Các quỹ đến từ Thái Lan “chinh chiến” ra sao trên thị trường chứng khoán Việt Nam?
Giai đoạn 2017 – 2018, thời kỳ thị trường chứng khoán Việt Nam có bước tăng trưởng cao nhất nhì khu vực châu Á, nhiều quỹ đầu tư Thái Lan được thành lập và xâm nhập vào thị trường chứng khoán Việt. Tên tuổi của các quỹ này mặc dù không được nhắc đến thường xuyên nhưng động thái bán ròng thời gian gần đây của khối ngoại khiến nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến dòng vốn của xứ sở chùa vàng này.
Gần đây, một số ý kiến cho rằng các quỹ đầu tư Thái Lan đang có động thái rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, một phần do chịu nhiều sức ép từ thay đổi luật thuế trong nước.
Chịu áp lực về thuế, người Thái bắt đầu rút ròng?
Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, nhà đầu tư nước ngoài quay lại chuỗi bán ròng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đà bán mạnh được một số chuyên gia nhận định là có đóng góp không nhỏ đến từ các nhà đầu tư Thái Lan.
Chứng khoán SHS cho rằng áp lực bán ròng vừa qua đến từ các nhà đầu tư Thái Lan, trước tình hình sắp có sự thay đổi về sắc thuế thu nhập cá nhân đối với khoản đầu tư nước ngoài, áp dụng vào đầu năm 2024. Quan điểm này cũng được ông Bùi Văn Tốt - Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đưa ra trong trong chương trình "Gõ cửa tháng mới". Ông cho rằng nhà đầu tư sẽ bán trước khi bắt đầu năm mới, sau đó có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại. Mặt khác, thị trường chứng khoán Thái Lan giảm sâu gần 20% kể từ đầu năm, trong khi chứng khoán Việt Nam tăng khoảng 10%, là động lực để nhà đầu tư Thái Lan bán ở thị trường nước ta và quay về mua ở thị trường trong nước.
Ngoài những yếu tố trên, có một thực tế là hoạt động đầu tư những năm qua của các quỹ đến từ Thái Lan cũng không cho thấy nhiều hiệu quả. Vậy liệu động thái rút ròng gần đây còn đang phản ánh các quỹ đầu tư Thái Lan dần mất đi kiên nhẫn với thị trường Việt Nam?
Cùng nhìn lại hiệu quả đầu tư của các quỹ nổi bật đến từ Thái Lan.
K Vietnam Equity Fund, một trong những quỹ lớn nhất, chịu tác động lớn ba tháng trở lại đây
K Vietnam Equity Fund (K-Vietnam) thành lập bởi Kasikorn Asset Management vào ngày 25/10/2018. Đứng đầu quỹ là ông Suthee Lertsakornsiri.
Hệ sinh thái của Kasikorn Asset Management
|
Tính đến thời điểm 19/12/2023, K-Vietnam đang là một trong những quỹ đầu tư đến từ Thái Lan có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, với NAV gần 7.9 tỷ THB (gần 5.5 ngàn tỷ đồng), tương đương NAV trên một đơn vị quỹ là 11.4676 THB, tăng trưởng 2.69%/năm kể từ lúc thành lập. Đáng chú ý, quỹ đã chịu nhiều tác động trong ba tháng gần nhất khi âm đến 12.99%, kéo theo hiệu suất 1 năm gần nhất chỉ dương nhẹ 0.14%.
Biến động NAV trên mỗi đơn vị quỹ của K-Vietnam từ thời điểm thành lập
Đơn vị: THB
Nguồn: K Vietnam Equity Fund
|
Trong cơ cấu tài sản, tính đến 30/11/2023, K-Vietnam phân bổ đến 92.66% NAV vào thị trường Việt Nam (toàn bộ là chứng khoán dài hạn); 5.18% NAV vào ủy thác đầu tư tại hai quỹ là JPMorgan Vietnam Opportunities Fund – C (ACC) USD (JPMASIA) và SSIAM VNFIN LEAD ETF (FUESSVFL); còn lại 2.11% vào tiền gửi và 0.06% vào các tài sản khác.
Xét theo lĩnh vực, tài chính đang là ưu tiên hàng đầu với tỷ trọng 35.47% NAV; tiếp đến là bất động sản, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng tiêu dùng thiết yếu, lần lượt chiếm tỷ trọng 11.34%, 11.23%, 9.42% và 7.44%; còn lại là các lĩnh vực khác.
Trong nhóm 5 khoản đầu tư hàng đầu, có đến 4 cổ phiếu Việt Nam bao gồm FPT (9.72% NAV), VCB (7.47% NAV), ACB (5.9% NAV) và HPG (5.89% NAV). Ngoài ra, MWG cũng nằm trong danh sách 5 cổ phiếu Việt được quỹ Thái này đầu tư nhiều nhất với tỷ trọng 5.88% NAV.
Principal Vietnam Equity Fund A có tỷ suất âm 8.13% trong ba tháng gần nhất, chỉ tăng trưởng hơn 2% kể từ lúc thành lập.
Principal Vietnam Equity Fund A (Principal VNEQ-A) thành lập ngày 16/10/2017. Tài sản tính ròng đến 30/11/2023 là gần 7.4 tỷ THB (khoảng hơn 5.1 ngàn tỷ đồng), tương ứng NAV trên một đơn vị quỹ là 11.3263 THB, tăng trưởng 11.07% trong năm gần nhất và tăng trưởng 2.05% kể từ thời điểm thành lập. Giống như K-Vietnam, Principal VNEQ-A cũng trải qua ba tháng gần nhất gặp khó khăn với tăng trưởng NAV âm đến 8.13%.
Biến động NAV trên mỗi đơn vị quỹ của Principal VNEQ-A từ thời điểm thành lập
Đơn vị: THB
Nguồn: Principal Vietnam Equity Fund
|
Cơ cấu tài sản theo kênh đầu tư của Principal VNEQ-A tại ngày 30/11/2023
Nguồn: Principal Vietnam Equity Fund
|
|
Tỷ trọng phân bổ vào các tài sản tại Việt Nam chiếm gần như toàn bộ, đạt 92.67% NAV tại thời điểm kết thúc tháng 11 vừa qua. Lĩnh vực được Principal VNEQ-A chú trọng nhất là ngân hàng, chiếm 32.08% NAV, tiếp đến là công nghệ thông tin 9.49%, nguyên vật liệu 8.44%, chứng khoán 6.58%, thiết bị điện và máy tính 6.4%.
Tài sản của Principal VNEQ-A phân bổ đến 92.68% vào cổ phiếu; trong đó 5 cổ phiếu có tỷ trong lớn nhất là FPT (9.49% NAV), HPG (8.44% NAV), MBB (7.7% NAV), VCB (6.78% NAV) và HDB (6.67%). Còn lại chủ yếu phân bổ vào tài khoản tiết kiệm khoảng 6.21%.
Bualuang Vietnam Equity Fund sụt giảm gần 6% kể từ khi thành lập
Bualuang Vietnam Equity Fund (B-Vietnam) thành lập từ ngày 25/10/2021, thuộc một công ty quản lý tài sản có tên BBL Asset Management Co.,Ltd. Đứng đầu quỹ là hai cá nhân gồm ông Maetha Peeravud và bà Sudarat Tippayaterdtana.
Thời điểm 20/12/2023, quỹ có tổng tài sản gần 2.9 tỷ THB (gần 2 ngàn tỷ đồng), tương đương NAV trên một đơn vị quỹ là 8.8654 THB.
Tính đến ngày 30/11/2023, quỹ tăng trưởng 10.91% trong năm gần nhất, tuy nhiên việc ba tháng vừa qua âm đến 8.83% đã kéo tụt tỷ suất tăng trưởng NAV kể từ thời điểm thành lập xuống mức âm 5.56%/năm.
Biến động NAV trên mỗi đơn vị quỹ của B-Vietnam từ thời điểm thành lập
Đơn vị: THB
Nguồn: Bualuang Vietnam Equity Fund
|
Cơ cấu tài sản theo khu vực tại thời điểm 31/10/2023 cho thấy cho thấy có đến 94.71% phân bổ vào thị trường Việt Nam. Quỹ dành 89.28% tài sản để đầu tư vào cổ phiếu tại nước ngoài (hầu hết là Việt Nam), 5.41% thông qua các quỹ tương hỗ và 5.31% vào các tài sản khác.
Xét theo nhóm ngành, B-Vietnam đầu tư chủ yếu vào nhóm tài chính và chứng khoán (17.43%), phát triển bất động sản (17.15%), vận tải và logistics (13.3%), ICT (6.66%) và ngân hàng (4.98%).
Trong 5 khoản đầu tư lớn nhất, có 4 là cổ phiếu gồm MBB chiếm 7.7% NAV, tiếp đến FPT chiếm 6.53%, SCS 5.23% và VRE 4.98%. Còn lại là khoản đầu tư gián tiếp thông qua SSIAM VNFIN LEAD ETF Fund, chiếm 5.41%.
ASP sở hữu hai quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam, nhưng đều tăng trưởng âm.
Đầu tiên là Asset Plus Vietnam Growth Fund (ASP-VIET), thành lập vào ngày 18/01/2018. Quỹ có tổng tài sản gần 2.2 tỷ THB tại thời điểm 30/11/2023, tương đương NAV trên mỗi đơn vị quỹ là 8.4399 THB. Mặc dù năm gần nhất có tăng trưởng 11.17%, nhưng với sự sụt giảm mạnh 8.5% trong ba tháng gần nhất, dẫn đến thành tích từ khi thành lập bị âm 2.85%/năm.
Biến động NAV trên mỗi đơn vị quỹ của ASP-VIET từ thời điểm thành lập
Đơn vị: THB
Nguồn: Asset Plus Fund Management
|
Quỹ chủ yếu đầu tư ra nước ngoài, tại thời điểm 31/10/2023, ASP-VIET phân bổ 80.71% tài sản vào thị trường Việt Nam, 4.73% vào thị trường Hồng Kông (Trung Quốc). Quỹ tập trung ASP-VIET đầu tư nhiều nhất vào công cụ cổ phiếu với tỷ trọng 69.63%; còn lại đi vào kênh tiền gửi, ủy thác đầu tư và tài sản khác.
Tài chính là lĩnh vực được quỹ này quan tâm nhất, khi có đến 27.19% tài sản chảy vào ngành này. Tiếp đến là các nhóm công nghệ thông tin 11.07%, bất động sản 7.93%, vật liệu và máy móc công nghiệp 7.36% và nguyên vật liệu 7.32%.
Các khoản đầu tư cụ thể như vào quỹ Vietnam Equity (UCITS) (VEF) trực thuộc Dragon Capital, bên cạnh các cổ phiếu như VCB chiếm 8.9%, FPT 7.58%, GMD 7.36% và STB 5.94%.
ASP cũng đang vận hàng một quỹ khác với phần lớn tài sản tại Việt Nam là Asset Plus Vietnam Growth RMF Fund (ASP-VIETRMF), thành lập ngày 19/09/2018. Quy mô nhỏ hơn so với ASP-VIET, ở mức khoảng 683 triệu THB (khoảng 475 tỷ đồng). Danh mục đầu tư tương tự với ASP-VIET, chỉ khác ở chỗ tỷ trọng ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu chiếm 7.08%, thay thế vị trí của nguyên vật liệu.
Hiệu quả đầu tư của ASP-VIETRMF cũng không khả quan hơn ASP-VIET, với tăng trưởng NAV từ khi thành lập âm 0.68%/năm, một năm gần nhất tăng trưởng 9.34% và ba tháng gần đây âm 8.71%.
United Vietnam Opportunity Fund chủ yếu đầu tư gián tiếp, hiệu suất vẫn kém tích cực
Thành lập ngày 20/07/2018, đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua quỹ cổ phần Việt Nam và quỹ ETF, United Vietnam Opportunity Fund (UVO) cũng đa dạng hóa vào các quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam và quỹ ETF chỉ số với mức trung bình trong năm tài chính không thấp hơn 80% giá trị tài sản ròng. Tổng tài sản tại ngày 19/12/2023 của UVO hơn 78.3 triệu THB (hơn 54 tỷ đồng), tương đương NAV trên mỗi đơn vị quỹ là 8.4799 THB.
Kết thúc 30/11, quỹ có hiệu suất âm 2.98%/năm kể từ thời điểm thành lập, tăng trưởng 5.19% trong một năm gần nhất và âm 9.77% tính trong ba tháng gần đây.
Biến động NAV trên mỗi đơn vị quỹ của UVO từ thời điểm thành lập
Đơn vị: THB
Nguồn: United Vietnam Opportunity Fund
|
Quỹ hầu như không đầu tư trực tiếp các cổ phiếu Việt Nam như những người anh em trên, mà chủ yếu đầu tư gián tiếp. Tại thời điểm 31/10/2023, quỹ phân bổ 41.8% tài sản vào United Vietnam Equity Fund Class T (Par 100), 36.85% vào Vietnam Equity (UCITS) (VEF) trực thuộc Dragon Capital, 12.95% vào VanEck Vietnam ETF, 10.33% vào Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF 1C.
Trong đó, United Vietnam Equity Fund chủ yếu hướng đến lĩnh vực tài chính (chiếm 36.51% NAV), công nghiệp (17.34%), bất động sản (8.76%) và năng lượng (7.25%). Các khoản đầu tư lớn nhất có thể kể đến như VCB chiếm 9.22% NAV, GAS chiếm 6.25%, CTR chiếm 5.43%, GMD chiếm 5.14% và CTG chiếm 5%.
Cơ cấu tài sản của United Vietnam Equity Fund tại ngày 31/10/2023
Nguồn: United Vietnam Equity Fund
|
Với VEF thì ngân hàng, bán lẻ, bất động sản, phần mềm và năng lượng là các lĩnh vực được chú trọng, chiếm lần lượt 29.6%, 14.9%, 13.4%, 9.5% và 7.1% NAV. Các cổ phiếu đầu tư nhiều có thể kể đến như FPT chiếm 9.5%, MBB chiếm 7.14%, STB chiếm 6.11%, PNJ chiếm 6.01% và MWG chiếm 5.64%.
Cơ cấu tài sản của VEF tại ngày 31/10/2023
Nguồn: Vietnam Equity (UCITS) Fund
|
Còn với Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF 1C, các lĩnh vực ưu tiên là bất động sản, tài chính, tiêu dùng thiết yếu và công nghiệp với tỷ trọng trong tổng tài sản lần lượt 27.9%, 22.48%, 18.52% và 17.07%. Danh mục cụ thể có HPG chiếm tỷ trọng cao nhất với 13.57%, tiếp đến là VHM, VIC, VNM, VCB, MSN chiếm lần lượt 13.28%, 11.76%, 9.6%, 9.08% và 8.92% NAV.
Cơ cấu tài sản của Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF 1C tại ngày 31/10/2023
Nguồn: Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF 1C
|
Nhìn chung, UVO có quy mô khá nhỏ so với những cái tên nêu trước đó như K-Vietnam, Principal VNEQ-A, B-Vietnam, ASP-VIET hay ASP-VIETRMF.
Ngoài UVO, một số quỹ khác có tài sản không lớn, xuất thân từ Thái Lan cũng đầu tư vào Việt Nam theo cách gián tiếp thông qua các quỹ khác có thể kể đến như Krungsri Vietnam Equity Fund-A hay SCB Vietnam Equity Fund. Trong đó, SCB Vietnam Equity Fund dù chỉ mới thành lập từ ngày 08/03/2022 nhưng phong độ lại khá “thảm hại” khi tỷ suất âm đến 20.63%/năm tính đến thời điểm 18/12/2023 kể từ khi thành lập.
Huy Khải
FILI
|