Đi tìm một triết lý phát triển cho sông Sài Gòn Hy vọng chúng ta sẽ có “kỳ tích dòng sông Sài Gòn” vào năm 2040…
Sông Sài Gòn đoạn chảy qua Bến Dược, Củ Chi. Ảnh: H.P |
Dải đất cặp bờ sông Sài Gòn dài 80 ki lô mét tính từ bến Bạch Đằng đến huyện Củ Chi (TPHCM), nhưng phần còn khai thác hiệu quả vào khoảng 65 ki lô mét từ chân cầu Sài Gòn cho đến Bến Dược – đi qua quận 1, quận Bình Thạnh, quận 12, huyện Hóc Môn, và điểm kết là Củ Chi. Dải đất này ngủ yên hàng chục năm, bất ngờ nó trở thành tâm điểm chú ý của công quyền, người dân và các doanh nghiệp có máu mặt.
Chuyện là vào năm 2017, tập đoàn Tuần Châu đưa ra đề án về việc khai thác dải đất này, bao gồm xây dựng một đại lộ giao thông nhanh với mặt đường rộng 31 mét nhằm phá thế độc đạo của quốc lộ 22, tức đường Xuyên Á hiện nay, đồng thời phát triển khu đô thị Tây Bắc TPHCM rộng 9.000 héc ta đã quy hoạch hơn 15 năm nhưng vẫn chưa thực hiện được; song song với trục đường là dải đô thị nhà phố, bến du thuyền, trung tâm thương mại. Tập đoàn Tuần Châu dự tính chi ra 63.500 tỉ đồng và muốn được thực hiện bằng hình thức PPP (hợp tác công tư) thông qua hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), thanh toán bằng quỹ đất khổng lồ.
Đề án này được trình UBND TPHCM, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng khả năng khó có thể hiện thực hóa vì có quá nhiều điều cần cân nhắc. Nhưng cũng cần phải nói lời cảm ơn tới ông Đào Hồng Tuyển – Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu vì chính nhờ đề xuất của ông mà khởi động cho một tinh thần rộn rã là “đánh thức sông Sài Gòn”.
Trước sự nôn nóng của các nhà đầu tư, của dư luận, đã có ý kiến cho rằng có thể bắt đầu khai thác sông Sài Gòn càng sớm càng tốt theo kiểu đoạn nào, chỗ nào thuận làm trước, chỗ nào khó làm sau, chỗ nào có đủ vốn thì làm rồi lấy nó nuôi nó theo kiểu “lấy mỡ rán mỡ” và cứ làm đi “sai đâu sửa đó”. Quan niệm như thế rất nguy hiểm, hậu quả khôn lường.
Sông Sài Gòn sẽ là một dự án lớn có đa chức năng, ảnh hưởng đến thành phố và con cháu mai sau. Vì vậy, không thể chắp vá được mà đầu tiên cũng là quan trọng nhất phải có một triết lý lớn, một quan điểm nhất quán xuyên suốt cho sự hình thành và phát triển. Triết lý này sẽ là tư tưởng chỉ đạo dẫn dắt cho bất cứ ai, từ chính quyền, nhà đầu tư lớn nhỏ, hộ gia đình cá thể…, khi tham gia một phần dù lớn hay nhỏ vào dải sông Sài Gòn phải tôn trọng và tuân theo.
Tôn chỉ này không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau, khi anh xây chèn, cải tạo bất cứ một công trình nào sau 100 năm nữa cũng phải theo tinh thần đó. Singapore là một quốc gia ít lỗi trong phát triển chính là nhờ một triết lý phát triển và một bản thiết kế tổng thể, nhất quán được xây dựng từ năm 1966 bởi ông Lý Quang Diệu và kiến trúc sư lừng danh Lưu Thái Cơ.
Cân nhắc tất cả mọi khía cạnh liên quan đến sông Sài Gòn, chúng ta có thể hình dung ra một triết lý phát triển chung cho không gian quy hoạch – kiến trúc, kinh tế – xã hội và cộng đồng là: xanh – mềm – sông nước – văn hóa.
Về tổ chức không gian quy hoạch – kiến trúc
Phương án tối ưu là hình thành dải đô thị xanh – sông nước – sinh thái. Giao thông chính ở đây là giao thông thủy. Nếu làm trục đường giao thông nhanh từ sáu làn xe trở lên kéo dài gần 70 ki lô mét bằng bê tông hay nhựa nóng dành cho các loại xe tải, xe siêu trường siêu trọng thì sẽ dẫn đến lún sụt. Còn nếu kè cứng suốt tuyến thì sẽ làm thay đổi dòng chảy, gây ra xói mòn.
Khai thác triệt để thế mạnh của giao thông thủy, sử dụng cano, tàu bus, tàu sông, cần thiết có thể có một vài đoạn giao thông bộ nhưng chỉ ít làn xe là đủ. Như thế dọc sông Sài Gòn sẽ có các âu thuyền, bến dành cho việc lên xuống hành khách và hàng hóa, mỗi bến này sẽ trở thành các điểm nút đô thị kết hợp giao thông với kinh doanh, thương mại, du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí…
Cân nhắc tất cả mọi khía cạnh liên quan đến sông Sài Gòn, chúng ta có thể hình dung ra một triết lý phát triển chung cho không gian quy hoạch – kiến trúc, kinh tế – xã hội và cộng đồng là: xanh – mềm – sông nước – văn hóa. |
Vì đặc tính của sông như thế cho nên khi tổ chức không gian và thiết kế dải đô thị này có bốn thứ tuyệt đối không được làm. Đó là không được bê tông hóa bờ sông, không phân lô bán nền, không giao thông bộ nhanh, và không xây nhà cao tầng liên tục thành dãy tạo nên bức tường thành vây nhốt người dân sống bên trong, ngăn gió và tầm nhìn, tạo sự tách biệt với sông Sài Gòn. Nếu làm khác đi là hủy diệt dòng sông và giết chết mọi tiềm năng của nó.
Về hình thái xây dựng công trình của dải đô thị ven sông
Không phải là nhà cao tầng, nhà phố hình ống, cửa hàng mặt tiền (shophouse) liền mạch bám sát trục đường chạy mút tầm mắt từ Tân Cảng đến Củ Chi như các dãy phố nội ô hiện nay mà cần được thiết kế ngắt quãng, xen kẽ giữa nhà dân, công trình công ích (công sở, siêu thị, trường học) là công viên, cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, tượng trang trí, ánh sáng nghệ thuật. Màu chủ đạo của dải đô thị nay là màu xanh của cây lá và mặt nước.
Dải đô thị này không mỏng như dải đô thị cặp phố thường thấy khắp đất nước chỉ có mặt tiền mà nó sẽ dày hơn, đầy đặn hơn, có chiều sâu do kết nối với các làng rau trái, làng nghề, khu dân cư hiện hữu bên trong của huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi tạo ra dải đô thị sinh thái và văn hóa. Sức sống của nó không phải chỉ là “đường phố” sôi động ngoài mặt tiền mà còn là sự bình yên của tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân). Nếu biết làm du lịch văn hóa sông nước, các homestay trong các nhà vườn Nam bộ gần sông sẽ hút được khách du lịch nước ngoài.
Thiết kế kiến trúc của các công trình xây dựng là thấp bên ngoài mặt sông và cao dần vào bên trong để đón gió sông, tuyệt đối không có nhà cao tầng lừng lững sát sông. Dải đất chạy cặp sông chủ yếu là không gian công cộng để làm công viên sinh thái, vườn hoa, không làm bờ kè cứng, có các quán cà phê, nhà hàng thấp tầng, xây dựng không kiên cố, một số chỗ làm âu thuyền, bến lên xuống của tàu thuyền khách, kết hợp với chợ truyền thống bờ sông.
Cần làm mới những điểm thu hút du khách, bởi vì 80 ki lô mét sông Sài Gòn có nhiều chỗ còn tự nhiên, hoang sơ nên cần cấy vào đó những công trình thu hút khách du lịch, chẳng hạn như công viên chuyên đề, bảo tàng, khách sạn, nhà hàng, vườn ẩm thực, khu nông nghiệp sinh thái cho khách trải nghiệm cùng nông dân. Các công trình này tuyệt nhiên không được phép lấn ra sông Sài Gòn, vì nếu làm như thế sẽ thay đổi dòng chảy, lòng sông bị thu hẹp, làm xói mòn bờ sông, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu rất thất thường.
Dòng sông văn hóa và di sản
Dọc bờ sông Sài Gòn có các loại di sản lịch sử – kiến trúc và nông nghiệp đa dạng có thể khai thác tốt.
Đó là di sản kiến trúc, tập trung nhiều nhất ở khúc bờ sông thuộc quận 1, một phần quận 4 và quận Bình Thạnh. Bao gồm: bến cảng Nhà Rồng, thủy đài, cột cờ thủ ngữ, trụ sở hải quan, khách sạn Riverside, khách sạn Majectic, bảo tàng Tôn Đức Thắng, tượng Trần Hưng Đạo, ụ tàu Ba Son, cầu Sài Gòn. Tất cả các công trình này đều có tuổi đời trên 100 năm. Các đoạn tiếp theo là cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu và điểm cuối của đoạn sông này là địa đạo Củ Chi, đền tưởng niệm Bến Dược.
Dọc theo đoạn sông này còn có chùa, đình, miếu, nhà thờ nằm rải rác trong các làng xóm. Có các loại nhà đặc trưng Nam bộ như nhà rường, nhà vuông, nhà ba gian hai chái, nhà chữ đinh, chữ tam, nhà chữ đọi. Đặc biệt là các làng nghề như làng nghề trồng hoa, cây cảnh, làng nông nghiệp sinh thái, làng đan lát, làng bánh tráng, làng làm gốm, làng mộc. Ngoài ra, còn phải kể đến các nhóm đờn ca tài tử, các món ăn phong phú mang đậm chất Nam bộ…
Hợp tác cùng khai thác vào bảo vệ sông Sài Gòn
Sẽ là thiếu đi sức sống và sự sôi động nếu chỉ khai thác bờ sông Sài Gòn ở phía TPHCM mà bỏ quên bờ phía Bình Dương. Hiện nay Bình Dương chưa quan tâm nhiều đến mặt sông vì thành phố Thủ Dầu Một và thành phố Bình Dương mới (còn gọi là thành phố Becamex) hướng phát triển sâu vào bên trong. Tuy nhiên, nếu cả hai phía TPHCM và Bình Dương cùng hợp tác thì sẽ mang lại một nguồn lợi lớn. Hơn thế nữa, nó cũng nằm trong quan điểm liên kết vùng Đông Nam bộ.
Dọc bờ sông Sài Gòn phía Bình Dương có rất nhiều tiềm năng khai thác, trong đó phải kể đến các di sản kiến trúc và di tích lịch sử, tôn giáo, như những ngôi nhà cổ truyền thống, chợ Thủ Dầu Một, chùa Bà Thiên Hậu, chùa Hội Khánh, trường Mỹ thuật Bình Dương, trường Sĩ quan kỹ thuật công binh – đều có tuổi đời trên 100 năm. Ngoài ra, còn có những làng nghề truyền thống nổi tiếng như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc, mộc. Nơi đây còn có các “miệt vườn” cây ăn quả xanh tươi, đa dạng tạo nên khung cảnh đẹp, hữu tình, thuận lợi cho phát triển du lịch, là điều kiện lý tưởng để phát triển các khu nghỉ dưỡng cuối tuần, chèo thuyền ngắm cảnh trên sông, khu du lịch sinh thái và các tour du lịch sông nước miệt vườn hấp dẫn du khách.
Sự hợp tác còn hướng đến việc chung tay bảo vệ an toàn, cho dòng sông bớt ô nhiễm, không bị xâm lấn. Thượng nguồn sông Sài Gòn – Đồng Nai hiện có 55 nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, thậm chí các trại chăn nuôi heo, gà có quy mô lớn xả thẳng ra sông làm cho chất lượng nước suy giảm nghiêm trọng, khiến cho các nhà máy nước Thủ Đức, Tân Hiệp phải sử dụng nhiều hóa chất, thiết bị để xử lý. Nếu các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM có sông Đồng Nai và Sài Gòn chảy qua biết hợp tác khai thác và bảo vệ thì sông Sài Gòn sẽ trở thành địa danh nổi tiếng trên bản đồ du lịch quốc tế.
Sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành dòng sông di sản, dòng sông văn hóa – lịch sử, dòng sông phục vụ cho đời sống, giao thông và dòng sông kinh tế. Nếu khai thác tốt mặt nước, bờ sông, quỹ đất thì nó sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho thành phố và người dân. Du lịch sông Chao Phraya (Bangkok), sông Hoàng Phố (Thượng Hải), sông Hàn (Seoul)… mang lại hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Hy vọng chúng ta sẽ có “Kỳ tích dòng sông Sài Gòn” vào năm 2040.
TS. Nguyễn Minh Hòa TBKTSG
|