Evergrande thoát nguy cơ giải thể vào phút chót
Tập đoàn nặng nợ Evergrande “thở phào nhẹ nhõm” khi có thêm 8 tuần để thỏa thuận với các chủ nợ.
Ngày 4/12, tập đoàn nặng nợ Evergrande Group ra hầu toà ở Hồng Kông để giải quyết yêu cầu của chủ nợ đòi tập đoàn này phải giải thể. Tuy vậy, toà án đã hoãn đưa ra quyết định về số phận cuối cùng của nhà phát triển nặng nợ nhất thế giới. Nhờ đó, tập đoàn Evergrande có thêm cơ hội để đạt được thoả thuận tái cơ cấu với các chủ nợ.
Tại Toà án Tối cao Hồng Kông, thẩm phán Linda Chan cho biết quá trình tố tụng được hoãn lại đến ngày 29/1.
Quyết định hoãn tố tụng được đưa ra sau khi bên đệ đơn không muốn Evergrande giải thể ngay lập tức trong ngày 04/12. Đây là bước ngoặt mới nhất trong vụ kiện đã kéo dài hơn 1 năm qua.
Với quyết định này, Evergrande có thêm 8 tuần để tiến tới thỏa thuận với các chủ nợ nước ngoài về đợt tái cơ cấu có thể là lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong ngày 04/12, luật sư của Evergrande cho biết họ đã gửi đề xuất mới vào ngày 26/11 và mong nhận được sự ủng hộ và phản hồi từ phía chủ nợ.
“Bên đẹ đơn thay đổi quan điểm và không thúc đẩy quá trình thanh lý công ty. Đây là điều bất ngờ với chúng tôi”, Neil McDonald, Đối tác tại công ty luật Kirkland & Ellis LLP, cho hay. Trong khi đó, nhóm chủ nợ của Evergrande đã “kịch liệt phản đối” đề xuất mới nhất mà Evergrande vừa gửi lên tòa án, ông nói.
Cổ phiếu Evergrande tăng vọt 13% sau khi có quyết định của tòa àn. Với thị giá gần 0.3 HKD/cp, đây vẫn là cổ phiếu penny.
Theo Bloomberg News, các chủ nợ nước ngoài của Evergrande đã yêu cầu nắm giữ cổ phần kiểm soát của công ty cũng như tại 2 công ty con ở Hồng Kông. Họ xem đây như là một phần yêu cầu trong cuộc thảo luận về nợ.
Evergrande đã đề xuất bán 17.8% cổ phần của công ty mẹ và 30% cổ phần của mỗi công ty con là Evergrande Property Services Group và China Evergrande New Energy Vehicle Group.
Bất động sản Trung Quốc khủng hoảng ngày càng trầm trọng hơn dù giới chức nước này đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo khủng hoảng này có thể lan sang ngành tài chính và chính quyền địa phương nếu niềm tin không trở lại.
Evergrande trở thành biểu tượng cho cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc kể từ khi gã khổng lồ này vỡ nợ từ 2 năm trước. Trong năm 2021 và 2022, Công ty lỗ tổng cộng 81 tỷ USD.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|