Quản trị dòng tiền doanh nghiệp bằng thẻ
Quản trị dòng tiền, quản lý chi phí, tách bạch chi tiêu, hay tận dụng nguồn vốn dành cho doanh nghiệp… bằng thẻ vốn là điều không quá mới mẻ nhưng vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp tận dụng hiện nay.
Chuyển đổi số là mục tiêu quốc gia, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và ngày càng hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của ngân hàng và doanh nghiệp. Theo đó, dịch vụ thanh toán trực tuyến là một trong những yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi số toàn diện trong quản trị và phát triển của doanh nghiệp.
Tách bạch dòng tiền khi sử dụng thẻ
Với lợi thế từ tỷ lệ người trưởng thành Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh lên đến hơn 70%, mang lại cơ hội cho các ngân hàng triển khai dịch vụ trực tuyến, trong đó có dịch vụ thanh toán trực tuyến thẻ.
Ông Nguyễn Quang Huy – Giám đốc trung tâm giải pháp số hóa và thanh toán doanh nghiệp của VPBank cho biết, giai đoạn hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt đã là một xu thế, các doanh nghiệp cũng đã nhận thức được việc chuyển đổi từ thanh toán truyền thống sang dịch vụ thanh toán trực tuyến không chỉ góp phần giúp doanh nghiệp theo kịp xu hướng, gia tăng kênh thanh toán, gia tăng đối tượng khách hàng mà còn thúc đẩy doanh số, lợi nhuận.
Ông Huy cho rằng, việc chi tiêu thông qua thẻ tín dụng có để giúp tách bạch chi tiêu giữa dòng tiền doanh nghiệp và dòng tiền cá nhân, đặc biệt là đối với doanh nghiệp SME.
Sau nhiều năm gắn bó với mục tiêu chuyển đổi số cũng như thúc đẩy chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, VPBank đã liên tục triển khai những giải pháp tài chính cho doanh nghiệp. Thẻ tín dụng doanh nghiệp của VPBank (thẻ VPBiz) cho phép phát hành đến 29 thẻ phụ. Điều này sẽ giúp bao phủ tất cả phòng ban doanh nghiệp, từ đó quản trị dòng tiền chung của doanh nghiệp khi các phòng ban này chi tiêu. Ngoài ra, ngân hàng cũng cung cấp hạn mức vốn tín chấp lên đến 3 tỷ đồng, thế chấp lên 10 tỷ đồng, được miễn lãi lên đến 55 ngày, rút tiền mặt lên đến 50% hạn mức thẻ.
Chi tiêu thẻ tín dụng còn mang đến lợi ích như hoàn tiền, dịch vụ phòng chờ sân bay, theo đó có thể tăng dư địa margin lợi nhuận cho doanh nghiệp từ những dịch vụ này, ông Huy chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc trung tâm giải pháp số hoá và thanh toán doanh nghiệp của VPBank tại chuỗi sự kiện thúc đẩy ứng dụng thanh toán hiện đại ngày 21/12/2023 tại TPHCM. Ảnh: TV
|
Thẻ trở thành công cụ quản lý dòng tiền
Bà Lê Thị Diễm Phương - Giám đốc phát triển giải pháp thanh toán doanh nghiệp tại MasterCard Việt Nam nhận định, thế giới năm 2023 ghi nhận lãi suất USD chưa bao giờ cao như bây giờ, bên cạnh đó là lạm phát tăng cao, giá cầu cao, các chỉ số sản xuất có xu hướng tăng. Nhìn chung, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Với doanh nghiệp, điều quan tâm nhất vẫn là làm sao bán được nhiều sản phẩm, tối ưu hóa chi phí.
Trước đây doanh nghiệp thường bán hàng trực tiếp. Tuy nhiên hiện nay, nền kinh tế dịch chuyển theo hướng online, kỹ thuật số ngày càng nhiều. Nền kinh tế số Việt Nam kỳ vọng đạt quy mô 49 tỷ USD vào năm 2023, có thể thấy người tiêu dùng đang dịch chuyển online ngày càng nhiều, do vậy doanh nghiệp cần sẵn sàng, chuẩn bị thay đổi.
Theo bà Phương, khi nói tới thanh toán kỹ thuật số, bằng QR, thẻ, hay app thì đây là vấn đề của người dùng cuối. Còn đối với doanh nghiệp hiện nay, phần lớn vẫn thực hiện thanh toán “chạy bằng cơm”.
“Chúng tôi nhận thấy xu hướng ở khu vực Đông Nam Á trước đây, doanh nghiệp tập trung thanh toán qua thẻ với những dịch vụ như đi công tác, tiếp khách. Tuy nhiên từ sau dịch COVID-19, xu hướng gia tăng ở những dịch vụ khác rất nhiều”, bà Phương cho biết.
Để thực hiện một đơn hàng, doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều công đoạn từ tìm nhà cung cấp, tạo yêu cầu mua hàng, duyệt yêu cầu mua hàng, xuất yêu cầu mua hàng, nhận báo giá, duyệt báo giá, đối chiếu phiếu mua hàng và báo giá, thanh toán, tra soát hóa đơn… mất rất nhiều thời gian, chi phí, bà Phương nêu vấn đề.
Hay về công tác phí, bà Phương nêu đơn cử việc doanh nghiệp có khoảng chục người đi công tác, ứng tiền rồi tự làm các khâu đặt vé đi lại, nơi ở, rồi thu thập hóa đơn về đưa kế toán, tốn không ít thời gian thay vì tập trung vào công việc chuyên môn.
Có thể thấy, nhiều giai đoạn bị phân mảng trong quá trình thanh toán của doanh nghiệp, yêu cầu đặt ra là làm sao tăng kết nối, cải thiện thanh khoản.
Đại diện MasterCard chia sẻ, bằng việc tận dụng giải pháp không lãi suất trong khoảng thời gian nhất định, đối với thẻ doanh nghiệp, công ty có 10 phòng ban có thể phát hành 10 thẻ phụ để quản lý thông qua thẻ. Từ đó, nhân viên cảm thấy được trân trọng khi được cấp thẻ với hạn mức sử dụng để đi công tác thay vì bỏ tiền túi rồi về tra soát lại. Người quản lý cũng kiểm soát được thông qua sao kê thẻ.
Như vậy, thẻ không còn đơn thuần là thẻ mà trở thành công cụ quản lý dòng tiền, kiểm soát chi phí cho doanh nghiệp, bà Phương kết luận.
Tiến Vũ
FILI
|