‘Hiến kế’ hạ giá thành bất động sản
Muốn hạ giá thành bất động sản, cần có sự chung tay, phối hợp từ cơ quan quản lý nhà nước tới các doanh nghiệp, ngân hàng. Doanh nghiệp cần giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, chủ động cơ cấu nợ và lên phương án dòng tiền.
Lý do giá bất động sản “neo” cao
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn nhưng giá vẫn liên tục “neo” cao.
Nguồn cung khan hiếm khi số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới rất ít và đang ngày càng có xu hướng sụt giảm, đặc biệt là phân khúc bình dân, trung cấp. Cụ thể, theo số liệu công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, năm 2022, cả nước có 126 dự án được cấp phép mới, chỉ bằng 52,7% so với năm 2021 và 17% năm 2020.
Còn trong quý III/2023, chỉ có 15 dự án với 3.028 căn được cấp phép mới. Trong đó, miền Bắc có 4 dự án, tại miền Trung có 7 dự án, tại miền Nam có 4 dự án. Có 47 dự án với 8.208 căn, số lượng căn hộ tại các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Đáng chú ý, không có bất kỳ dự án nhà ở hình thành trong tương lai nào thuộc phân khúc bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch nhà ở trong năm 2021 và năm 2022. Tỷ trọng căn hộ trung cấp, mức giá từ 25-50 triệu đồng/m2 đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch nhà ở cũng liên tục giảm 2 con số kể từ năm 2020.
VARS cho rằng, muốn hạ giá thành bất động sản, cần có sự chung tay, phối hợp từ cơ quan quản lý nhà nước tới các doanh nghiệp, ngân hàng. (Ảnh: Hoàng Hà)
|
Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho thấy, số lượng căn hộ bình dân, trung cấp được chào bán liên tục sụt giảm kể từ năm 2019. Cụ thể, tổng số căn hộ bình dân mở bán trong năm 2022 chỉ bằng 10% so với năm 2019.
Tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân trên tổng nguồn cung căn hộ mở bán cũng liên tục tụt giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 7% vào năm 2022. Trong giai đoạn 2019-2022, tỷ trọng căn hộ trung cấp cũng lần lượt tụt giảm xuống mức lần lượt là 54%, 46%, 34%, 27%.
VARS dự báo, trong năm 2024, giá bán chung cư sơ cấp sẽ tiếp tục tăng trung bình khoảng 3-8%. Bởi nguồn cung trong ngắn hạn vẫn chưa được giải quyết.
Hội Môi giới đánh giá, khan hiếm nguồn cung mới khiến thị trường thiếu tính cạnh tranh, doanh nghiệp có dự án chung cư mở bán giai đoạn này là “vua", nếu không gặp khó khăn về dòng tiền, chủ đầu tư sẽ tiếp tục giữ giá cao để tối đa hóa lợi nhuận. Đồng thời, cơ sở hạ tầng không ngừng hoàn thiện sẽ tiếp tục ‘đẩy’ mặt bằng giá cao hơn nữa.
Theo VARS, lý do giá chung cư “neo” cao còn bởi chi phí đầu tư, xây dựng tăng do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công, chi phí tiếp cận tài chính tăng. Bên cạnh đó, chi phí tạo lập quỹ đất quá cao cùng nhiều khoản chi phí “không tên" phát sinh khi thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng, phát triển dự án khiến chủ đầu tư khó giảm giá.
Lãi suất thấp cùng lạm phát cao của quãng thời gian trước cũng là những yếu tố góp phần làm giá nhà tăng mạnh, nhưng cốt lõi của vấn đề là tình trạng sụt giảm nguồn cung.
Cách nào cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm?
Theo Hội Môi giới, để có thể cơ cấu lại phân khúc, hạ giá thành sản phẩm bất động sản, cần có sự chung tay, góp sức, thống nhất quan điểm, cách thức triển khai, phối hợp từ cơ quan quản lý nhà nước tới các doanh nghiệp, ngân hàng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần nghiên cứu phương án rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính đầu tư, xây dựng. Xem xét các phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu tính tiền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng. Hiện, đây là hai hạng mục chiếm rất nhiều chi phí của chủ đầu tư, trực tiếp ảnh hưởng đến giá thành của bất động sản.
Đồng thời, cần có biện pháp xử lý nghiêm với tất cả các hành vi “gây khó” cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, phát triển dự án. Tránh phát sinh các “chi phí bôi trơn”, vô hình chung cũng bị cộng dồn vào giá thành sản phẩm.
Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển nhà ở phân khúc giá bình dân và người mua nhà. Cần có các cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ các chủ đầu tư nếu muốn cơ cấu lại các dự án theo hướng từ cao cấp sang bình dân, hoặc nhà ở xã hội.
Đối với doanh nghiệp bất động sản, cần chủ động rà soát lại danh mục dự án đầu tư. Bán một phần hoặc toàn bộ các dự án không phù hợp với nguồn lực hiện tại. Chủ động cơ cấu nợ và lên phương án dòng tiền. Tập trung nguồn vốn vào các dự án đảm bảo pháp lý, có phương án vay vốn khả thi, có khả năng hoàn thành sớm, dễ thanh khoản.
“Giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, thậm chí chấp nhận bán lỗ, dùng lợi nhuận của các năm trước để duy trì hoạt động. Với các dự án mới trong giai đoạn nghiên cứu, chủ động định hướng sang phân khúc giá bình dân để đảm bảo khả năng hấp thụ khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản cần liên tục đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, áp dụng các thành tựu công nghệ để nâng cao năng lực quản trị, kiểm soát rủi ro, giảm thiểu chi phí”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS hiến kế giải pháp.
Nguyễn Lê
VietNamNet
|