Doanh nghiệp phá sản ngày càng nhiều ở những nền kinh tế lớn
Số lượng doanh nghiệp phá sản đang tăng ở mức hai con số ở hầu hết nước phát triển do chi phí đi vay tăng lên và các chính phủ dần rút lại các biện pháp kích thích hậu đại dịch COVID-19.
Theo dữ liệu của các tòa án, sau một thập kỷ liên tục giảm, số vụ phá sản doanh nghiệp ở Mỹ đã tăng 30% trong 12 tháng tính đến tháng 9 so với cùng kỳ năm trước.
Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, cho biết số vụ phá sản trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Và kể từ tháng 6, số lượng doanh nghiệp phá sản hàng tháng đều tăng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái, Văn phòng thống kê Destatis của nước này cho biết.
Trên toàn EU, tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm nay, lên mức cao nhất 8 năm qua, theo Eurostat.
Theo Neil Shearing, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, lãi suất cao hơn, cùng với sự sụp đổ của các công ty “zombie” từng sống sót nhờ sự hỗ trợ của chính phủ thời COVID-19, đã thúc đẩy xu hướng này.
Ông Shearing viện dẫn các lý do như chi phí trả nợ tăng, các biện pháp hỗ trợ hậu đại dịch bị rút lại cũng như giá năng lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng. Giới phân tích cho rằng những ngành có số lượng doanh nghiệp vỡ nợ tăng mạnh nhất là vận tải và khách sạn.
Theo ước tính của IMF cho năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đã nhanh chóng vượt qua thời kỳ suy thoái do đại dịch gây ra nhờ các chương trình hỗ trợ lớn mà chính phủ dành cho các công ty và hộ gia đình lên tới hơn 10,000 tỷ USD.
Ông Shearing cảnh báo rằng xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra khi nhiều doanh nghiệp sẽ phải tái cấp vốn nợ với lãi suất cao hơn trong những tháng tới, ngay cả khi chu kỳ tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương dự báo đã lên đến đỉnh điểm.
Theo các nhà phân tích, xu hướng phá sản gia tăng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế toàn cầu và tăng trưởng việc làm trong vài năm tới.
Susannah Streeter, chuyên gia phân tích đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown, cho biết mặc dù xu hướng này một phần là do các công ty “zombie” phải đóng cửa, song việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng cũng sẽ đẩy nhiều startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ đầy triển vọng hơn đến bờ vực thẳm, từ đó có thể gây hậu quả lâu dài cho tăng trưởng.
Cơ quan xếp hạng Moody's dự báo tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu đầu cơ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng vào năm 2024. Con số này đã tăng lên 4.5% trong 12 tháng tính đến tháng 10 vừa qua, cao hơn mức trung bình lịch sử là 4.1%.
David Hamilton - Giám đốc nghiên cứu và phân tích tại Moody's, cho hay rằng nguồn cung tín dụng sẽ ngày càng khó tiếp cận.
Trong khi đó, công ty dịch vụ tài chính Allianz của Đức dự báo tốc độ tăng trưởng vỡ nợ toàn cầu sẽ đạt 10% vào năm tới, sau khi tăng 6% vào năm 2023.
Maxime Lemerle, chuyên gia phân tích về nghiên cứu khả năng thanh toán tại Allianz Research, cho biết: “Chúng tôi quan sát thấy tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đang gia tăng ở hầu hết quốc gia trên thế giới”.
Tại Pháp, Hà Lan và Nhật Bản, số vụ phá sản đã tăng hơn 30% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo các cơ quan thống kê quốc gia. Nhóm OECD, gồm hầu hết quốc gia giàu có, gần đây đã lưu ý rằng ở một số quốc gia, bao gồm các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan, số lượng doanh nghiệp phá sản đã vượt mức trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009.
Tại Anh và xứ Wales, tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong khoảng 9 tháng đầu năm nay cũng lên mức cao nhất kể từ năm 2009, theo Cơ quan Dịch vụ Phá sản.
Allianz cảnh báo lĩnh vực khách sạn, vận tải và bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các lĩnh vực vốn nhạy cảm hơn với việc tăng lãi suất, chẳng hạn như bất động sản và xây dựng, cũng sẽ bị căng thẳng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết thêm số lượng doanh nghiệp phá sản vẫn còn khiêm tốn so với những con số từng được ghi nhận ở các nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ, Đức và Pháp.
Kim Dung (Theo FT)
FILI
|