Ngành nông nghiệp đang từng bước hình thành kho dữ liệu lớn, bởi đây là nền tảng cho công tác số hoá phân tích và dự báo thị trường nông sản. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị cho nông sản Việt.
Tại Việt Nam, sản xuất nông nghiệp là thế mạnh, đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực và tăng trưởng xuất khẩu. 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 43,08 tỷ USD. Năm nay, ngành nông nghiệp dự báo sẽ thu về 53-55 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu nông lâm thuỷ sản.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần chỉ ra thực trạng ngành nông nghiệp vẫn mù mờ về thông tin dẫn đến tình trạng ngắt quãng cung cầu, người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường mù mờ về năng lực sản xuất, cơ quan quản lý cũng mù mờ về những câu chuyện này.
Dữ liệu chung là khâu tiền đề để dự báo thị trường nông sản, góp phần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ định hướng phát triển sản xuất. Nhưng, nhiều năm nay chúng ta vẫn thu thập thông dữ liệu thủ công, phân tán, thiếu kết nối. Thế nên, giá nông sản bấp bênh, cung cầu không cân đối và rất nhiều lần phải kêu gọi “giải cứu”.
Cơ sở dữ liệu của ngành trồng trọt đang được xây dựng. |
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chuyển đổi số sẽ giúp ngành nông nghiệp xoá dần tình trạng mù mờ. Theo đó, ứng dụng công nghệ số trong xây dựng kho dữ liệu lớn là tiền đề để minh bạch thông tin, phân tích dự báo chính xác xu hướng thị trường, giá cả nông sản... sau đó quay lại tổ chức sản xuất sao cho phù hợp, đảm bảo cân bằng cung - cầu.
Để xây dựng kho dữ liệu lớn, năm 2022, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi. Bởi, có dữ liệu cơ quan quản lý mới nhìn thấy được các đối tượng quản lý, mô hình tổ chức, tối ưu hoá vận hành, từng bước thông minh hoá trí tuệ nhân tạo.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đây sẽ là nền tảng quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, tổ chức phát triển chăn nuôi theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.
Đồng thời, là nền tảng giúp kết nối, chia sẻ thông tin chủ động hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người chăn nuôi. Hệ thống sẽ giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin về cơ sở chăn nuôi, tổng đàn, sản lượng, sản phẩm, thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp theo, ngành nông nghiệp sẽ đưa vào vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt, tạo sự kết nối chủ động, chia sẻ thông tin hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt. Từ đó, khai thác cơ sở dữ liệu cho các mục đích khác nhau như: xây dựng chính sách, chỉ đạo sản xuất, điều tiết, kết nối cung cầu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dự tính, dự báo, theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản...
Từ kho dữ liệu lớn có thể phân tích và dự báo được thị trường nông sản. |
Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, đây là cơ sở quan trọng giúp ngành trồng trọt ổn định sản lượng, kiểm soát chất lượng, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Dựa trên nền tảng này có thể phân tích, dự báo tình hình thị trường các sản phẩm nông sản chủ lực và sớm nhận diện các sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn.
Để tạo thuận tiện trong quá trình hoạt động, ngoài website, Cục Trồng trọt đã phối hợp với VNPT xây dựng app trên điện thoại để các đơn vị có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, khai thác thông tin, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhìn nhận, việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cập, quản lý mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong việc định danh nông sản Việt, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường trong và ngoài nước, mang lợi ích cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Cùng với đó, hệ thống đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người nông dân. Điển hình như theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm tại nguồn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng; hỗ trợ, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác.
Hiện, dữ liệu trên hệ thống VNPT AIMS được đồng bộ liên tục, kết nối trực tiếp với các hệ thống quản lý chuyên ngành, trung tâm giám sát điều hành ngành nông nghiệp, giúp cơ quan quản lý giảm bớt thời gian thu thập, báo cáo, thống kê số liệu của ngành theo từng lĩnh vực, hỗ trợ ra quyết định kịp thời và chính xác.
Thông qua VNPT AIMS, các bộ ban ngành liên quan có thể quản lý toàn diện tất cả các lĩnh vực ngành nông nghiệp, đánh giá được tình hình quản lý và nắm được các thông tin chính xác về cây trồng, vật nuôi, thủy sản, dịch bệnh, kỹ thuật, sản xuất, mùa vụ,... một cách tổng quan, từ đó đưa ra những định hướng để đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, 9 tháng năm 2022, Bộ NN-PTNT đã triển khai thực hiện 43/51 nhiệm vụ trọng tâm được giao trong Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ trong năm 2023, liên quan đến nhận thức số, hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số... Ví như, lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thú y đã triển khai phát triển và hoàn thiện dữ liệu lớn của ngành.
Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh xây dựng kiến trúc dữ liệu và truy xuất nguồn gốc. Đây là cơ sở để đồng bộ hóa các cơ sở dữ liệu hiện có và tiến tới chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu trong tương lai.