Thứ Sáu, 24/11/2023 09:11

CASA cải thiện, tiền đang chờ cơ hội từ kênh đầu tư khác?

Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đến từ 2 hoạt động chính của khách hàng là giao dịch hàng ngày và giao dịch phục vụ nhu cầu đầu tư.

Dữ liệu từ VietstockFinance ghi nhận, tính đến cuối quý 3, tổng lượng tiền gửi không kỳ hạn tại 28 ngân hàng đạt gần 1.74 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Có thể thấy, lượng tiền gửi không kỳ hạn đã quay trở lại tài khoản ngân hàng khi tăng trưởng liên tục qua từng quý.

Có 14/28 ngân hàng tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) so với đầu năm, với tốc độ bình quân 18%. SeABank (SSB) là ngân hàng tăng trưởng cao nhất với 23,623 tỷ đồng, gấp 2.2 lần đầu năm. Kế đến là VPBank (VPB) tăng 38%, thu hút được 69,166 tỷ đồng. Theo sau là OCB (+22%, 13,242 tỷ đồng), SHB (+14%, 29,313 tỷ đồng) và Vietbank (VBB, +10%, 5,679 tỷ đồng).

Xét về số tuyệt đối, các ngân hàng quốc doanh vẫn dẫn đầu về lượng tiền gửi không kỳ hạn. Vietcombank (VCB) đứng đầu hệ thống khi thu hút được 397,458 tỷ đồng, dù giảm nhẹ 1% so với đầu năm. Kế đến là BIDV (BID, 281,771 tỷ đồng), VietinBank (CTG, 255,259 tỷ đồng).

MB tiếp tục dẫn đầu trong nhóm tư nhân với 161,141 tỷ đồng, mức này đã giảm 3% so với đầu năm. TCB ghi nhận 130,936 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, tăng 6%.

Tính đến cuối quý 3, có 16/28 ngân hàng có tỷ lệ CASA hồi phục so với quý 2, dù phần lớn vẫn chưa cải thiện so với đầu năm.

MB tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ CASA, đạt 33.59% dù tỷ lệ này sụt giảm 0.99 điểm phần trăm so với cuối quý 2 và giảm đến 4.05 điểm phần trăm so với đầu năm.

Luôn là ngân hàng có thế mạnh về CASA, TCB xếp thứ hai với tỷ lệ CASA là 32.01%, giảm nhẹ 0.83 điểm phần trăm so với cuối quý 2 và giảm 2.33 điểm phần trăm so với đầu năm.

CASA của các ngân hàng tính đến cuối quý 3/2023
Nguồn: VietstockFinance

CASA tăng để chờ đợi cơ hội đầu tư khác?

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư quý 3/2023, ông Phùng Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, trong bối cảnh môi trường lãi suất đã bình thường trở lại và thanh khoản hệ thống dồi dào hơn, khách hàng vẫn có xu hướng gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn, vì các cơ hội đầu tư vẫn còn hạn chế, phần lớn là do tâm lý lo ngại về khó khăn tiềm ẩn ở nền kinh tế cả trong và ngoài nước.

Dù lãi suất huy động trong 9 tháng đầu năm liên tục xuống thấp, lượng tiền gửi khách hàng vẫn tiếp tục chảy vào ngân hàng. VietstockFinance ghi nhận tổng lượng tiền gửi khách hàng tại 28 ngân hàng tính đến cuối quý 3 đạt hơn 9.27 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong khi đó, tín dụng chỉ tăng 6%.

Nguồn: VietstockFinance

Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho rằng, động lực tăng trưởng CASA đến từ 2 hoạt động chính của khách hàng là giao dịch hàng ngày và giao dịch phục vụ nhu cầu đầu tư. Hoạt động giao dịch hàng ngày thường là để phục vụ nhu cầu hàng ngày hay những nhu cầu ít thường xuyên hơn như đi du lịch, mua xe, mua nhà…

Loại giao dịch thứ 2 tác động CASA là phục vụ nhu cầu tích lũy, đầu tư, dùng nguồn tiền nhàn rỗi để tối ưu hóa tài sản. Đối với hoạt động này, động lực tăng trưởng CASA bị tác động bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh như lãi suất hay biến động thị trường chứng khoán, trái phiếu… Do vậy, trong bối cảnh chung thị trường khó khăn, các kênh đầu tư chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy đầu tư dẫn tới CASA toàn ngành sụt giảm.

Tuy nhiên, về dài hạn, nếu nhìn vào triển vọng nền kinh tế trong năm 2024, cộng với kỳ vọng thúc đẩy đầu tư công, đóng góp của các dòng vốn FDI… cùng với hoạt động chung của Chính phủ thúc đẩy thị trường bất động sản, cho nên trong dài hạn, tỷ lệ CASA được dự báo sẽ đi lên.

Tỷ lệ CASA cuối quý 3 tiếp tục cải thiện
Nguồn: VietstockFinance

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) đánh giá, CASA cải thiện vào cuối quý 3, cho thấy người dân bắt đầu rút tiền tiết kiệm ra. Điều này cũng đồng nghĩa là nhà đầu tư để tiền trong tài khoản thanh toán nhiều, mong chờ những kênh đầu tư khác có tín hiệu để đầu tư trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ở mức quá thấp.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   TPHCM đã giải ngân được 474 tỷ trong gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực lâm, thủy sản (24/11/2023)

>   Nên giúp khách hàng 'sống sót' để trả nợ! (24/11/2023)

>   'Xác định ông chủ thực mới ngăn được sở hữu chéo, thao túng ngân hàng' (23/11/2023)

>   NAPAS vinh danh Sacombank với 3 giải thưởng (23/11/2023)

>   Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Hoàn thiện khung pháp luật để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo (23/11/2023)

>   Bất cập Thông tư 06: Cần sàng lọc kỹ càng, lắng nghe ý kiến người dân và DN! (23/11/2023)

>   MB nhận giải thưởng uy tín nhờ trợ lực doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh (23/11/2023)

>   Ngân hàng rao bán tài sản được Shark Tam Asanzo tự nhận đầu tư (23/11/2023)

>   HDBank nhận giải thưởng Quản trị doanh nghiệp (22/11/2023)

>   Hãy để tiền sinh ra khi ta ngủ (25/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật