Hai loại hạt rất quen thuộc, Việt Nam chi 3,38 tỷ USD nhập khẩu
Chỉ trong 10 tháng năm nay, Việt Nam đã chi ra 3,38 tỷ USD để nhập khẩu 2 loại hạt rất quen thuộc là ngô, đậu tương để phục vụ nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi và tiêu dùng trong nước.
Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, hàng năm nước ta phải nhập khẩu lượng lớn ngô và đậu tương từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Năm 2022, kim ngạch nhập khẩu 2 loại hạt này lên tới 4,61 tỷ USD. Trong đó, giá trị nhập khẩu ngô khoảng 3,33 tỷ USD, tăng 15,6%; đậu là 1,28 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2021.
Tháng 10 năm nay, kim ngạch nhập khẩu 2 mặt hàng này đều tăng so với tháng trước đó. Cụ thể, giá trị nhập khẩu đậu tương tăng đột biến 43,9%, nhập khẩu ngô tăng 3,9%.
Luỹ kế 10 tháng năm 2023, nước ta cũng chi ra 1,02 tỷ USD để nhập khẩu 1,61 triệu tấn đậu tương. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng đậu tương nhập khẩu tăng 5,2% nhưng giá trị giảm 4,4%.
Nhập khẩu ngô đạt 7,75 triệu tấn, giá trị ước khoảng 2,36 tỷ USD, tăng 2,3% về lượng, song giảm 11,4% về giá trị.
Nguồn cung cấp chính 2 loại hạt này cho nước ta là Mỹ, Úc, Brazil, Argentina...
Ngoài ngô và đậu tương, tính đến hết tháng 10 năm nay, nước ta cũng chi ra 1,29 tỷ USD để nhập khẩu 3,74 triệu tấn lúa mì, tăng 10,4% về lượng nhưng giá trị lại giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, ngô và đậu tương đều là những loại cây trồng quen thuộc ở Việt Nam. Tuy nhiên, diện tích 2 loại cây trồng này còn nhỏ, năng suất cũng thua xa so với các quốc gia trên thế giới.
Hiện, sản lượng ngô và đậu tương còn khá khiêm tốn so với nhu cầu cần dùng. Thế nên, doanh nghiệp phải nhập lượng hàng lớn về phục vụ nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như tiêu dùng trong nước.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng đề cập tới vấn đề mở rộng vùng sản xuất ngô, đậu tương tại các địa phương, tiến tới dần tự chủ nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm lượng hàng nhập khẩu.
Tâm An
Vietnamnet
|