Thứ Sáu, 26/01/2024 08:22

Hàn Quốc xem xét ‘bêu xấu’ những công ty niêm yết có quản trị kém

Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) đang xem xét “chỉ mặt gọi tên” những doanh nghiệp niêm yết có hệ thống quản trị yếu kém. FSC muốn học tập chính sách tương tự của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo ở Nhật Bản, nơi đang thành công trong nỗ lực tăng mức định giá doanh nghiệp bằng cách thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết cải cách quản trị.

Các cổ phiếu trong chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc đang giao dịch với tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách (P/B) dưới 0,9, so với 1,3 ở Nhật Bản và 2,1 ở Đài Loan. Chỉ số này thấp cho thấy mức định giá của doanh nghiệp suy yếu. Ảnh: Pulse News

Hôm nay (25-1), hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức giấu tên của FSC cho biết như trên. Theo quan chức này, Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc sẽ thiết kế một chỉ số để đo lường nỗ lực cải cách của doanh nghiệp nằm trong danh sách có hệ thống quản trị kém. Chỉ số này dự kiến được xây dựng xong trong quí 1-2024.

Tuần trước, Chủ tịch FSC Kim Joo-hyun cho biết, những công ty đại chúng giao dịch dưới giá trị sổ sách sẽ được yêu cầu tiết lộ các cải cách quản trị trên cơ sở tự nguyện. Sau đó, FSC sẽ công bố danh sách các công ty đã cải thiện và những công ty chưa cải thiện, một biện pháp tương tự như những gì Sở giao dịch chứng khoán Tokyo đã làm.

Hiệu suất kém của chứng khoán Hàn Quốc so với Nhật Bản khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thất vọng. Chỉ số MSCI Korea Index tăng 5,5% trong 12 tháng qua, tụt hậu so với mức tăng gần 30% của chỉ số MSCI Japan Index. Mức định giá của các doanh nghiệp lớn quy mô toàn cầu ở Nhật Bản tăng mạnh trong năm qua nhờ cải thiện quản trị và thu nhập ở thị trường nước ngoài một phần là do đồng yen suy yếu.

Một quan chức của Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cho biết, cơ quan này sẽ khảo sát các công ty, nhà đầu tư và những người tham gia thị trường khác trước khi giới thiệu những sáng kiến nói trên.

“Nhật Bản và Hàn Quốc từ lâu bị coi những nước tụt hậu về quản trị doanh nghiệp ở châu Á. Giờ đây, chúng tôi chứng kiến Nhật Bản đang tiến bộ trong khi Hàn Quốc lùi lại phía sau khi các doanh nghiệp gia đình kiểm soát quyền lực ở nước này tiếp tục giành được sự ủng hộ cho việc duy trì các quy định mà theo quan điểm của chúng tôi là không còn phù hợp”, Jonathan Pines, nhà quản lý danh mục đầu tư của Federated Hermes viết trong báo cáo gửi cho nhà đầu tư gần đây.

Nhà đầu tư từ lâu đổ lỗi cho quyền lực quá lớn của các gia đình kiểm soát các tập đoàn Hàn Quốc và sự đối xử bất công đối với các cổ đông thiểu số là những yếu tố cản trở định giá của các công ty niêm yết. Các cổ phiếu trong chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc đang giao dịch với tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách (P/B) dưới 0,9, so với 1,3 ở Nhật Bản và 2,1 ở Đài Loan. Chỉ số này thấp cho thấy mức định giá của doanh nghiệp suy yếu.

Chính phủ Hàn Quốc qua nhiều thời kỳ đã tìm cách giải quyết vấn đề mức định giá thấp đó. Dưới thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol, các sáng kiến thúc đẩy mức định giá doanh nghiệp niêm yết càng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là khi ông đắc cử nhờ sự ủng hộ đông đảo của nhóm 14 triệu cử tri là những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Chính phủ đã lên tiếng về nhiều vấn đề liên quan đến chứng khoán, trong đó có lệnh cấm bán khống và thuế lãi vốn, đánh vào lợi nhuận thu được từ việc bán các sản phẩm đầu tư tài chính. Hồi tháng 11, FSC thông báo cấm bán khống cổ phiếu cho đến tháng 6-2024 để cho phép các cơ quan quản lý tích cực cải thiện các quy tắc và hệ thống.

Sau hai năm trì hoãn, bắt đầu từ năm 2025, Hàn Quốc lên kế hoạch đánh thuế ít nhất 20% nếu lãi vốn hàng năm từ đầu tư chứng khoán vượt quá 50 triệu won (37.400 đô la Mỹ). Các nhà đầu tư kiếm được hơn 2,5 triệu won từ các tài sản tài chính khác cũng sẽ phải trả thuế.

Đầu năm nay, Tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ bỏ kế hoạch đánh thuế lãi vốn đối với thu nhập từ đầu tư tài chính nhằm thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư và giá trị cổ phiếu. Văn phòng của ông Yoon Suk-yeol đánh giá thị trường chứng khoán Hàn Quốc  “bị định giá thấp đáng kể” dù đất nước tự hào có các công ty có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Trong tuần này, FSC cho biết đang tìm cách sửa đổi luật thương mại để cải thiện quyền của cổ đông thiểu số và các bước bổ sung nhằm nâng cao giá trị cổ phiếu của các công ty niêm yết dự kiến công bố tháng tới.

Đầu tháng 1, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo công bố danh sách các công ty đã tuân thủ yêu cầu đưa ra kế hoạch kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Động thái này gây áp lực lên những công ty ngại thay đổi. Hai chỉ số chứng khoán Topix và Nikkei 225 của Nhật Bản đang giao dịch gần mức cao nhất trong nhiều thập niên.

“Thật tuyệt vời nếu những điều như vậy xảy ra ở Hàn Quốc. Việc “chỉ mặt gọi tên” những công ty quản trị kém cũng là một ý tưởng hay vì thúc đẩy doanh nghiệp hành động. Họ không muốn tin xấu liên quan đến công ty trở thành dòng tít nổi bật trên báo chí”, William Lam, nhà quản lý quỹ tại Invesco Asset Management nói.

Lê Linh ( Theo Bloomberg)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   S&P 500 tăng 6 phiên liên tiếp, Dow Jones tăng gần 250 điểm (26/01/2024)

>   Chán cảnh thua lỗ chứng khoán, người Trung Quốc chuyển sang chơi tiền ảo (25/01/2024)

>   Tesla công bố báo cáo đáng thất vọng, cổ phiếu lập tức giảm 6% (25/01/2024)

>   S&P 500 và Nasdaq Composite tăng 5 phiên liên tiếp (25/01/2024)

>   Loạt công ty hàng đầu thế giới sa thải ngay đầu năm 2024 (24/01/2024)

>   Jack Ma và Joe Tsai mua hơn 200 triệu USD cổ phiếu Alibaba (24/01/2024)

>   "Bỏng tay" vì canh bạc Trung Quốc, quỹ đầu cơ Singapore phải đóng cửa (24/01/2024)

>   Các quỹ đầu tư toàn cầu ưu tiên rót tiền vào lĩnh vực nào trong năm 2024? (24/01/2024)

>   Mất gần 100 điểm, Dow Jones đứt mạch 3 phiên tăng liên tiếp (24/01/2024)

>   Sau chuỗi ngày bị bán tháo, vốn hóa chứng khoán Trung Quốc thấp hơn Mỹ 38,000 tỷ USD (23/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật