Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về quyền sử dụng đất của người Việt ở nước ngoài Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề cập đến quy định về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại kỳ họp Quốc hội XV diễn ra chiều 3-11.
Một trong hai phương án trình Quốc hội liên quan đến đất đai là tiếp thu các ý kiến và chỉnh sửa những quy định nhằm thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Trong ảnh là những dự án bất động sản tại Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm |
TTXVN đưa tin, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đang có một số điểm mới trong quy định về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà có quốc tịch Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước. Chính sách được giữ như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt định cư ở nước ngoài và không có quốc tịch Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV diễn ra chiều 3-11, Quốc hội nghe trình 2 phương án. Phương án một là tiếp thu các ý kiến trên và chỉnh sửa những quy định nhằm thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nếu quy định theo hướng này thì cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…
Phương án hai là giữ nguyên quy định hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam thì có các quyền sử dụng đất giống như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Nhiều ý kiến góp ý của đại biểu xoay quanh nội dung này, chẳng hạn như đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng nếu người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng đã bỏ quốc tịch Việt Nam thì sẽ không thể được hưởng quyền lợi ngang bằng với những người giữ quốc tịch Việt Nam.
Đại biểu tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh về người sử dụng đất, đại biểu ủng hộ với phương án 1 bởi theo khoản 1, Điều 5 Luật Quốc tịch có quy định là người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam. Do vậy, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, người có quốc tịch Việt Nam vẫn là công dân Việt Nam, vẫn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đầy đủ của một công dân Việt Nam. Theo đại biểu, việc mở rộng về nhóm người này còn có thể thu hút được chất xám và đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Trúc Đào TBKTSG
|