Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nguyên nhân chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm không đạt kỳ vọng
Lý giải nguyên nhân khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% không đạt kỳ vọng, Kiểm toán Nhà nước cho biết nhiều ngân hàng thương mại chưa chủ động, tích cực triển khai chính sách. Trong đó, có ngân hàng dù đã rà soát được hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng số tiền hỗ trợ bằng “0”...
Ảnh minh họa
|
Trong bối cảnh nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước, ngày 11/01/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Sang năm 2023, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tiến hành một số cuộc kiểm toán liên quan đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của chương trình này.
Miễn giảm gần 110 ngàn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí cho người dân, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới bằng VND giảm hơn 1%/năm
Sau gần 02 năm triển khai, KTNN cho biết tính đến hết tháng 09/2023, tổng số thuế, phí, lệ phí đã miễn, giảm lũy kế thực hiện theo các chính sách thuộc chương trình là 109,843 tỷ đồng trên mục tiêu 64,000 tỷ đồng (năm 2022 là 60,243 tỷ đồng, 09 tháng năm 2023 là 49,600 nghìn tỷ đồng), tỷ lệ thực hiện miễn giảm bằng 171% dự kiến khi xây dựng Chương trình, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao.
Về giảm lãi suất cho vay, trong gần 9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9/2022, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu neo ở mức cao, đồng USD tăng giá mạnh, tạo sức ép lên lạm phát, NHNN đã điều chỉnh tăng 0.8-2%/năm trong tháng 9 và 10/2022.
KTNN đánh giá đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung tăng lãi suất trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0.5-2.0%/năm. Đồng thời đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đến nay, lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm (lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 1.0%/năm so với cuối năm 2022).
Kết quả chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm thực hiện ở mức rất thấp so với kế hoạch
Bên cạnh những kết quả đạt được, KTNN cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/NĐ-CP (hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40 nghìn tỷ đồng) thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Cụ thể, KTNN cho biết sau gần 03 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn chưa như kỳ vọng, vẫn còn ý kiến phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về nhiều khó khăn khi tiếp cận chính sách.
Theo đó, đến ngày 31/12/2022, chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/NĐ-CP không đạt mục tiêu, kết quả thực hiện còn rất thấp so với kế hoạch đề ra, số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 134 tỷ đồng đạt 0.8%/tổng số hạn mức hỗ trợ lãi suất đã đăng ký và được phê duyệt, đạt 0.84% kế hoạch của năm 2022 (16,034.9 tỷ đồng). Đến ngày 31/03/2023, số tiền lũy kế hỗ trợ lãi suất là 332.5 tỷ đồng, đạt 0.83% (đến cuối tháng 7/2023 theo Báo cáo số 432/BC-CP số tiền hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 681 tỷ đồng, tương đương 1.7%) nguồn lực bố trí thực hiện chính sách.
Kết quả, năm 2022, có 15/44 NHTM không hỗ trợ lãi suất (Oceanbank, GPBank, CBBank, Bac A Bank, Bao Viet Bank, SCB, Viet A Bank, Dong A Bank, Ngân hàng TNHH MTV Hong Leong Việt Nam, Woori Việt Nam, liên doanh Việt Nam. Riêng NH Standard Chartered Việt Nam đến 31/12/2022 có phát sinh dư nợ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng chưa phát sinh số tiền hỗ trợ lãi suất do chưa đến kỳ trả lãi). Ngoài ra, 14/44 NHTM hỗ trợ lãi suất dưới 01 tỷ đồng.
Theo KTNN, bên cạnh một số nguyên nhân khách quan do “tâm lý e ngại về hồ sơ thủ tục hậu kiểm của khách hàng” hay việc khách hàng gặp khó khăn về chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với trường hợp khách hàng kinh doanh đa ngành nghề,... thì còn một số nguyên nhân chủ quan từ phía các NHTM khi chưa chủ động, tích cực triển khai chính sách.
Qua số liệu thống kê các NHTM báo cáo NHNN cho thấy có 13 NHTM không rà soát, thống kê được số hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo đánh giá chủ quan dẫn đến không triển khai chính sách hiệu quả, điển hình như Viet A Bank, SCB, CBBank, Bac A Bank...
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số ngân hàng rà soát có hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng thực tế số tiền hỗ trợ lãi suất lại bằng “0” như Bac A Bank, GP Bank…
Mặt khác, một số ngân hàng thương mại tự rà soát số lượng khách hàng thuộc đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất tương đối lớn nhưng kết quả hỗ trợ lãi suất lại rất thấp cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách còn hạn chế.
“Công tác triển khai hỗ trợ lãi suất của một số ngân hàng thương mại còn chậm, chưa hiệu quả do ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ chậm; công tác truyền thông chưa được chú trọng, không đẩy mạnh truyền thông sâu rộng đến từng khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất”, Kiểm toán Nhà nước đánh giá.
Khang Di
FILI
|