Doanh nghiệp nhỏ 'toát mồ hôi' khi xuất khẩu trực tuyến Niềm tin thương hiệu, rủi ro trong thanh toán quốc tế... là những khó khăn mà doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt khi kinh doanh xuất khẩu trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới Alibaba vừa đưa ra số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, giao dịch TMĐT của các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (SME) Việt Nam trên nền tảng này đã tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng sản phẩm được giới thiệu cũng tăng 24%. Nhiều khó khăn khi tham gia TMĐT xuyên biên giới Tuy vậy, bà Summer Gao, Giám đốc dịch vụ chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á của Alibaba.com, cho biết, DN SME Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong giao thương quốc tế. Đầu tiên là sự cạnh tranh gắt gao từ các đối thủ khác trên sàn do chưa đảm bảo được sự tin tưởng, tin cậy của DN khi giao dịch trên sàn. Ngoài ra, DN Việt đang đối mặt với tính thiếu hiệu quả trong giao thương. Điều này xuất phát từ sự phức tạp của quy trình xử lý đơn hàng truyền thống có thể gây khó khăn cho việc theo dõi tiến độ của toàn bộ quy trình mua bán cũng như đảm bảo việc thu tiền kịp thời. Chưa kể, DN Việt đang nhức đầu trước bài toán thiếu số liệu hoạt động trực tuyến. Trong khi đó, nếu không có dữ liệu giao dịch trực tuyến, các nhà bán hàng SME không thể chứng minh được năng lực kinh doanh nhằm thu hút những người mua chất lượng. “Bên cạnh đó, rủi ro trong thanh toán trực tuyến, chi phí vận chuyển đến thị trường mới cao hơn, khó tìm được đối tác vận chuyển tin tưởng cũng đang là những thách thức mà DN SME đang đối mặt”- bà Summer Gao nhấn mạnh. Ở góc độ DN, ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc công ty TNHH TT Garmen thừa nhận, khi mới kinh doanh B2B, ông đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, xác minh sự tin cậy, bán hàng và thanh toán. Thậm chí đã từng thiệt hại đơn hàng 6.000 USD đến từ một nhà mua ngoại quốc. “Ngoài những thách thức trên, có hai vấn đề mà các DN cần lưu ý thêm trong giao dịch B2B, đó là chất lượng hàng hóa và tiến độ giao hàng. DN bắt buộc phải thực hiện đúng theo yêu cầu, hợp đồng lẫn thời gian giao hàng. Chưa kể, tất cả giấy tờ chứng từ, hóa đơn, giấy tờ liên quan phải đúng và trùng khớp với lô hàng... Điều này chính là cách tự bảo vệ mình khi tham gia nền tảng TMĐT xuyên biên giới"- ông Thông bày tỏ. Ông lớn TMĐT tung giải pháp hỗ trợ DN Ông Roger Luo, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Alibaba.com đánh giá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về số lượng nhà bán, khả năng sản xuất để cung cấp nguồn hàng cho thị trường người mua toàn cầu. Ông Roger Luo (người cầm micaro) đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu trực tuyến. Ảnh: THU HÀ | “Chính vì thế, chúng tôi luôn luôn có một câu hỏi là làm thế nào để DN có thể giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu trên môi trường TMĐT xuyên biên giới. Để giải quyết vấn đề này, tháng 9 vừa qua chúng tôi đã cho ra mắt dịch vụ "đảm bảo thương mại" (Trade Assurance) dành cho DN SME Việt Nam. Với dịch vụ này, khi xảy ra tranh chấp, Alibaba sẽ đứng ra làm đơn vị trung gian bảo đảm quyền lợi cho cả nhà mua và nhà bán trên sàn”- ông Roger Luo nói. Dù mới triển khai được một tháng, nhưng với doanh nghiệp có đến hơn 80% đơn hàng xuất khẩu qua sàn như TT Garment, ông Thông cho biết đây là dịch vụ phù hợp mà đơn vị đang tìm kiếm, bởi chúng giúp tăng độ tin tưởng gian hàng trong mắt đối tác, từ đó tăng khả năng cạnh tranh. "Ngay khi tham gia giải pháp này, chúng tôi đã giành được đơn hàng từ một đối tác Mỹ cho ngành hàng mũ, dù trước đó họ từ chối làm việc vì thiếu sự tin tưởng. Ngoài ra quá trình giao hàng cũng rất nhanh chóng, chỉ tốn 15 ngày vận chuyển và 1 ngày giao dịch để hoàn tất đơn hàng"- ông Thông nói. Thực tế, hiện nay không chỉ Alibaba mà rất nhiều ông lớn khác trong ngành công nghệ cũng đã quan tâm đến các doanh nghiệp SME tại Việt Nam. Đơn cử như Amazon đã tung ra với giải pháp về đào tạo bán hàng, vấn đề bản quyền, thậm chí là giảm phí phí duy trì tài khoản về 1 USD/6 tháng cho các DN SME Việt Nam Hay Rakuten Viber cũng ra mắt bộ công cụ kinh doanh mới được thiết kế cho các DN SME, giới thiệu tài khoản doanh nghiệp tự phục vụ miễn phí cho các DN này. THU HÀ Pháp luật TPHCM
|