Cơ hội tái cấu trúc các ngành hàng liên quan tới rừng Ủy ban Châu Âu đã thông qua Quy định chống phá rừng (EUDR) và có hiệu lực từ tháng 1-2025, riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng bắt đầu từ tháng 6-2025. Theo Bộ NN&PTNT, đây là cơ hội để Việt Nam cấu trúc lại các ngành hàng liên quan tới rừng và lâm nghiệp như cà phê, cao su su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Cà phê nằm trong nhóm mặt hàng chịu sự quản lý của EUDR bao gồm gỗ, cà phê, ca cao, dầu cọ, thịt bò, đậu tương, cao su và các sản phẩm được chế biến từ các nhóm này. |
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định chống phá rừng của EU vào ngày 4-11 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, theo Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT.
Trước đó, vào ngày 16-5, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua Quy định chống phá rừng (EUDR). EUDR được ban hành nhằm cấm nhập khẩu các sản phẩm và hàng hóa gây mất rừng, suy thoái rừng kể từ sau ngày 31-12-2020. Trong đó, cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này. EUDR được áp dụng từ tháng 1-2025, riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng bắt đầu từ tháng 6-2025.
Vì thế, để đáp ứng những quy định từ EUDR, theo Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải chủ động thích ứng với những thay đổi, trong đó có quy định mới của EU về chống phá rừng và suy thoái rừng. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam cấu trúc lại các ngành hàng liên quan tới rừng và lâm nghiệp như cà phê, cao su su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Theo Bộ NN&PTNT, chống phá rừng và suy thoái rừng không chỉ là quy định của EU mà đây là xu thế của thế giới trong tăng trưởng Xanh, hướng tới nền kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững. Do đó, Việt Nam mong muốn sẽ là đối tác đồng hành cùng EU thực thi EUDR một cách tích cực và hiệu quả.
Theo Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH), giảm thiểu rủi ro mất rừng là giải pháp quan trọng. Theo đó phải chứng minh sản phẩm cà phê, cao su Việt Nam 100% đáp ứng yêu cầu không gây mất rừng, suy thoái rừng. Như vậy, Việt Nam cần đối thoại với EU để chuyển Việt Nam sang mức rủi ro thấp, từ đó giảm mức độ yêu cầu; giảm mức độ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; đạt được tác động bảo vệ và tái sinh rừng, đảm bảo an sinh xã hội. Và để đáp ứng với quy định từ EUDR, Việt Nam cần có hệ thống thông tin rừng, hệ thống thông tin vùng sản xuất, vấn đề pháp lý trong sử dụng đất và áp dụng truy xuất nguồn gốc.
Cao su là một trong những ngành hàng sẽ chịu tác động của Quy định EUDR. Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, năm 2014, diện tích cao su khoảng 980.000 ha, nhưng do giá cao su xuống thấp nên một số diện tích cao su đã chuyển sang cây trồng khác hoặc mục đích khác, đến nay chỉ còn khoảng 920.000ha. Tính từ năm 2020, cao su Việt Nam không có trồng mới, chỉ có diện tích tái canh của đại điền và mỗi năm từ 15.000-20.000 ha. Rủi ro với quy định của EUDR đối với cao su là rất thấp, nhất là từ năm 2017 Việt Nam đã có những quy định về chuyển đổi đất rừng.
Với ngành hàng cà phê, theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cả nước có khoảng 700.000 ha cà phê, nhưng chỉ có 30.000 ha là thuộc các công ty nhà nước. Lâu nay cây cà phê được trồng không tập trung như cao su, chủ yếu nông hộ nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn. Đây chính là một khó khăn của ngành cà phê trong việc phải xác định thời điểm 31-12-2020 có diện tích trồng cà phê trên đất rừng hay không.
Nam Nguyên TBKTSG
|