thực hiện qua kênh số (09/01/2024)

>   Có nên giảm dư nợ cấp tín dụng cho mỗi khách hàng? (09/01/2024)

>   7 lĩnh vực người có chức vụ thuộc NHNN sau khi thôi chức không được thành lập doanh nghiệp (08/01/2024)

>   Lượng tiền gửi năm 2023 cao nhất trong lịch sử, hơn 13.5 triệu tỷ đồng (08/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật