Thu ngân sách Nhà nước 10 tháng đạt 86.3% dự toán
Bộ Tài chính cho biết, thực hiện thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 10 tháng ước đạt 1,398.7 nghìn tỷ đồng, bằng 86.3% dự toán, giảm 9.2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 88.9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 83.3% dự toán.
Thu nội địa 10 tháng ước đạt 86.8% dự toán, giảm 5.9%; thu từ dầu thô ước đạt 122.3% dự toán, giảm 19.8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 79% dự toán, giảm 21.9% so cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù tình hình kinh tế đã có nhiều khởi sắc trở lại từ đầu quý 3/2023, song hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực vẫn còn khó khăn (trong 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng ô tô giảm 20.4%; điện thoại di động giảm 17.7%; thép giảm 15.5%; xi măng giảm 5.6%; linh kiện điện thoại giảm 4.7%...); thị trường bất động sản chậm phục hồi; kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất làm giảm thu ngân sách.
Các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế ước đạt 85.5% dự toán; tuy nhiên, không kể thuế TNDN, thì số thu của 03 khu vực này chỉ bằng 92,7% cùng kỳ (trong đó: thuế GTGT ước đạt 73.1% dự toán, tăng 1.8% so với cùng kỳ; thuế TTĐB ước đạt 75.9% dự toán, giảm 17% so cùng kỳ; thu từ khí thiên nhiên đạt 99.6% dự toán, giảm 35.8% so cùng kỳ năm 2022,...).
Có 03 khoản thu không đạt tiến độ dự toán là: Thuế bảo vệ môi trường ước đạt 47.6% dự toán, giảm 22.1% so cùng kỳ, do thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Các loại phí, lệ phí ước đạt 78.8% dự toán, giảm 13.2% so cùng kỳ, chủ yếu do giảm thu lệ phí trước bạ nhà, đất và thực hiện chính sách cắt giảm phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân (như: Thông tư 44/2023/TT-BTC quy định giảm mức thu từ 10-50% đối với 36 khoản phí, lệ phí,...); Các khoản thu về nhà, đất ước đạt 67.3% dự toán, giảm 43.3% so cùng kỳ, chủ yếu do thị trường bất động sản chậm phục hồi; công tác đấu giá, cấp quyền sử dụng đất tại nhiều dự án ở địa phương không triển khai được; hoặc triển khai nhưng không có nhà đầu tư trúng đấu giá.
Về chi NSNN, thực hiện 10 tháng ước đạt 1,357.6 nghìn tỷ đồng, bằng 65.4% dự toán, tăng 11.4% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 55.3% dự toán (tỷ lệ giải ngân ước đạt 56.84% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 35% (khoảng 104 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; chi trả nợ lãi ước đạt 77.8% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 74.5% dự toán.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 10 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội. Chủ động nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu (từ 1.49 triệu đồng lên mức 1.8 triệu đồng đồng/tháng) cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc NSNN đảm bảo từ 01/7/2023.
Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 21.56 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 10 tháng đã thực hiện phát hành 264.4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12.32 năm, lãi suất bình quân 3.3%/năm.
Hàn Đông
FILI
|