FPT đặt mục tiêu doanh thu 5 tỷ USD từ dịch vụ CNTT vào năm 2030
Ngày 11/01, Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) công bố mục tiêu dài hạn cho chiến lược toàn cầu với mốc doanh thu 5 tỷ USD trong cung cấp dịch vụ CNTT vào năm 2030, sau khi ông lớn công nghệ này vừa đạt 1 tỷ USD trong năm 2023.
FPT cán mốc doanh thu tỷ USD cung cấp dịch vụ CNTT
“25 năm trước, chúng tôi chỉ có ước mơ là dùng trí tuệ Việt Nam, không phải đất đai, khoáng sản đem lại tiền cho đất nước. Ngày nay, câu chuyện đã hoàn toàn khác, không chỉ góp phần hưng thịnh quốc gia mà nó còn là vị trí hàng đầu tên thế giới” – trích lời Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khi nói về con số doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) cán mốc 1 tỷ USD lần đầu tiên.
Con số này, đối với FPT không phải là lộ trình tính toán từ 25 năm trước. Đây còn là sự may mắn, dẫn đến thế và lực đất nước hôm nay, ông Bình chia sẻ.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. Ảnh: Tiến Vũ
|
Năm 1998, FPT bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa, cung cấp dịch vụ CNTT. Tập đoàn tìm đường ra nước ngoài bằng các mô hình và quy chuẩn công nghiệp như ISO hay CMM, mở văn phòng ở Bangalore (Ấn Độ năm 1999), ở Thung lũng Silicon Valley (Mỹ - 2000) nhưng sớm thất bại. Khách hàng đầu tiên FPT có được chỉ mang về doanh số vài ngàn USD. Đến khi đạt được quy mô doanh thu 1 triệu USD, công ty vẫn đứng trước lằn ranh sinh tử - có tiếp tục theo đuổi giấc mơ xuất khẩu phần mềm hay không? FPT chỉ thực sự cất cánh khi chinh phục thành công được một trong những thị trường “khó tính” nhất là Nhật Bản từ năm 2005.
Từ 17 nhân sự ban đầu, đến nay quy mô nhân lực trong dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT đã cán mốc 30 ngàn người từ 70 quốc tịch. FPT hiện diện ở 30 quốc gia, gồm những thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Singapore, Hàn Quốc; là đối tác của gần 100 công ty thuộc Fortune Global 500. Từ triển khai dự án theo hình thức nhận giao việc, nay FPT đóng vai trò tư vấn triển khai dự án chuyển đổi số quy mô hàng chục, hàng trăm triệu USD. Từ không thương hiệu, FPT lấn vào sân chơi world class của các doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD.
Năm 2023, FPT lần đầu có khách hàng quy mô doanh số trên 200 triệu USD. Đây là khách hàng đến từ Mỹ, là công ty cung cấp toàn bộ giải pháp đầy đủ cho nhà phân phối ô tô như hàng tồn kho, tiếp thị, bán hàng, hậu mãi… FPT lọt vào danh sách đối tác dịch vụ chiến lược cấp khu vực (RSSP) của SAP tại châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản.
Tại Malaysia, FPT trở thành top 3 nhà thầu chính thực hiện chuyển đổi số, nhà cũng cấp dịch vụ duy nhất trên nền tảng Microsoft cho Tập đoàn dầu khí lớn nhất của Malaysia trong hơn 15 năm qua.
Lĩnh vực phần mềm ô tô, FPT xây dựng đội ngũ hơn 4 ngàn kỹ sư và chuyên gia, mạng lưới hơn 150 khách hàng với những tên tuổi lớn như Honda, Hyundai, Volvo, VinFast, Ford, LG… Cuối tháng 12/2023, công ty FPT Automotive khai trương tại Mỹ. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 40% trong những năm gần đây, lĩnh vực đã đóng góp quan trọng vào việc cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT trong năm 2023.
Trong lĩnh vực hàng không, hiện nay, cả hai tập đoàn đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này đều có tên trong danh sách khách hàng của FPT. Mỗi chuyến bay trên bất kì hãng máy bay nào đều có dòng code của FPT.
1 tỷ đô không quá bất ngờ
Bà Chu Thị Thanh Hà - Chủ tịch FPT Software chia sẻ, cách đây 25 năm, FPT đặt mục tiêu toàn cầu hóa, khát vọng mang trí tuệ Việt Nam ra thế giới, hôm nay FPT Software đạt mốc doanh thu 1 tỷ USD. Năm 2023, FPT Software vận hành 2.5 ngàn dự án trên thế giới. Công ty phục vụ khách hàng ở ba tầng lớp gồm Onsite (làm việc trực tiếp với khách hàng), Offshore (làm ở văn phòng), Newscore (làm gần khách hàng ở các nước). Với ba lớp làm việc này, việc hợp lực vô cùng quan trọng để FPT Software làm những dự án lớn và khó với khách hàng.
Tinh thần học hỏi cũng được bà Hà nhấn mạnh khi làm việc với đối tác, cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ.
Tổng giám đốc FPT Software Phạm Minh Tuấn chia sẻ, mốc 1 tỷ USD mang lại nhiều cảm xúc nhưng không bằng các mốc trước đây.
1 triệu USD đầu tiên được xem là lằn ranh sinh tử. “Tôi là một trong những người đầu tiên ở FPT Software đi Ấn Độ, đi Mỹ và lặng lẽ quay về. Nhiều tranh luận trong FPT là có nên tiếp tục làm trong nước hay ra nước ngoài? Sau đó, đạt mốc triệu đô và tin mình có thể ra nước ngoài” – ông Tuấn bộc bạch.
Sau đó là mốc 10 triệu USD, FPT Software tăng trưởng với tốc độ 70% mỗi năm để đạt được.
Đến mốc 100 triệu USD khó khăn không kém khi nằm trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, không vượt qua được bẫy trung bình. Đặc biệt là sự kiện sóng thần ở Nhật Bản, khi đó FPT cam kết vẫn đồng hành với khách hàng, không rời bỏ.
“Khi đạt 500 triệu USD chúng tôi đã mường tượng sau ba năm đạt 1 tỷ, nên đây không phải cột mốc bất ngờ. Nhưng chúng tôi không dừng ở đây. Ước nguyện của chúng tôi là mang trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài” – ông Tuấn chia sẻ.
Tổng giám đốc FPT Software Phạm Minh Tuấn
|
Tổng Giám đốc FPT Software cho biết thêm, từ năm 2013, từ outsourcing (thuê ngoài) không còn tồn tại. 80% doanh thu FPT Software đến từ khách hàng triệu USD, có khách hàng 100 triệu USD. Công ty từ sản xuất chính tại Việt Nam đã cung cấp mô hình sản xuất trên toàn cầu, có những chương trình triển khai cùng lúc trên 6 nước.
Nhìn lại 2023, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT cho biết, đây là năm khó khăn nhất trong 30 năm qua của FPT. Tập đoàn đã bung toàn bộ nhân lực khi có những dự án lớn, để huy động nguồn lực thực hiện. Trong đó kể đến đầu tư 100 triệu USD cho M&A, mở FPT Automotive tại Mỹ. Hệ sinh thái của FPT được phát triển để đầu ra của đơn vị này là đầu vào đơn vị kia.
Khối công nghệ đạt hơn 20 triệu người dùng AI, cung cấp ra thị trường 100 triệu chip, tiến hành 4 thương vụ M&A. Hoạt động chuyển đổi số có doanh thu tăng 46% so với 2022.
Ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT
|
Nói thêm về FPT Automotive, ông Tạ Trần Minh, Giám đốc điều hành FPT Automotive cho hay, từ năm 2006, FPT làm phần mềm nhúng, phần mềm cho ô tô, khách hàng đầu tiên đến từ Nhật Bản. Đến nay, quy mô ngành tăng trưởng nhanh chóng, 116 tỷ USD vào 2032, tăng 16% từ 2023- 2032. Đến năm 2030, mức đầu tư 238 tỷ USD/năm.
Sự tăng trưởng lớn đến từ cách mạng xe điện, xe tự hành và kết nối trong xe ô tô. Trong đó, FPT nhận thấy cơ hội trong cuộc đua xe tự hành vì hiện xe tự vận hành chỉ tiệm cận cấp độ 3, theo đuổi mục tiêu cấp độ 4. Dữ liệu cũng rất quan trọng trong cuộc cách mạng kết nối cho xe ô tô nếu không sẽ xảy ra sự cố. Bên cạnh đó là bảo đảm an toàn, và sự cạnh tranh về tính năng, giải trí sẽ thay đổi ngành ô tô.
Chiến lược cho năm 2024
Ông Tuấn cho hay, thời gian tới FPT Software đề ra chiến lược phát triển cân bằng để không phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản. Thay vào đó là phát triển song song gồm Mỹ, Nhật và APEC, mỗi thị trường chiếm 30 – 35%, đảm bảo tăng trưởng trên 25%. Bên cạnh đó là chiến lược “săn cá voi”, tìm những khách hàng mang về doanh thu trăm triệu USD.
Đứng trên góc độ của tập đoàn, ông Khoa đánh giá năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn hơn 2023. Theo đó, FPT tập trung vào các mũi nhọn như AI, bán dẫn, ô tô, tham gia các dự án của Chính phủ bộ ngành. Mục tiêu đạt 1 tỷ USD cho lĩnh vực Automotinve vào năm 2030.
Mảng viễn thông sẽ mở rộng cáp quang kết nối quốc tế. Áp dụng công nghệ wifi 6 và wifi 7, đầu tư cho truyền hình, triển khai dự án trung tâm dữ liệu lớn nhất ở TPHCM để tăng gấp đôi công suất dữ liệu của FPT. Mảng giáo dục dự kiến mở thêm 10 trường nữa, kế hoạch tăng trưởng hai con số.
Chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh đến vai trò của chuyển đổi số, chuyển đổi trí tuệ. “Với những siêu máy tính (supercomputer), dữ liệu tăng gấp đôi một năm, làm ra tiền. Đây là thế giới của tương lai. Đây là thay đổi lớn nhất. Nếu chuyển 1 triệu kỹ sư CNTT sang trí tuệ nhân tạo sẽ là một cuộc cách mạng mới” – ông Bình nói về tầm nhìn dịch chuyển của FPT trong tương lai.
Tiến Vũ
FILI
|