Giá heo quý 3 lao dốc, nhóm chăn nuôi lao đao
Đa phần các doanh nghiệp chăn nuôi heo trong quý 3 chứng kiến kết quả giảm sâu so với cùng kỳ khi giá thịt heo tại Việt Nam đi xuống vì nhiều nguyên nhân. Tuy vậy, vẫn có những tín hiệu cho thấy giông bão dần qua.
Theo báo cáo từ VCBS, đến thời điểm cuối tháng 09/2023, giá thịt heo tại Việt Nam dao động trong khoảng 56,000 – 58,000 đồng/kg.
Mức giá này so với cuối quý trước đã giảm 6%, từ vùng 60,000 đồng/kg. Có 3 nguyên nhân được xác định: do tồn kho gia tăng, diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến lượng heo chạy dịch ra thị trường tăng, và nguồn heo nhập lậu từ Campuchia và Thái Lan với giá rẻ hơn vẫn tràn vào Việt Nam.
Trong khi đó, chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao và đi ngang từ đầu quý 3/2023. So với tháng trước, giá các loại thức ăn chăn nuôi hầu như tăng nhẹ từ 0.4-4.3%. Giá các loại ngũ cốc tăng nhẹ khoảng 4-5% so với cùng kỳ, giá các loại thức ăn tổng hợp giảm nhẹ khoảng 0.3-5.3%.
Giá heo giảm, chi phí neo cao đã kéo lợi nhuận của nhóm chăn nuôi heo giảm sâu trong quý 3. Thống kê từ VietstockFinance cho thấy, trong số 8 doanh nghiệp mạnh về chăn nuôi, có đến 5 cái tên báo lãi giảm, 2 doanh nghiệp thua lỗ, và chỉ 1 doanh nghiệp báo lợi nhuận tăng trưởng.
Các chỉ tiêu kinh doanh của nhóm chăn nuôi heo trong quý 3
|
Dabaco (HOSE: DBC) là cái tên lao dốc lợi nhuận mạnh nhất quý 3. Trong kỳ, ông lớn ngành chăn nuôi chỉ có được gần 13 tỷ đồng lãi ròng, “bốc hơi” tới 94% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là chỉ mới quý trước, Doanh nghiệp báo lãi khủng tới 327 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính khiến Dabaco lao đao là vì giá heo hơi sụt giảm trong quý 3, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn neo cao. Bên cạnh đó, việc không còn doanh thu từ bất động sản (đã ghi nhận hết doanh thu từ dự án Parkview trong quý 2) cũng khiến kết quả của ông lớn ngành chăn nuôi giảm sâu.
Dabaco chứng kiến lợi nhuận giảm sâu trong quý 3 |
|
Cùng vì giá heo sụt giảm, “Heo ăn chay” BAF trải qua tình cảnh tương tự, kết thúc quý 3 với 39 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm 75% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, 2 doanh nghiệp đều cho rằng kết quả này đã có sự khởi sắc. Dabaco nhận định kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi trong tập đoàn đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ. Nguyên nhân gây ra sự chênh lệch cũng nằm ở việc cùng kỳ có ghi nhận doanh thu kèm lợi nhuận của hoạt động kinh doanh bất động sản.
Với BAF, dù lợi nhuận ròng giảm mạnh nhưng so với 2 quý liền trước, Doanh nghiệp đã cho thấy dấu hiệu phục hồi khi lãi ròng quý 3 gấp hơn 3 lần lãi bán niên năm nay (12 tỷ đồng). Đáng chú ý, quy mô đàn tăng mạnh do nhiều trang trại mới đưa vào vận hành. Tính đến cuối tháng 9, BAF ghi nhận tổng đàn 300 ngàn con, lượng heo thương phẩm đạt 720 ngàn con, tương ứng tăng 30% và 50% so với đầu năm.
Không quá ảm đạm, HAG của bầu Đức lãi ròng 320 tỷ đồng trong quý 3, giảm 11% so với cùng kỳ. Tuy vậy, số tiền ấy không tới từ “Heo ăn chuối”, mà nhờ khoản lợi nhuận khác gần 127 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 5 tỷ đồng) nhờ thanh lý tài sản cố định. Theo nghị quyết công bố vào cuối tháng 9, số tiền này nhiều khả năng đến từ việc thanh lý, chuyển nhượng khách sạn Hoàng Anh Gia Lai.
Trong khi đó, doanh thu từ heo của HAG trong kỳ ghi nhận giảm 9%, còn 491 tỷ đồng, giá vốn bật tăng 6%.
HAG nhận kết quả tốt trong quý 3 phần lớn từ việc thanh lý, chuyển nhượng tài sản |
|
Masan MeatLife (UPCoM: MML) tuy thua lỗ, nhưng là trường hợp tương đối đặc biệt. Trong quý 3, MML đạt hơn 1.9 ngàn tỷ đồng doanh thu (tăng 47%), lãi gộp hơn 353 tỷ đồng (gấp gần 3 lần cùng kỳ), nhưng phải chịu lỗ ròng 72 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 94 tỷ đồng).
Việc doanh thu gia tăng của MML do doanh thu của Masan Jinju sau khi đã nắm quyền kiểm soát từ cuối năm 2022 theo hợp đồng cho vay hoán đổi. Chính nhờ doanh thu cộng thêm này, MML mới giảm được lỗ trong kỳ.
Mảng nông nghiệp của HPG là trường hợp duy nhất báo tăng trưởng lợi nhuận trong quý 3. Mảng này đạt 156 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 57% so với cùng kỳ.
Tia sáng dịp Tết về?
Theo VCBS, tuy giá heo hơi có xu hướng giảm trong tháng 8, giá heo giống vẫn tiếp tục tăng nhẹ bình quân khoảng 0.6% trong quý 3. Tổng đàn đang có xu hướng sụt giảm, giá heo giống tiếp tục tăng cho thấy người chăn nuôi đang rục rịch tái đàn trở lại khi giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu ổn định hơn và kỳ vọng nhu cầu thịt heo sẽ hồi phục trở lại trong Tết Nguyên đán. Tuy vậy, do Tết Nguyên đán năm nay đến muộn, nên nhu cầu thịt heo có khả năng sẽ tăng rõ rệt hơn ở tháng 01/2024. Hiện tại, nhu cầu về thịt heo vẫn tăng nhưng biến động không rõ ràng.
Liệu dịp lễ hội cuối năm có phải là tia sáng cho các doanh nghiệp chăn nuôi heo?
|
Thực tế, 2 ông lớn trong ngành là Dabaco và BAF đều công bố các số liệu khả quan về tổng đàn. Dabaco cho biết, dự án trang trại heo ở Thanh Hóa đã giải ngân được khoảng 85.1%, trang trại mới sẽ nuôi thêm 5,000 heo bố mẹ và 1,200 heo ông bà, nâng công suất sản xuất thịt heo lên 78,000 tấn/năm (tăng 30% so với cùng kỳ). Dự kiến, đàn heo sẽ đem về doanh thu gần 4.4 ngàn tỷ đồng trong năm nay.
BAF tiết lộ ghi nhận sản lượng heo bán ra gần 77 ngàn con, với heo thịt chiếm 71%. Lũy kế 9 tháng, lượng heo thương phẩm cho ra thị trường là 210 ngàn con (61% là heo thịt). Đáng chú ý, quy mô đàn tăng mạnh do nhiều trang trại mới đưa vào vận hành. Tính đến cuối tháng 9, BAF ghi nhận tổng đàn 300 ngàn con, lượng heo thương phẩm đạt 720 ngàn con, tương ứng tăng 30% và 50% so với đầu năm.
Trong 3 tháng cuối năm, BAF nhận định nguồn cung heo trên đà sụt giảm dẫn đến giá heo phục hồi. Doanh nghiệp dự kiến giá heo sẽ lên vùng 65,000 đồng/kg khi thị trường bước vào mùa lễ hội cuối năm, qua đó tạo cơ hội tích cực cho kết quả lũy kế năm nay.
Châu An
FILI
|