Thứ Năm, 16/11/2023 18:00

Xuất khẩu tôm Ecuador năm 2024: Tập trung nhiều hơn vào sản phẩm giá trị gia tăng

Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm đông lạnh của Ecuador đạt tổng cộng 912,211 tấn, trị giá 4.82 tỷ USD. Khối lượng tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá trị giảm 5%.

Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP), khối lượng xuất khẩu tôm Ecuador tiếp tục được thúc đẩy nhờ sự phục hồi sang thị trường Trung Quốc sau dịch COVID-19.

Trước dịch COVID-19, Ecuador đã tuyên bố ý định giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc để chuyển sang các thị trường khác, nhưng nhu cầu của Trung Quốc với tôm Ecuador vẫn tốt. Ecuador cung cấp 70% lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc so với 18% của Ấn Độ.

Giá xuất khẩu trung bình là 5.28 USD/kg, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. “Mặc dù khối lượng xuất khẩu tăng, giá trung bình xuất khẩu tôm của Ecuador vẫn giảm, một phần do dư cung từ Ecuador, Ấn Độ và một số nước nuôi tôm chính và nhu cầu sụt giảm ở châu Âu và Mỹ”, VASEP đánh giá.

Riêng trong tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đông lạnh của Ecuador đạt tổng cộng 107,361 tấn, trị giá 548 triệu USD. Giá xuất khẩu trung bình tôm Ecuador trong tháng 9/2023 là 5.10 USD/kg, tăng từ 4.96 USD/kg trong tháng 8, nhưng vẫn giảm 20% so với tháng 9/2022. Giá trung bình xuất khẩu tôm đông lạnh của Ecuador phục hồi nhẹ trong tháng 9 sau khi chạm đáy vào tháng trước đó.

Xuất khẩu đi các thị trường: Khối lượng tăng, giá trị giảm

Tháng 9/2023, xuất khẩu sang thị trường hàng đầu của Ecuador - Trung Quốc tăng 10% về lượng lên 62,403 tấn nhưng giảm 15% theo giá trị trong bối cảnh giá thấp hơn. xuất khẩu sang Mỹ tăng 25% về lượng lên 20,505 tấn nhưng chỉ tăng 5% về giá trị.

Nguồn: VASEP

Ecuador chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ tôm nguyên con. Tồn kho tôm đông lạnh cao cùng với nhu cầu tiêu dùng giảm đã khiến nhập khẩu tôm vào Mỹ giảm mạnh trong nửa đầu năm nay nhưng ngày càng có triển vọng về sự phục hồi thị trường trong thời gian tới.

Châu Âu phần lớn là thị trường tiêu thụ tôm còn nguyên vỏ, còn đầu, mặc dù vẫn có nhu cầu về các sản phẩm bỏ vỏ, bỏ đầu từ các nhà chế biến tôm. Xuất khẩu tôm Ecuador sang châu Âu tăng 9% trong 9 tháng đầu năm 2023. Trong khối EU, xuất khẩu tôm Ecuador sang Bỉ tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị; xuất khẩu sang Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan tăng nhẹ về khối lượng nhưng giá trị giảm; xuất khẩu sang Pháp giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị.

Giá tôm giảm xuống mức thấp kỷ lục

Tháng 9 năm nay, giá trung bình tôm Ecuador xuất sang Trung Quốc đạt 4.81 USD/kg, giảm 22% so với tháng 9 năm ngoái. Giá xuất sang Mỹ đạt 6.05 USD/kg, giảm 15%, trong khi giá sang Tây Ban Nha là 4.80 USD/kg, giảm 18%

Giá trung bình xuất khẩu tôm đông lạnh của Ecuador sang một số thị trường, có thời điểm giảm xuống dưới mức 5 USD/kg trong bối cảnh nguồn cung dư thừa và nhu cầu chậm lại, giảm khoảng 1 USD/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyên gia dự đoán, phải mất khoảng 6 tháng để giá tôm có thể phục hồi.

Sự sụt giảm giá xuất khẩu hiện nay xảy ra khi giá tôm tại đầm cũng đang giảm mạnh ở Ecuador. Giá tại đầm trung bình tôm nguyên con của Ecuador đạt 4 USD/kg với cỡ 20/30, 3.30 USD/kg với cỡ 30/40, 2.90 USD/kg với cỡ 40/50, 2.70 USD/kg với vỡ 50/60 trong tuần cuối tháng 10 và tuần đầu tháng 11/2023.

Giá tôm giảm làm ảnh hưởng mạnh nhất tới những người đầu tư công nghệ vào các trại nuôi của Ecuador như kho lạnh hoặc hệ thống cấp đông, gây áp lực lên các DN chế biến và người nuôi tôm của Ecuador.

Ecuador mục tiêu tập trung nhiều hơn cho sản xuất hàng GTGT

Mặc dù nỗ lực kiểm soát chi phí đầu vào sản xuất, tìm kiếm thị trường mới, mở rộng thị phần, các DN tôm của Ecuador vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Chuyên gia dự báo sản lượng sản xuất tôm của Ecuador năm nay sẽ tăng khoảng 15% đạt 1.3-1.4 triệu tấn. Năm 2024, sản lượng tôm dự kiến đạt tương đương năm 2023.

Khối lượng xuất khẩu tôm năm tới sẽ phụ thuộc vào việc Ecuador xuất khẩu bao nhiêu tôm nguyên con và bao nhiêu tôm chế biến giá trị gia tăng. Nếu Ecuador xuất nhiều tôm GTGT hơn tôm nguyên con, khối lượng tôm xuất khẩu của Ecuador năm tới sẽ giảm.

Trong bối cảnh, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Ecuador là Trung Quốc đang gặp phải các vấn đề về bất ổn tiền tệ, thị trường bất động sản, chứng khoán, người dân thắt chặt chi tiêu, Ecuador sẽ tập trung nhiều hơn để phát triển hàng GTGT và tôm bóc vỏ. Các DN chế biến tôm hàng đầu của Ecuador là Omarsa và Songa đã có nhà máy chế biến tôm GTGT mới, dây chuyền hấp tôm và đang đặt mục tiêu tập trung nhiều hơn vào mảng này.

Thiên Vân (Theo VASEP)

FILI

Các tin tức khác

>   Hai loại hạt rất quen thuộc, Việt Nam chi 3,38 tỷ USD nhập khẩu (15/11/2023)

>   Indonesia có kế hoạch nhập khẩu 5 triệu tấn gạo từ nay đến năm 2024 (14/11/2023)

>   Bán hơn nửa triệu tấn hạt điều, Việt Nam thu về 2,95 tỷ USD (14/11/2023)

>   Lý do khiến lựu đỏ, nho mẫu đơn... ngày càng rẻ (13/11/2023)

>   Bộ trưởng NN&PTNT: Doanh nghiệp không nên chăm chăm lợi ích trước mắt (11/11/2023)

>   Giá tôm nguyên liệu tại tỉnh Bạc Liêu bất ngờ tăng đột biến (10/11/2023)

>   Cơ hội để gạo Việt Nam lập phân khúc mới (08/11/2023)

>   Sẽ nhập khẩu đường thông qua đấu giá (03/11/2023)

>   Việt Nam chi gần 5 tỉ USD nhập khẩu bắp, lúa mì, đậu nành để làm gì? (03/11/2023)

>   Giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế (03/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật