Phân hóa tăng trưởng tín dụng, bức tranh không quá xám?
Xu hướng tăng trưởng tín dụng trì trệ đã và đang được phân tích, mổ xẻ trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính quí 3-2023 của nhiều ngân hàng, bức tranh hoạt động cho vay dường như không quá ảm đạm như những lo ngại trước đó.
Cho vay khách hàng của VPBank tăng 19%, tương đương số tăng tuyệt đối là 83.000 tỉ đồng. Ảnh: LÊ VŨ
|
Phân hóa cao độ
Tổng dư nợ cho vay của 27 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán đến ngày 30-9-2023 đạt hơn 9,3 triệu tỉ đồng, tăng 786.700 tỉ đồng, tương đương tăng 9,2% so với đầu năm nay. So với tổng dư nợ cho vay toàn ngành đến cuối tháng 9 ước đạt hơn 12,7 triệu tỉ đồng, quy mô dư nợ cho vay của 27 ngân hàng trên chiếm đến 73%.
Nếu so sánh mức tăng trưởng tín dụng 9,2% của 27 ngân hàng nói trên với mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành cùng thời điểm chỉ đạt 6,9%, chênh lệch lên đến 2,3 điểm phần trăm, dường như hoạt động cho vay của nhiều ngân hàng không quá ảm đạm như nhiều đánh giá trước đó. Tuy nhiên, báo cáo tài chính cũng cho thấy có sự phân hóa đáng kể trong hoạt động phát triển tín dụng giữa các ngân hàng.
Cụ thể, 18/27 ngân hàng có tăng trưởng cho vay khách hàng từ 7% trở lên, tức cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành là 6,9%. Phân tách chi tiết hơn, có chín ngân hàng trong số này đạt mức tăng trưởng từ 10% trở lên, đặc biệt có những ngân hàng có tốc độ tăng rất cao như VPBank tăng 19%, tương đương số tăng tuyệt đối là hơn 83.000 tỉ đồng; MSB tăng 17,1%, tương đương tăng 20.600 tỉ đồng; MBBank tăng 16,4%, tương đương tăng 75.700 tỉ đồng; Techcombank tăng 13,1%, tương đương tăng 55.100 tỉ đồng.
Nếu xét theo số tuyệt đối, hai vị trí dẫn đầu thuộc hai ngân hàng thương mại gốc quốc doanh là BIDV có mức tăng lớn nhất với 131.200 tỉ đồng, kế tiếp là VietinBank tăng 111.500 tỉ đồng. Ba vị trí kế tiếp trong tốp 5 đều thuộc những ngân hàng đã nhắc ở trên là VPBank, MBBank và Techcombank.
Tổng dư nợ cho vay của “big 4” chiếm tỷ trọng xấp xỉ đến 45% tổng dư nợ toàn ngành, nên biến động của nhóm này có ảnh hưởng vượt trội lên tăng trưởng của toàn ngành. Do đó, với dư nợ của Vietcombank và có thể là cả Agribank chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn, rõ ràng đã phần nào kìm hãm mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
|
Đặc biệt, VPBank và MBBank là hai trong số bốn ngân hàng được giao nhiệm vụ nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng nên có lẽ đã được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn và tranh thủ tận dụng dư địa cho vay này. Việc các ngân hàng còn lại có mức tăng trưởng tín dụng khá cao cho thấy hoạt động tín dụng của nhiều ngân hàng vẫn đang phát triển khả quan, chứ không phải chậm lại như nhiều phân tích đã chỉ ra gần đây. Riêng với MSB và Techcombank, việc hệ số an toàn vốn (CAR) cao hơn nhiều so với quy định đã tạo điều kiện để phát triển tín dụng mạnh mẽ hơn mặt bằng chung.
Ngược lại, trong số 9/27 ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành, một ngân hàng tăng 5,9% là VIB; một ngân hàng ghi nhận sụt giảm 0,5 điểm phần trăm là ABBank và sáu ngân hàng còn lại tăng thấp hơn 5%. Đáng lưu ý là nếu như với các ngân hàng có quy mô dư nợ cho vay nhỏ như SaigonBank, PGBank, Bản Việt; hay trung bình như Bắc Á, Eximbank, việc tăng trưởng tín dụng chậm không quá ảnh hưởng lên tăng trưởng của toàn ngành, thì việc Vietcombank nằm trong nhóm sáu ngân hàng trên rõ ràng đã có những tác động đáng kể.
Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đến cuối quí 3-2023 là gần 1,19 triệu tỉ đồng, chiếm tỷ trọng gần 13% tổng quy mô dư nợ của 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán và tương ứng 9,4% thị phần tín dụng của toàn ngành. Tuy nhiên, so với đầu năm nay, dư nợ cho vay của ngân hàng này chỉ tăng thêm 44.800 tỉ đồng, tương đương tốc độ tăng 3,9%. Con số này cũng thấp hơn rất nhiều khi so với mức tăng trưởng 8,6% và 8,7% của hai ngân hàng thương mại gốc quốc doanh khác là BIDV và VietinBank.
Yếu tố kìm hãm
Nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức khiêm tốn và bức tranh tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng của phần lớn trong 27 ngân hàng nói trên khả quan hơn nhiều trong chín tháng qua, ắt hẳn nhiều người không khỏi thắc mắc. Một số nguyên nhân sau có thể lý giải cho sự chênh lệch này.
Đầu tiên là tầm ảnh hưởng của nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh có quy mô dư nợ quá lớn.
Ngoài Vietcombank có tốc độ tăng trưởng dư nợ khá thấp, BIDV và VietinBank tuy có cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành nhưng cũng chỉ ở mức trung bình so với các ngân hàng khác, ngân hàng còn lại là Agribank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quí 3. Trước đó, báo cáo bán niên 2023 cho thấy dư nợ cho vay của Agribank là 1,46 triệu tỉ đồng, chiếm tỷ trọng lên đến 11,7% tổng dư nợ toàn ngành cùng thời điểm, nhưng so với đầu năm cũng chỉ tăng vỏn vẹn 1,4%.
Theo đó, tổng dư nợ cho vay của “big 4” này chiếm tỷ trọng xấp xỉ đến 45% tổng dư nợ toàn ngành, nên biến động của nhóm này có ảnh hưởng vượt trội lên tăng trưởng của toàn ngành. Do đó, với dư nợ của Vietcombank và có thể là cả Agribank chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn, rõ ràng đã phần nào kìm hãm mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Tuy nhiên, trong bối cảnh triển vọng nền kinh tế không mấy khả quan, chính sách kiểm soát hoạt động cho vay chặt chẽ hơn để phòng ngừa rủi ro cũng là điều dễ hiểu.
Một yếu tố khác cũng đã ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành là số dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các ngân hàng đang nắm giữ. Theo quy định, cùng với dư nợ cho vay khách hàng, TPDN mà các tổ chức tín dụng mua, đầu tư cũng được tính vào số dư nợ tín dụng của ngân hàng. Trong bối cảnh các doanh nghiệp tích cực mua lại trái phiếu trước hạn trong thời gian qua, số dư TPDN mà các ngân hàng nắm giữ cũng đã suy giảm. Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị TPDN đã được mua lại trước hạn trong 10 tháng đầu năm 2023 là hơn 192.000 tỉ đồng.
Nhìn vào số liệu chứng khoán đầu tư của 27 ngân hàng trên, có đến 13 ngân hàng ghi nhận sụt giảm dư nợ TPCP so với đầu năm. Ngoài lượng trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng khác, nhiều ngân hàng trong số này cũng chứng kiến số dư TPDN đang nắm giữ suy giảm. Đơn cử như MBBank giảm 6.200 tỉ đồng TPDN so với đầu năm; TPBank giảm hơn 5.700 tỉ đồng; BIDV giảm 4.200 tỉ đồng; VIB giảm 1.000 tỉ đồng; Vietcombank giảm 822 tỉ đồng…
Đối với nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, vốn có thế mạnh về cho vay xuất nhập khẩu, cho vay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tăng trưởng tín dụng có thể cũng bị ảnh trong bối cảnh hoạt động thương mại từ đầu năm đến nay vẫn đang suy giảm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dù nền kinh tế ghi nhận xuất siêu 24,6 tỉ đô la Mỹ trong 10 tháng qua, nhưng tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn đang sụt giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cuối cùng, trước xu hướng nợ xấu cho vay tiêu dùng tăng nhanh trong thời gian qua, các công ty tài chính một mặt phải tăng cường thu hồi nợ xấu, mặt khác phải kiểm soát cho vay chặt chẽ hơn. Điều này cũng có thể làm giảm quy mô tín dụng của nhóm tổ chức tín dụng phi ngân hàng này, góp phần ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành.
Triệu Minh
TBKTSG
|