Mảng màu tương phản trong bức tranh bán lẻ hàng tiêu dùng Trong khi sức mua giảm sút kéo dài, nhiều cửa hàng khắp các nẻo đường ở các thành phố lớn phải đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm thì tại một số trung tâm thương mại (TTTM) vẫn nhộn nhịp khách tham quan, mua sắm và mang lại lợi nhuận cao.
Đáng chú ý, các gian hàng tại các trung tâm mua sắm này luôn được phủ kín bởi các nhãn hàng lớn, thương hiệu có tiếng…
Sau khi nhà bán lẻ Parkson rút lui, chủ đầu tư công trình Hùng Vương Plaza (quận 5, TPHCM) đã tự khai thác và khai trương vào giữa tháng 10-2023 với lượng khách kinh doanh hiện đã phủ kín toàn bộ gian hàng cho thuê tại đây. Ảnh: L. Hoàng |
Trung tâm thương mại vẫn đắt khách?
Sau sự rút lui của nhà bán lẻ Malaysia Parkson, TTTM Hùng Vương Plaza ở quận 5 (TPHCM) được chủ đầu tư lấy lại tự khai thác và cho khai trương vào trung tuần tháng 10 vừa qua đang thu hút sự chú ý của các nhà kinh doanh.
Bởi lẽ toàn bộ diện tích cho thuê với hơn 200 gian hàng tại đây hiện đã được lấp đầy và lần lượt được các nhà kinh doanh, chủ nhãn hàng đưa vào khai thác trong thời gian qua.
Ngoài những tên tuổi khá quen thuộc như CGV Cinemas, California Fitness & Yoga, Starbucks, Haidilao… Hùng Vương Plaza còn thu hút những thương hiệu nổi bật về thời trang, mỹ phẩm: H&M, Mango, G2000, Nike, Adidas…; lĩnh vực ăn uống: Dim Tu Tac, Boat noodles, Chilli Thai, Hokkaido Sachi, Crystal Jade… Hay lĩnh vực vui chơi giải trí có Làng Xì Trum, lĩnh vực giáo dục và sức khỏe: ILA, Wall Street English, VNVC…
Trên thực tế, mô hình kinh doanh tại Hùng Vương Plaza được giới quan sát nhìn nhận có phần tương đồng với Vạn Hạnh Mall (Quận 10) mà ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO đã đầu tư và khai thác khá thành công trong thời gian qua.
Với hơn 5 năm vận hành Vạn Hạnh Mall, ông Nguyên tự tin đã có kinh nghiệm để kinh doanh TTTM mới trên vị trí mà thương hiệu ngoại đã thất bại. Đặc biệt trong bối cảnh sức mua giảm sút hiện nay, nhưng với quy mô 55.000m2, Vạn Hạnh Mall đã chứng tỏ kinh doanh rất hiệu quả với doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Theo đó, năm nay, Vạn Hạnh Mall dự kiến đạt doanh thu 450 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 150 tỉ đồng; tương ứng biên lợi nhuận lên đến 33,3% trên doanh thu. Còn Hùng Vương Plaza ước doanh thu 250 tỉ đồng ngay năm đầu hoạt động.
Trong bối cảnh sức mua sụt giảm mạnh nhưng các TTTM có mô hình kinh doanh tốt, phù hợp với xu hướng tiêu dùng đang thay đổi nhanh thì vẫn thu hút nhiều nhãn hàng và mang lại lợi nhuận tốt. Ảnh minh họa: L. Hoàng |
Không riêng Vạn Hạnh Mall, gần đây Công ty cổ phần Vincom Retail thuộc VinGroup cũng công bố lãi đậm nghìn tỉ đồng. Tổng doanh thu thuần hợp nhất quí 3 của Vincom Retail đạt 3.333 tỉ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước nhờ ghi nhận doanh thu bàn giao bất động sản trong kỳ, trong khi hoạt động kinh doanh TTTM tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Cụ thể, Vincom Retail đã hoàn tất bàn giao 268 căn nhà phố thương mại tại dự án Quảng Trị và Điện Biên cho khách hàng, đóng góp 1.304 tỉ đồng (tương đương 39%) vào tổng doanh thu. Hoạt động kinh doanh TTTM ghi nhận doanh thu 1.988 tỉ đồng, đóng góp 60% vào tổng doanh thu và tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Vincom Retail ghi nhận 1.317 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quí vừa qua, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng 2023, doanh thu thuần của Vincom Retail đạt 7.449 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.341 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 43% và 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, Vincom Retail tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các tài sản hiện hữu, gồm 83 TTTM tọa lạc tại các vị trí trung tâm trên khắp 44 tỉnh thành của Việt Nam.
Chăm chút và mang sự hài lòng… đến ‘thượng đế’
Tương tự, khác với vẻ yên ắng tại các cửa hàng trên các con phố sầm uất hoặc ở các trung tâm mua sắm ở các quận trung tâm TPHCM, tại Aeon Mall Tân Phú Celadon luôn nhộn nhịp lượng khách tham quan, mua sắm.
Vào những ngày cuối tuần hoặc lễ hội thì nơi đây với diện tích thương mại và dịch vụ rộng hơn 116.000 m2 dường như bị chật chội bởi lượng khách đến đông nghẹt. Đáng chú ý, tổng diện tích cho thuê với khoảng 84.000 m2 tại đây lấp đầy bởi các thương hiệu.
“Có rất nhiều cửa hàng ở ngoài phố và một số TTTM phải đóng cửa vì sức mua yếu, nhưng tại Aeon thì không có tình trạng đóng cửa hay giảm giờ kinh doanh”, ông ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban giám đốc Điều hành phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, chia sẻ.
Đáng chú ý, vào năm ngoái – năm đánh dấu việc “bình thường hoá” sau ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 hoành hành, Aeon Việt Nam vẫn ghi nhận doanh thu kỷ lục, tăng 20% so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Và từ đầu năm đến nay, dù thị trường suy giảm do khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và xuất khẩu, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhưng tại Aeon Mall Tân Phú Celadon lượng khách đến tham quan mua sắm vẫn tiếp tục tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mô hình “One-Stop Shopping” của Aeon Mall Tân Phú Celadon cũng thu hút nhiều khách tham quan và mua sắm. Ảnh: L. Hoàng |
Theo chia sẻ của chị Thu Hiền, vợ chồng chị thường đưa các con đến Aeon Mall Tân Phú Celadon vui chơi và mua sắm vì loại hình TTTM trọn gói “One-Stop Shopping”, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu cả chị và các thành viên trong gia đình. Từ các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng hằng ngày trong khu vực siêu thị, đến các quầy hàng thời trang cho cả người lớn và trẻ em, cũng như các vật dụng gia đình và có cả các khu vực vui chơi, giải trí, ẩm thực đáp ứng được sự thay đổi trong phong cách sống của khách hàng.
Tương tự với Aeon Mall, Hùng Vương Plaza hiện nay có diện mạo hoàn toàn mới, mang đến một không gian mua sắm tiện nghi, một địa điểm ăn uống, vui chơi thú vị cùng một địa điểm học tập, thể thao và chăm sóc sức khỏe thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của mọi thành viên trong gia đình trong hầu hết các ngày trong năm.
Ông Lương Quang Hiển, Giám đốc điều hành TTTM Hùng Vương Plaza, chia sẻ: “Với thiết kế hiện đại, nổi bật và chỉn chu trong từng đường nét, kết hợp với sự đồng hành của rất nhiều thương hiệu hàng đầu trong hầu hết các lĩnh vực, chúng tôi kiến tạo Hùng Vương Plaza thành một điểm đến lý tưởng phù hợp với nhu cầu của khách hàng từ ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm, học tập và thể thao hàng đầu không chỉ tại khu vực quận 5 nói riêng mà cả TPHCM nói chung”.
Mô hình này cũng được phát triển tương tự tại Vạn Hạnh Mall. Để thu hút khách hàng và thành công, theo các chuyên gia bán lẻ, các trung tâm mua sắm cần đáp ứng đầy đủ các nhu cầu giải trí như khu vui chơi trong nhà, phòng tập gym, các khu vực trưng bày và kinh doanh mỹ phẩm, rạp chiếu phim,… Tất cả những yếu tố này tạo nên hình ảnh một trung tâm mua sắm hiện đại, đáp ứng mọi nhu cầu ăn – chơi – thưởng thức.
Và để không bị lép vế trước sự lên ngôi của xu hướng mua sắm online, các trung tâm mua sắm lớn đã liên tục đổi mới và sáng tạo cũng như nỗ lực trang trí cho mỗi dịp lễ hội như ngày Quốc khánh, giáng sinh, hay tết cổ truyền… để phục vụ cho nhu cầu lưu lại khoảnh khắc của khách tham quan.
Việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí…tại các TTTM cũng thu hút khách tham quan, mua sắm. Ảnh: L.Hoàng |
Tương tự, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, cho rằng trong tình hình khó khăn, khách hàng càng cân nhắc và lựa chọn những trải nghiệm tốt khi mua sắm. “Chúng tôi sẽ chăm chút từng dịch vụ và tiếp tục tập trung nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Chẳng hạn, hiện nhiều gia đình dành thời gian cùng nhau và sẽ tạo điều kiện cho các em nhỏ vui chơi nên tại Aeon, chúng tôi đẩy mạnh dịch vụ phục vụ cả gia đình và trẻ em. Đơn cử như khu trò chơi trẻ em (Aeon Fantasy) đang kinh doanh rất tốt…”, ông Furusawa Yasuyuki nói.
Dù nhận định tình hình kinh doanh đang rất khó khăn, nhưng lãnh đạo Aeon Việt Nam vẫn đặt kỳ vọng kết thúc năm nay có doanh thu cao hơn hoặc ít nhất là bằng năm ngoái, năm mà nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản này có kết quả kinh doanh khá tốt.
Cửa hàng mặt phố đìu hiu, trung tâm thương mại nhộn nhịp
Có thể nhìn thấy một thực tế rằng sức mua sụt giảm kéo dài dẫn đến thị trường bán lẻ đang chứng kiến hàng loạt cửa hàng nối đuôi nhau đóng cửa, mặt bằng tại các tuyến phố kinh doanh sầm uất liên tục treo biển cho thuê nhưng không có khách.
Tình hình này cũng diễn ra tương tự ở các TTTM khác thuộc khu vực trung tâm thành phố lớn trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” vì kinh tế khó khăn, nhiều người bị giảm thu nhập và thậm chí mất việc. Đáng chú ý là những điểm đến mua sắm quen thuộc dần thu hẹp hay trường hợp nhà bán lẻ thời trang và mỹ phẩm nổi danh một thời như Parkson đã đóng gần hết điểm kinh doanh và đi đến công bố làm thủ tục phá sản ở Việt Nam trong thời gian qua.
Trong khi đó thương mại điện tử đang nổi lên và ngày càng tăng trưởng mạnh khiến nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu thuê mặt bằng phố và gian hàng tại TTTM đang sụt giảm, thậm chí là TTTM đã “hết thời”.
Trước những ý kiến này, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO cũng đồng ý là hiện nhu cầu mặt bằng phố đang có xu hướng sụt giảm, tuy nhiên việc thuê gian hàng tại các TTTM của các nhà bán lẻ, nhãn hàng vẫn còn cao. “Tiềm năng TTTM vẫn còn phát triển. Quan trọng chủ đầu tư, nhà vận hành biết cách bố trí, vận hành và thay đổi theo xu hướng của người tiêu dùng mà thôi”, ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng là họ muốn trải nghiệm nhiều tiện ích, trong khi các cửa hàng phố chỉ kinh doanh chuyên một mặt hàng hay các dòng sản phẩm mà không có các dịch vụ đi kèm cho khách hàng thì rất khó.
Ngoài cung cấp hàng hóa đa dạng, tại các TTTM còn đáp ứng những yêu cầu dịch vụ, vui chơi, ăn uống, thể thao và giáo dục cho khách hàng. Do đó, theo ông Nguyên, các nhãn hàng, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm đến các TTTM để kinh doanh cũng như quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp mình. “Họ không chỉ tiếp cận được khách hàng của riêng họ mà còn có cơ hội đón những khách hàng của doanh nghiệp khác”, ông Nguyên nói.
Ngoại trừ các TTTM lớn của nhà bán lẻ nước ngoài hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp, có thu nhập cao vốn chiếm số lượng ít ở nền kinh tế gần 100 triệu dân, thì theo ông Tổng giám đốc Kido, phân khúc TTTM tầm trung vẫn là cơ hội tốt và chiếm đa số trên thế giới trong cuộc chơi bán lẻ.
Các nhãn hàng, thương hiệu vẫn chọn TTTM để mở cửa hàng kinh doanh và quảng bá sản phẩm. Ảnh: L. H |
“Sắp tới cửa hàng trên phố sẽ ngày càng giảm, khi người dân có xu hướng mua sắm ở TTTM nhiều hơn”, ông Nguyên nói, và lý giải: “Tiện nghi, có chỗ để xe, thậm chí trời mưa thì đi TTTM vẫn thoả mái hơn là mua sắm trên phố. Và thực tế các nhãn hàng hiện nay khảo sát đều muốn vào TTTM nhiều hơn”.
Điều này cũng phần nào lý giải thời trang Uniqlo phần lớn cũng chọn các TTTM để mở cửa hàng kinh doanh. Đến nay, chỉ sau 4 năm thành lập, thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản này đã mở 22 cửa hàng rộng lớn tại các TTTM ở các thành phố lớn và đang tiếp tục nhận rộng điểm bán.
Còn Aeon cho biết đã chuẩn bị vốn để mở rộng kinh doanh nhằm đạt 16 TTTM vào năm 2025 so với 6 TTTM hiện nay, song song với việc mở rộng chuỗi cửa hàng, siêu thị.
Trong khi đó, nhà bán lẻ đến từ Thái Lan Central Retail ở Việt Nam sở hữu mạng lưới hơn 340 TTTM và cửa hàng, hiện diện trên 40 tỉnh và thành phố lớn, tổng diện tích bán lẻ lên đến hơn 1,2 triệu mét vuông, và kế hoạch mở rộng đầu tư của Central Retail vấn đang tiếp tục được đẩy mạnh.
Hồi đầu năm nay, Central Retail công bố sẽ rót thêm 1,45 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam cho mục tiêu tăng gần gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600 vào năm 2027, tham vọng trở thành nhà bán lẻ đa kênh dẫn đầu ngành thực phẩm và số 2 mảng bất động sản TTTM tại Việt Nam vào năm 2027.
Trong chiến lược sắp tới, Tập đoàn Kido cho biết sẽ tiếp tục phát triển thêm TTTM trung cấp (Hạng B+), theo mô hình Vạn Hạnh Mall và Hùng Vương Plaza. Theo ông Nguyên, mô hình này phù hợp với nhiều người tiêu dùng, và đáng chú ý mô hình này có chi phí mặt bằng thuê thấp hơn khá nhiều so với các TTTM cao cấp sẽ giúp nhà kinh doanh, nhãn hàng dễ dàng tiếp cận và mang lại lợi nhuận hơn. Ông Nguyên cho biết công ty đang được nhiều chủ dự án bất động sản đặt vấn đề cho thuê mặt bằng vì họ không khai thác được.
Các chuyên gia phát triển thương hiệu nhận định, các thương hiệu, nhãn hàng lớn vẫn đang mở rộng tại thị trường Việt Nam trước triển vọng tích cực của thị trường bán lẻ, tốc độ tăng trưởng dân số ổn định, thu nhập đang tăng cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế…Và các TTTM sẽ là điểm đến của họ.
Xâm nhập và mở rộng kênh bán hàng trực tuyến
Bên cạnh phát triển thêm điểm bán, các nhà đầu tư, vận hành TTTM cho biết họ đồng thời đẩy mạnh kênh bán hàng online, thậm chí là tổ chức các chương trình livestream bán hàng.
Ông Trần Lệ Nguyên cũng chia sẻ thêm trong thời gian tới các TTTM sẽ đẩy mạnh bán hàng Online. Cụ thể vào cuối tuần vừa qua, tại Hùng Vương Plaza, KIDO đã công bố dự án Entertainment & E-commerce (E2E) trên nền tảng TikTok, đặt mục tiêu trở thành kênh thương mại giải trí, review ẩm thực, thời trang…, kích hoạt tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng social.
Nền tảng E2E ra đời nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với lượng lớn khách hàng và giúp người dùng có trải nghiệm tốt về mặt cảm xúc và dịch vụ sản phẩm. Cụ thể, E2E đây là nơi đăng tải những video review thời trang, ẩm thực, trải nghiệm sản phẩm; xuyên diễn ra các hoạt động trình diễn giải trí chuyên nghiệp cùng những video giải trí độc quyền qua sự kết hợp giữa E2E cùng những Tập đoàn truyền thông, giải trí…
Đại diện Aeon Việt Nam cũng cho rằng với những tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch đầu tư một cách chọn lọc để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh mở rộng địa điểm kinh doanh, Aeon sẽ tăng cường chuyển đổi số từ kênh thương mại điện tử, hệ thống tích điểm chung đến thanh toán không tiền mặt/tiền điện tử.
Uniqlo và các nhà bán lẻ khác dù tiếp tục đẩy mạnh đầu tư điểm kinh doanh nhưng vẫn đồng thời phát triển kênh bán hàng online để thu hút người dùng.
|
Hùng Lê TBKTSG
|