Thứ Tư, 10/01/2024 11:02

Tín dụng tăng vọt cuối năm nhưng vì sao không gây sức ép lên lãi suất?

Sau nhiều năm, tăng trưởng tín dụng mới lại thấp hơn tăng trưởng tiền gửi của toàn hệ thống trong năm 2023 vừa qua, bất chấp tín dụng đã có màn nhảy vọt trong tháng cuối năm. Đâu là yếu tố dẫn dắt xu hướng này và hệ quả là gì?

Lãi suất thấp, huy động vốn vẫn tốt

Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế năm 2023 đạt 13.71%, theo số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước. Con số này dù thấp hơn mục tiêu 14.5% đặt ra trong năm 2023, nhưng nếu so với mức tăng trưởng 11 tháng chỉ mới đạt 9.15%, có thể thấy hoạt động cho vay trong tháng 12 của các tổ chức tín dụng đã tăng tốc mạnh mẽ như thế nào.

Dù vậy, mặt bằng lãi suất trong giai đoạn cuối năm 2023 vẫn khá ổn định, thậm chí chứng kiến không ít nhà băng tiếp tục giảm thêm lãi suất tiền gửi, cho thấy thanh khoản của hệ thống vẫn rất dồi dào. Kết quả này nhờ vào hoạt động huy động vốn của các ngân hàng vẫn tăng trưởng khả quan, bất chấp mặt bằng lãi suất liên tục được kéo xuống mức thấp.

Cũng theo số liệu cập nhật gần nhất từ phía cơ quan quản lý, năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13.5 triệu tỷ đồng, là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Nếu so với lượng tiền gửi vào cuối năm 2022 là hơn 11.8 triệu tỷ đồng, mức tăng trưởng tiền gửi của hệ thống trong năm 2023 vừa qua có thể lên đến hơn 14.2%, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2016 đến nay. Quy ra số tuyệt đối, lượng tiền gửi trong năm 2023 tăng ròng 1.68 triệu tỷ đồng, cao hơn mức tăng ròng của dư nợ tín dụng là 1.63 triệu tỷ đồng.

Trong bối cảnh triển vọng nền kinh tế không mấy khả quan, rủi ro tiềm ẩn vẫn cao, dòng tiền nhàn rỗi tiếp tục lựa chọn tiết kiệm ngân hàng như là kênh đầu tư an toàn. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn thời gian qua vẫn ưu tiên nắm giữ tiền mặt và gửi ngân hàng, thay vì mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đây là một hiện tượng không tích cực cho nền kinh tế, cho thấy dòng vốn luân chuyển trong nền kinh tế đang chậm lại và ưu tiên “trú chân” tại ngân hàng.       

Trong khi đó, dòng vốn từ nước ngoài đổ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tích cực, làm gia tăng lượng cung ứng tiền trong nền kinh tế. Việc giá vàng tăng vọt lên mức kỷ lục gần đây có thể cũng đã kích thích một bộ phận người dân bán vàng và chuyển sang nắm giữ tiền đồng gửi ngân hàng. Trong khi đó, thị trường ngoại hối ít biến động, triển vọng tỷ giá USD/VNĐ thời gian tới tiếp tục ổn định khi đồng USD trên thị trường quốc tế đứng trước xu hướng giảm trở lại, nên cũng hạn chế các hoạt động tích trữ ngoại tệ, đầu cơ tỷ giá. Thay vào đó, dòng tiền ưu tiên VNĐ để gửi ngân hàng hưởng lãi suất.

Ngoài ra, các dự án đầu tư công được đẩy mạnh vào các tháng cuối năm nên lượng vốn giải ngân từ ngân sách Nhà nước cho các nhà thầu cũng tăng mạnh, góp phần làm tăng lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng. Số liệu thống kê cho thấy vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt 625.3 ngàn tỷ đồng, bằng 85.3% kế hoạch năm và tăng 21.2% so với năm trước.

Tiền đề thuận lợi cho năm 2024

Với mức tăng trưởng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư cao hơn tăng trưởng tín dụng như trên, dư nợ tín dụng thời điểm cuối năm 2023 chỉ còn cao hơn tiền gửi khách hàng của toàn ngành xấp xỉ 59,000 tỷ đồng, thu hẹp từ mức chênh lệch gần 105,000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Dĩ nhiên cần lưu ý rằng nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng ngoài tiền gửi còn bao gồm lượng giấy tờ có giá đã phát hành và nguồn vốn tự có cấp 1 của các nhà băng, do đó tổng nguồn vốn của các ngân hàng vẫn cao hơn nhiều so với số dư nợ tín dụng.

Nếu nhìn lại thời điểm năm 2022, tăng trưởng tín dụng cả năm lên đến 14.2%, nhưng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư chỉ tăng gần 8%, do đó dễ hiểu vì sao thanh khoản hệ thống giai đoạn quý 4 năm 2022 trở nên căng thẳng và đẩy lãi suất tăng vọt lên như vậy. Dĩ nhiên thị trường giai đoạn đó cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi sự kiện ngân hàng SCB đặt dưới kiểm soát đặc biệt vào tháng 9/2022 và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị đứt gãy khi rủi ro gia tăng.

Với mức tăng trưởng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư cao hơn tăng trưởng tín dụng như trên, dư nợ tín dụng thời điểm cuối năm 2023 chỉ còn cao hơn tiền gửi khách hàng của toàn ngành xấp xỉ 59,000 tỷ đồng, thu hẹp từ mức chênh lệch gần 105,000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Dĩ nhiên cần lưu ý rằng nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng ngoài tiền gửi còn bao gồm lượng giấy tờ có giá đã phát hành và nguồn vốn tự có cấp 1 của các nhà băng, do đó tổng nguồn vốn của các ngân hàng vẫn cao hơn nhiều so với số dư nợ tín dụng.

Năm 2023 mọi thứ lại diễn ra ngược lại, nhờ huy động vốn tăng trưởng quá mạnh mẽ, đã bù đắp được dư nợ tín dụng tăng vọt cuối năm. Do đó mặt bằng lãi suất vẫn duy trì xu hướng đi xuống như đã nói, mà động thái liên tục giảm lãi suất tiền gửi ở cả nhóm NHTM Nhà nước như Vietcombank, Agribank, BIDVVietinbank vào các tháng cuối năm 2023 là minh chứng rõ nhất.

Đây cũng là tiền đề thuận lợi cho các ngân hàng đẩy mạnh phát triển kinh doanh trong năm 2024, nhất là khi hạn mức tăng trưởng tín dụng của các nhà băng đã được NHNN phân bổ hết ngay từ đầu năm 2024, dựa trên mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành là 15%, thay vì phân bổ theo hàng quý hoặc định kỳ mới nới thêm room tín dụng như những năm trước.

Nguồn vốn dồi dào hơn với mặt bằng lãi suất thấp hơn, cộng thêm lượng tiền gửi giai đoạn lãi suất cao đang đáo hạn dần, cũng giúp các ngân hàng có thêm động lực kéo giảm thêm lãi suất cho vay để kích thích tín dụng, như định hướng của nhà điều hành. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN cho biết ngành ngân hàng sẽ phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Dù vậy, không loại trừ khả năng xu hướng này cũng có thể đảo chiều trong năm 2024. Với triển vọng kinh tế hồi phục tốt hơn sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng đầu tư hơn. Khi đó, không chi lượng vốn nhàn rỗi gửi tại các ngân hàng đứng trước áp lực suy giảm, mà nhu cầu vay vốn tăng cũng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên cao hơn. Hệ quả là tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn tăng trưởng tiền gửi khách hàng trở lại giống như những năm trước.

Đặc biệt, nếu để tăng trưởng tín dụng vượt quá xa so với tăng trưởng tiền gửi, thanh khoản hệ thống có thể lại đối mặt với căng thẳng và gây sức ép lên lãi suất. Đây là xu hướng hướng cần phải được theo dõi chặt chẽ. Về cơ bản, việc giữ ổn định lãi suất quan trọng hơn và cần được ưu tiên hơn, thay vì thúc đẩy tín dụng bằng mọi giá, mà có thể vừa khiến dòng vốn chạy vào những khu vực rủi ro cao, vừa gia tăng rủi ro mất cân đối giữa nguồn vốn đầu vào và sử dụng vốn đầu ra của hệ thống nói chung và từng tổ chức tín dụng nói riêng.

Thụy Nhiên

FILI

Các tin tức khác

>   NHNN: Trên 90% giao dịch ngân hàng thực hiện qua kênh số (09/01/2024)

>   Có nên giảm dư nợ cấp tín dụng cho mỗi khách hàng? (09/01/2024)

>   7 lĩnh vực người có chức vụ thuộc NHNN sau khi thôi chức không được thành lập doanh nghiệp (08/01/2024)

>   Lượng tiền gửi năm 2023 cao nhất trong lịch sử, hơn 13.5 triệu tỷ đồng (08/01/2024)

>   Lãi suất tiền gửi hình thành đáy mới tháng đầu năm 2024 (09/01/2024)

>   Thủ tướng yêu cầu NHNN không để bị động về chính sách tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn (08/01/2024)

>   Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6.7% năm 2024 (08/01/2024)

>   Ấn tượng của giải Eximbank Golf Tournament 2024 (08/01/2024)

>   Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Về cơ bản, ngành ngân hàng đã đạt mục tiêu đề ra năm 2023 (08/01/2024)

>   VietinBank: Tổng tài sản cuối năm 2023 đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tín dụng tăng gần 16% (08/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật