Đồng Tháp: Gần 185 tỉ đồng bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ Đồng Tháp vừa phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim với mục tiêu năm 2032 nuôi thả 100 cá thể sếu, tổng kinh phí dự kiến gần 185 tỉ đồng UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ra quyết phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏtại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032. Đề án với mục tiêu phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Trong vòng 10 năm (giai đoạn 2022 - 2032), nuôi thả 100 cá thể sếu đầu đỏ với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn Sếu đầu đỏ thả ra sẽ có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim. Trong đó, giai đoạn 2022 đến 2028, tiếp nhận được 30 cá thể sếu đầu đỏ 6 tháng tuổi từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên. Hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim được phục hồi thông qua việc điều tiết nước hợp lý và áp dụng các biện pháp nghiên cứu phù hợp, nhằm phục vụ môi trường sinh sống của Sếu đầu đỏ. Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: HD | Vườn Quốc gia Tràm Chim và vùng đệm trồng lúa | Đến năm 2028 dự kiến có khoảng 200 ha lúa sẽ chuyển sang mô hình sản xuất sinh thái, định hướng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại vùng lân cận thuộc huyện Tam Nông. Trong 5 năm đầu có thể cho Sếu đầu đỏ sinh sản và sống tốt trong điều kiện bên trong và ngoài Vườn Quốc gia Tràm Chim. Giai đoạn tiếp theo, Đồng Tháp tiếp tục đàm phán với Thái Lan để tiếp nhận thêm 30 cá thể Sếu đầu đỏ từ 6 tháng tuổi, dự kiến nuôi sinh sản được khoảng 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu. Đồng thời xây dựng biểu đồ phân bố Sếu sinh sống bên trong và ngoài Vườn Quốc gia Tràm Chim. Cán bộ kỹ thuật của Vườn Quốc gia Tràm Chim có thể tự chăm sóc Sếu đầu đỏ thành công và cho sinh sản, thả về thiên nhiên. Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ còn hướng đến mục tiêu chuyển đổi dần vùng trồng lúa sinh thái thành sản xuất lúa hữu cơ (đạt tiêu chuẩn nội địa hoặc Quốc tế). Phát triển được nguồn thủy sản tự nhiên bản địa dựa trên nền tảng lúa sinh thái - hữu cơ. Đồng thời tăng số hộ tham gia (10 hộ) du lịch sinh thái - ruộng vườn kết hợp với xem Sếu đầu đỏ và các hoạt động liên quan đến sinh thái ruộng vườn. Từ năm 2022 đến này không ghi nhận được sự xuất hiện của Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Đồng Tháp | Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án là gần 185 tỉ đồng từ nguồn vốn chi thường xuyên, đầu tư công và huy động từ các nguồn hợp pháp khác (50,2%). Trong đó chi phí tiếp nhận, nuôi dưỡng, nghiên cứu sinh sản và tái thả hơn 55 tỉ đồng, trang thiết bị cơ sở hạ tầng hơn 51 tỉ đồng. Vườn Quốc gia Tràm Chim có tổng diện tích vùng lõi 7.313 ha, là đại diện cho hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên cuối cùng còn sót lại của đồng Tháp Mười xưa là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Đây là một trong những vùng chim có tầm quan trọng quốc tế của Việt Nam và là nơi kiếm ăn và sinh sống của 232 loài chim, trong đó có 32 loại quý hiếm, 16 loại nằm trong sách đỏ của IUCN, trong đó có Sếu đầu đỏ. Năm 2017, Vườn được công nhận là mạng lưới của đường bay Đông Á - Úc châu, là khu có tầm quan trọng trên thế giới về bảo tồn các loài chim nước di cư Theo thống kê từ năm 2000, lượng Sếu đầu đỏ về Vườn hằng năm giảm mạnh, từ năm 2022 đến nay không còn ghi nhận sự xuất hiện của Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim | HẢI DƯƠNG Pháp luật TPHCM
|