Thứ Tư, 27/12/2023 14:00

Chứng khoán Nhật Bản tăng hơn 30% từ đầu năm, Trung Quốc thụt lùi năm thứ 3 liên tiếp

Chứng khoán Nhật Bản và Ấn Độ có màn trình diễn ấn tượng nhất ở khu vực châu Á trong năm 2023, nhờ NHTW Nhật Bản duy trì chính sách siêu nới lỏng và giới đầu tư hào hứng với triển vọng kinh tế Ấn Độ.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc ghi nhận thành tích tệ nhất trong khu vực, khi nỗi lo về kinh tế cùng với khủng hoảng bất động sản khiến giới đầu tư né xa.

Xứ sở mặt trời mọc tỏa ánh hào quang

Tính tới ngày 26/12, Nikkei 225 là chỉ số tăng mạnh nhất châu Á trong năm 2023 và sắp khép năm với mức tăng hơn 30%. Hiện chỉ số chứng khoán Nhật Bản đang ở mức đỉnh 33 năm. Xét trên toàn cầu, Nikkei 225 cũng nằm trong top thành tích cao nhất. Đặt lên bàn cân, S&P 500 tăng 24%.

Diễn biến của chỉ số Nikkei 225 từ đầu năm

Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) liên tục giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng là yếu tố chính hỗ trợ cho chứng khoán Nhật Bản. BoJ đã duy trì lãi suất âm trong 7 năm liên tiếp.

Lãi suất thấp ở xứ sở mặt trời mọc trông thật nổi bật trong xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu. Điều này đã thu hút nhà đầu tư nước ngoài tới thị trường Nhật Bản, với các lĩnh vực như bất động sản và công nghệ hút vốn mạnh.

Chưa hết, việc huyền thoại Warren Buffett rót vốn vào doanh nghiệp Nhật Bản cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế.

Màn trình diễn của giới doanh nghiệp cũng khả quan không kém, nhất là các doanh nghiệp trong ngành xe hơi và thương mại.

Tuy nhiên, liệu đà tăng của Nikkei 225 có tiếp diễn trong năm 2024 vẫn còn là một câu hỏi mở, nhất là khi BoJ bắt đầu phát tín hiệu chấm dứt chính sách siêu nới lỏng trong năm tới. Nền kinh tế xứ sở mặt trời mọc cũng đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” khi xuất khẩu hàng hóa chững lại.

Ấn Độ liên tục phá kỷ lục chứng khoán

Chứng khoán Ấn Độ cũng tăng mạnh trong năm 2023, nhất là khi càng gần về cuối năm, trong bối cảnh giới đầu tư hào hứng về triển vọng kinh tế Ấn Độ.

Chỉ số Nifty 50 sắp khép năm với mức tăng gần 19% trong năm nay và chỉ số cũng liên tục phá kỷ lục. Tại châu Á, Nifty 50 tăng mạnh thứ hai, chỉ sau Nhật Bản.

Diễn biến chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ từ đầu năm 2023

Dữ liệu GDP quý 3/2023 cho thấy kinh tế Ấn Độ tăng 7%, vượt qua hầu hết nền kinh tế trên toàn cầu, khi hoạt động sản xuất và chi tiêu tiêu dùng khởi sắc.

Tâm lý lạc quan về cuộc bầu cử năm 2024 cũng thúc đẩy thị trường chứng khoán nước này từ cuối tháng 11/2023. Hiện các chuyên gia phần lớn kỳ vọng Đảng cầm quyền hiện tại BJP sẽ giành chiến thắng.

Góp công vào tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ những năm gần đây là chính sách hỗ trợ kinh doanh của đảng BJP trong 10 năm cầm quyền.

Dù vậy, việc thị trường Ấn Độ có tiếp tục tăng hay không vẫn còn mù mờ, nhất là khi các cổ phiếu bluechip đang hứng chịu làn sóng chốt lãi mạnh mẽ.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán châu Á sắp khép lại năm 2023 với một nốt thăng, với phần lớn mức tăng đến trong tháng 12/2023 khi thị trường hoan nghênh dự báo giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chỉ số ASX 200 của Australia đang tăng gần 9% trong năm nay, còn Kospi của Hàn Quốc tăng 17% nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Trung Quốc và Hồng Kông vào vòng xoáy suy giảm

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại thể hiện một bức tranh hoàn toàn khác. Đây là thị trường có thành tích tệ nhất châu Á trong năm 2023 vì kỳ vọng kinh tế hồi phục trong thời hậu đại dịch không trở thành hiện thực.

Chỉ số bluechip CSI 300 của Trung Quốc đang giảm 14% so với đầu năm 2023, còn Shanghai Composite hạ gần 7%. Chỉ số bluechip cũng đang ở mức đáy gần 5 năm. Nếu đà này duy trì, chứng khoán Trung Quốc sẽ có năm giảm thứ 3 liên tiếp.

Diễn biến của chỉ số Shanghai Composite từ đầu năm 2023

Tuy nhiên, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mới là chỉ số giảm mạnh nhất châu Á, với mức lao dốc gần 18% trong năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu đến từ đà giảm mạnh của các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông.

Vì cuộc khủng hoảng nợ dài dẳng ở thị trường bất động sản Trung Quốc, sự chững lại của chi tiêu tiêu dùng và kim ngạch xuất khẩu, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bỗng trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Bắc Kinh vẫn duy trì cách tiếp cận thận trọng với việc tung thêm gói kích thích. Điều này càng kéo tụt tâm lý của nhà đầu tư về thị trường Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc gần đây đã phác thảo kế hoạch phát hành thêm trái phiếu và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong năm 2024, với mục tiêu vực dậy nền kinh tế.

Tuy vậy, nhiều chuyên viên phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng hồi phục của kinh tế Trung Quốc, khi núi nợ của nước này đã lên mức quá cao. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s gần đây cảnh báo khả năng hạ bậc tín nhiệm của Trung Quốc và cũng thay đổi triển vọng sang “tiêu cực”.

Vũ Hạo (Theo Investing)

FILI

Các tin tức khác

>   Dow Jones lên mức cao thứ hai trong lịch sử, S&P 500 gần phá kỷ lục (27/12/2023)

>   Nhóm quỹ ESG bị ruồng bỏ sau 2 năm bùng nổ (23/12/2023)

>   Vượt mặt chứng khoán và vàng, Bitcoin trở thành tài sản sinh lời ấn tượng nhất năm 2023 (26/12/2023)

>   Tỷ phú Jim Ratcliffe chính thức mua lại 25% cổ phần tại Manchester United (25/12/2023)

>   OpenAI hướng tới định giá 100 tỷ đô, chỉ sau SpaceX trong giới startup (23/12/2023)

>   S&P 500 tăng 8 tuần liên tiếp, chuỗi leo dốc dài nhất kể từ năm 2017 (23/12/2023)

>   Chứng khoán Trung Quốc giảm 6 tuần liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ năm 2012 (22/12/2023)

>   Dow Jones quay đầu tăng 300 điểm sau phiên giảm mạnh (22/12/2023)

>   Thêm một doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc nộp đơn bảo hộ phá sản (21/12/2023)

>   Bán tháo ập đến sau chuỗi tăng nóng, Dow Jones lao dốc gần 500 điểm (21/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật