Quỹ bình ổn xăng dầu dư hơn 7.400 tỷ đồng, ai đang quản lý?
Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang được 35 doanh nghiệp quản lý quỹ, đáng lưu ý, số dư tại thời điểm giữa năm này là hơn 7.400 tỷ đồng.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023 và dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước (TCNN) ngoài ngân sách do trung ương quản lý.
Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 đã huy động được 7.963,9 tỷ đồng lũy kế đến ngày 30/9/2023, Quỹ đã huy động được 10.841,6 tỷ đồng
|
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, các bộ, cơ quan trung ương cũng đã chủ động rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ thuộc phạm vi quản lý; xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động, hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra.
Đối với Quỹ vắc-xin phòng COVID-19, quỹ này được thành lập vào tháng 5/2021, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ huy động được nguồn lực rất lớn trong thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn lực mua vắc-xin phòng chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, sớm đạt miễn dịch trong cộng đồng.
Chỉ sau 1 tháng đi vào hoạt động, Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 đã huy động được 7.963,9 tỷ đồng lũy kế đến ngày 30/9/2023, Quỹ đã huy động được 10.841,6 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 202,6 tỷ đồng).
Tuy nhiên bên cạnh một số quỹ mang lại hiệu quả thì còn một số quỹ còn chậm điều chỉnh nhiệm vụ cho phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của một số quỹ còn chậm.
Trong năm nay, Chính phủ cho biết không có quỹ TCNN của trung ương quản lý được thành lập mới, thực hiện giải thể, sáp nhập. Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, có 22 quỹ TCNN do các bộ, cơ quan trung ương thành lập hoặc được giao quản lý.
Cụ thể, có 20 quỹ đã đi vào hoạt động, trong đó có 9 quỹ quy mô vốn, nguồn thu và nhiệm vụ chi lớn, gồm: Quỹ bảo hiểm xã hội; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ bảo hiểm y tế; Quỹ tích lũy trả nợ; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích; Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; và Quỹ vắc-xin phòng COVID-19; các quỹ còn lại quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp.
Như vậy, tính chung từ năm 2017 (năm Luật Ngân sách nhà nước 2015 có hiệu lực) đến nay, đã quyết định thành lập mới 3 quỹ TCNN do trung ương quản lý là Quỹ vắc-xin phòng COVID-19, Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch;
Đang xây dựng, hoàn thiện các thủ tục để thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Đồng thời giải thể, sáp nhập được 6 quỹ, gồm: Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế, Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại thời điểm ngày 30/6/2023 là hơn 7.400 tỷ đồng.
|
Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ cho biết, Quỹ này được thành lập, quản lý, sử dụng theo quy định tại Luật Giá, và Nghị định số 177 của Chính phủ.
Do đây là quỹ tài chính đặc thù, được thành lập và giao các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trực tiếp quản lý khi doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, toàn bộ nguồn trích lập Quỹ chỉ sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
Quỹ không có tổ chức bộ máy, không có điều lệ hoạt động và không có cơ chế tài chính riêng; Quỹ không phải lập, báo cáo kế hoạch thu, chi, quyết toán tài chính Quỹ hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước như đối với các quỹ TCNN khác. Số dư của Quỹ biến động phụ thuộc vào diễn biến thị trường và quyết định trích, sử dụng Quỹ để bình ổn giá xăng dầu trong nước của Bộ Công thương.
Hiện nay có 35 doanh nghiệp được giao quản lý quỹ. Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại thời điểm ngày 30/6/2023 là hơn 7.400 tỷ đồng.
Về tài chính, năm nay các quỹ trên thu được khoảng 548.400 tỷ đồng, giảm 1.500 tỷ so với kế hoạch. Tuy nhiên, số dư quỹ đến cuối năm nay vẫn tăng 7,5% so với năm ngoái, đạt hơn 1,42 triệu tỷ đồng.
Kế hoạch năm 2024, Chính phủ dự kiến tổng thu từ các quỹ khoảng 585.300 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm nay. Nhờ đó, tổng dư quỹ tăng lên hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương 5,5% so với cuối 2023.
Luân Dũng
Tiền phong
|