Phía sau việc Việt Nam phải nhập 100.000 tấn cà phê Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2022-2023 vừa diễn ra, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VN) (Vicofa) công bố thông tin đáng chú ý: VN phải nhập khẩu khoảng 102.100 tấn cà phê với giá trị gần 300 triệu USD, tăng 14,4% về khối lượng và tăng 9% về kim ngạch so với niên vụ trước đó. Không chỉ vậy, VN đứng thứ hai thế giới chỉ sau Brazil về lượng cà phê xuất khẩu nhưng vẫn phải nhập một lượng lớn cà phê từ Singapore - một nước không trồng cà phê. Nhiều lý do phải nhập cà phê Vicofa cho biết VN nhập khẩu cà phê chủ yếu từ các nước: Lào, Indonesia, Brazil, Bỉ, Colombia, Đức, Papua New Guinea, Ấn Độ, Peru, Thái Lan, Honduras, Singapore... Lý giải nguyên nhân VN phải nhập khẩu lượng lớn cà phê từ nhiều quốc gia, ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia thị trường cà phê, cho biết có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, VN thiếu loại cà phê mà thị trường có nhu cầu cao trong khi lại trồng không được nhiều, đó là cà phê Arabica. Nhìn báo cáo xuất khẩu cà phê niên vụ 2022-2023 có thể thấy: Xuất khẩu cà phê của VN đạt gần 1,7 triệu tấn nhưng chủ yếu là cà phê Robusta với gần 1,5 triệu tấn, trong khi loại cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu hơn 41.000 tấn. Lượng nhập khẩu cà phê tăng do nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng và nhiều hệ thống chuỗi cà phê cao cấp mở rộng. Ảnh: QH | Như vậy, VN nhập khẩu cà phê về vừa để phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu và phục vụ cả nhu cầu của khách hàng trong nước. Nếu trước đây, người Việt quen uống cà phê Robusta vị đắng đậm, lượng cafein nhiều thì giờ họ thích uống nhẹ hơn, với loại cà phê Arabica có vị chua, thanh nhẹ, ngọt hậu. Lý do thứ hai là quy luật thị trường. Cụ thể, nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới là Brazil vẫn phải nhập cà phê Robusta của VN, hay Colombia đứng đầu về cà phê Arabica vẫn nhập khẩu cà phê. “Theo quy luật kinh tế thị trường, nếu giá cà phê ở các nước thấp thì các công ty VN mua về chế biến rồi xuất khẩu với giá cao hơn. Các nước khác cũng vậy, chỗ nào có nguồn hàng giá thấp hơn thì họ đổ về đó mua” - ông Bình nói. Vì sao phải nhập cà phê từ Singapore? Nhiều người thắc mắc vì sao VN phải nhập cà phê từ Singapore - một nước không trồng cà phê? Các chuyên gia lý giải: Singapore giữ vai trò quan trọng như là một trung tâm của các hoạt động thương mại cà phê thế giới. Nước này được đánh giá là điểm kết nối giữa các thị trường tiêu thụ và sản xuất cà phê lớn ở cả châu Á và các nơi khác trên thế giới. Hiện Singapore là thị trường tiêu thụ cà phê của VN nhưng cũng là nước chế biến, xuất khẩu cà phê rang xay. | Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, đồng sáng lập chuỗi cửa hàng The Bunny Coffee, cũng nhìn nhận ở lĩnh vực cà phê chế biến thì việc nhập khẩu cà phê nguyên liệu từ các quốc gia trên thế giới là chuyện bình thường. Vì ngành kinh doanh đồ uống gắn với công thức pha chế. Ví dụ, trong một ly cà phê có thể vừa có cà phê Robusta của VN vừa có một lượng nhỏ cà phê Arabica nhập khẩu hoặc tùy theo nhu cầu của khách muốn uống loại nào. “Vì vậy, các hệ thống chuỗi cà phê trong nước cũng như nước ngoài có mặt tại VN đều nhập khẩu cà phê đã chế biến như cà phê rang xay, cà phê hòa tan” - ông Tùng nói. Nên tăng chất lượng cà phê để tăng giá trị Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao VN, khẳng định: Cà phê nhập khẩu chủ yếu là loại chất lượng cao để phục vụ tại các khách sạn, nhà hàng, tiệm cà phê cao cấp… mà cà phê trong nước chưa đáp ứng được, hoặc theo quy trình tiêu chuẩn riêng của hệ thống. Do nhu cầu tiêu thụ trong nước ngày càng tăng nên lượng nhập khẩu cũng tăng. Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận: “Hiện nay cà phê cũng như nhiều loại nông sản khác của VN chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô. Hiện cà phê chế biến sâu chỉ chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng và chủ yếu tiêu thụ trong nước”. Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia đánh giá cà phê VN vẫn chủ yếu xuất khẩu thô dạng cà phê nhân và không có thương hiệu. Vì vậy, để phát triển và nâng giá trị của cà phê Việt cần chú trọng đầu tư sản xuất cà phê sạch, cà phê chế biến sâu để đáp ứng thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường khó tính. Chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình phân tích hiện các thị trường lớn như EU, Mỹ đang có sự thay đổi nhu cầu tiêu thụ từ nhập cà phê Robusta nhân chuyển sang cà phê chế biến. Vì vậy, VN cần phải ưu tiên đầu tư các cơ sở chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm cà phê và hướng tới phát triển bền vững. Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Kết nối doanh nhân VN - quốc tế, cũng gợi ý rằng ngành cà phê Việt cần chuyển đổi dần từ xuất khẩu thô sang chế biến sâu, đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, hiện nay rất ít công ty làm thương hiệu cho cà phê VN xuất khẩu ra thế giới. Trong khi đó, Thái Lan có loại cà phê cao cấp, bán đến 50-100 USD/ly ở các khách sạn 5 sao trên thế giới. Ngược lại, VN đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng lại chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Theo ông Trần Thanh Hải, chuyên gia kinh tế, VN cần một sở giao dịch cà phê. Bởi hiện nay VN là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới nhưng không quyết định được giá. Hệ quả là dù xuất khẩu cà phê lớn nhưng chuỗi giá trị gia tăng cho người trồng cà phê VN rất nhỏ. Cà phê của VN không có thương hiệu, giá trị gia tăng của nông dân cực thấp so với người bán lẻ, người rang xay. “Tôi cho rằng muốn góp phần làm đồng tiền VN tăng giá trị thì phải đi từ thị trường hàng hóa như cà phê, gạo, cao su… có thể mua bán bằng đồng tiền Việt. Việc thành lập Sở giao dịch hàng hóa của VN với mặt hàng đầu tiên là cà phê sẽ góp phần nâng giá trị cho đồng tiền Việt và từng bước xây dựng thị trường tài chính từ thị trường hàng hóa. Qua đó, cà phê hay những nông sản Việt khác thông qua thị phần lớn sẽ tự quyết định được giá bán, tăng được giá trị, thương hiệu” - ông Hải nhấn mạnh. Người Việt chi bộn tiền để uống cà phê Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao VN, tiêu thụ cà phê tại thị trường nội địa có bước phát triển mạnh trong những năm qua. Ví dụ, giai đoạn 2015-2020, tốc độ phát triển bình quân hơn 3,9%/năm. Tổng số lượng cà phê tiêu thụ nội địa từ 158.000 tấn năm 2015 lên 220.000 tấn trong năm ngoái; tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ 1,7 kg năm 2015 lên 2,2 kg vào năm ngoái. Dự báo đến năm 2025, tiêu thụ nội địa đạt 270.000-300.000 tấn/năm. Đáng chú ý, số lượng nhà hàng, quán cà phê vẫn tăng bất chấp tình hình kinh tế khó khăn. Đến hết năm ngoái, VN có 338.600 nhà hàng, quán cà phê. Chi phí người Việt thường dành để đi uống cà phê khoảng 41.000-70.000 đồng/lần. | QUANG HUY Pháp luật TPHCM
|