Thứ Hai, 13/11/2023 15:35

Cung cầu thị trường bất động sản đang mất cân đối lớn, làm cách nào tháo gỡ?

Sáng ngày 13/11/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, triển khai Công điện 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

* Gói tín dụng 120,000 tỷ đồng: Khó khăn lớn nhất là nguồn cung còn hạn chế

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN chia sẻ thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Riêng năm 2023, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, gần đây nhất là Công điện 993 để tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

50% nhu cầu nhà ở không thể chuyển sang nhu cầu đi vay

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cung cầu của thị trường bất động sản hiện đang mất cân đối rất lớn.

Nguồn cung chủ yếu ở phân khúc trung cấp và cao cấp, còn phân khúc phục vụ cho người dân có thu nhập thấp lại hạn chế. Theo tổng hợp của NHNN và Bộ Xây dựng, những căn hộ có giá trị dưới 25 triệu đồng/m2 rất ít, chỉ có một vài dự án.

Nếu muốn phát triển thị trường BĐS an toàn, bền vững, đòi hỏi phải có giải pháp về phía cung như có chính sách để tăng cung nhà ở xã hội. Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, bộ ngành có giải pháp triển khai.

Về cầu, cầu vay mua nhà của người có thu nhập thấp hay tư nhân rất thấp. Thu nhập của công nhân thấp, nhất là sau đại dịch COVID-19 càng khó khăn. Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy 50% nhu cầu nhà ở không thể chuyển sang nhu cầu đi vay. Điều này cho thấy nhu cầu nhà ở rất lớn, nhưng nhu cầu vay lại là câu chuyện khác. Vì có người có nhu cầu nhà ở nhưng không đủ điều kiện đi vay, vì thu nhập thấp thì những nhu cầu này phải được giải quyết bằng những cơ chế, chính sách khác. Sắp tới đây, Luật Nhà ở sẽ có những tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho vấn đề này. Những tiêu chí, điều kiện đã được gỡ bỏ, cho phép các doanh nghiệp mua nhà ở cho công nhân ở… những điều này sẽ tạo ra cơ chế chính sách để hỗ trợ nhà ở cho người dân.

Đối với cầu mua nhà, muốn nhu cầu đầu tư tăng trở lại thì phải giải quyết niềm tin của nhà đầu tư. Nếu yếu tố pháp lý giải quyết được thì nhà đầu tư mới yên tâm khi mua nhà, thuận lợi trong việc chuyển nhượng, tính minh bạch của các dự án hay về giá.

Cần giải pháp đồng bộ cung cầu, bộ ngành địa phương cần ưu tiên giải pháp về pháp lý, thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu, nhất là với những dự án nhà ở xã hội, giải ngân, biện pháp về tín dụng, lãi suất.

Các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của NHNN. Bản thân các doanh nhiệp BĐS tiếp tục thực hiện tinh thần theo Nghị quyết 33, các doanh nghiệp cần quản trị doanh nghiệp, cân đối giữa lợi nhuận và giảm giá bán… để khuyến khích nhu cầu đầu tư của thị trường BĐS.

Các kênh khác gặp khó càng tạo áp lực cho vốn tín dụng ngân hàng

Thống đốc cho biết nguồn vốn cho thị trường BĐS đến từ nhiều kênh như FDI, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, huy động trước của  người dân, tín dụng từ ngân hàng. Trong bối cảnh hiện nay, các kênh khác đang gặp khó khăn càng tạo áp lực cho vốn tín dụng từ ngân hàng.

Đối với điều hành tín dụng, NHNN cũng đã điều hành linh hoạt, đề nghị TCTD cân đối nguồn vốn, tiếp tục cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Hạn mức tín dụng của các doanh nghiệp cũng cần rà soát để khuyến khích các doanh nghiệp hiệu quả. Đương nhiên, TCTD khi cho vay dài hạn phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn.

Về quy trình thủ tục, các doanh nghiệp phản ánh còn phức tạp, thời gian thẩm định còn kéo dài. Thống đốc NHNN cho biết bản thân các TCTD cũng có ý kiến giải thích, đề nghị TCTD xem xét, rà soát rút ngắn thời gian phê duyệt tín dụng. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp BĐS phải minh bạch trong hoạt động, hợp tác với TCTD để có sự thống nhất với nhau.

Về lãi suất, mặt bằng lãi suất cho vay mới đã giảm 2%. Mặt bằng lãi suất cũ có giảm nhưng theo các ngân hàng cần theo kỳ hạn của người gửi tiền. Giải thích cho việc vì sao lãi suất các khoản cho vay BĐS dài hạn vẫn còn cao, các ngân hàng cho biết nguồn vốn chủ yếu vẫn từ ngắn hạn và cần tuân thủ các quy định về an toàn vốn.

Mặt bằng lãi suất hiện đã giảm về trước dịch COVID-19, đây là sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, về phía NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp uy tín trong quá trình vay vốn.

Về tài sản đảm bảo, hoàn toàn do TCTD và khách hàng thỏa thuận, không có quy định bắt buộc tất cả khoản vay đều phải có tài sản đảm bảo, hoàn toàn phụ thuộc vào tính khả thi của dự án. Bản thân doanh nghiệp khi vay vốn, chứng minh dòng tiền và khả năng trả nợ là quan trọng nhất.

Giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS lành mạnh, bền vững

Để góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng cần thực hiện các giải pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục xử lý, giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý với lĩnh vực BĐS; phát triển thị trường vốn trung - dài hạn.

Về phía ngành Ngân hàng, thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, cụ thể:

(i) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, NHNN đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

(ii) Tiếp tục chỉ đạo TCTD thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

(iii) Theo dõi, bám sát tình hình triển khai Chương trình 120,000 tỷ đồng để phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân

(iv) Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD.

(v) Tăng cường công tác giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   HDBank đồng hành cùng Agritrade phát triển chương trình “Mỗi xã Một sản phẩm” (OCOP) (13/11/2023)

>   Vì sao tín dụng bất động sản TPHCM tăng trưởng thấp? (13/11/2023)

>   SHB nhận Huân chương Lao động hạng Ba nhân kỷ niệm 30 năm thành lập (13/11/2023)

>   Gói tín dụng 120,000 tỷ đồng: Khó khăn lớn nhất là nguồn cung còn hạn chế (13/11/2023)

>   Có nên luật hóa xử lý 'nợ xấu' ngân hàng? (13/11/2023)

>   Giá USD tăng trở lại (12/11/2023)

>   Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về những nhu cầu vốn không được vay (12/11/2023)

>   [Infographics] Điều kiện cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước (11/11/2023)

>   Vì sao không cần thiết khống chế trần chi phí lãi vay quá 30%? (11/11/2023)

>   Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi, lãi 12 tháng lùi về 5%/năm (10/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật