Thứ Năm, 16/11/2023 16:12

Cách nào "khơi thông" dòng vốn tín dụng tiêu dùng khi ngày càng khó thu hồi?

Các đại biểu đề xuất cần truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang mạng xã hội để tẩy chay hành động vay tiền rồi sau đó cố tình không trả nợ cho ngân hàng, công ty tài chính.

Các đại biểu tham dự tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội thảo “Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và vấn đề thu hồi nợ hiện nay" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức ngày 16/11, nhiều ý kiến nhận định hoạt động thu nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.

Cho vay tiêu dùng suy giảm

Theo báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng, đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 tổ chức tín dụng triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế.

Để giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, hạn chế tín dụng đen, các tổ chức tín dụng đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình hoạt động nhằm tăng dư nợ tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí, nâng dần hiệu quả sử dụng vốn, mở rộng mạng lưới đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa...

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, từ đầu năm 2023 tới nay, do ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu và khó khăn của kinh tế trong nước, hoạt động của các ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tính đến hết tháng 9/2023 tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế ở mức thấp 6,92%; tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng ở mức rất thấp chỉ tăng 1,53% so với cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên/dưới 2%), thậm chí tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng tăng cao, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định: Ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Các hội nhóm rủ nhau "bùng nợ" tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các tổ chức tín dụng nhưng không bị xử lý…

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, một số tổ chức tín dụng buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh," ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Giải pháp an toàn cho tín dụng tiêu dùng

Tại hội thảo, Phó Thống đốc đặt câu hỏi: "Vì sao tín dụng tiêu dùng giảm? Do giảm nhu cầu của nền kinh tế hay do tổ chức tín dụng, hay do cơ chế chính sách chưa đảm bảo được để hoạt động này phát triển?."

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng hiện nay cho vay tiêu dùng đang có vấn đề. Quan hệ cho vay giữa công ty tài chính với người vay đang không tích cực. Vay trốn nợ, quỵt nợ, đặc biệt thu hồi nợ đang là vấn đề nhức nhối. Hơn nữa, nếu như tín dụng chính thức giảm bao nhiêu thì tín dụng đen có cơ hội phát triển.

Một thực tế khác, đó là việc hiện tại có nhiều công ty tài chính trá hình, nhập nhằng giữa tổ chức không được hoạt động cho vay và các tổ chức được cấp phép hoạt động chính thức.

Ông Tú cho rằng những vấn đề này cần được giải quyết, cần có quy định nếu không bản thân các công ty tài chính thức bị lấn át, bị mất niềm tin của thị trường.

Phó Thống đốc nhấn mạnh đây là những vấn đề đáng lưu tâm cần sớm giải quyết để lấy lại niềm tin trong hoạt động kinh doanh cho các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng, khơi thông dòng vốn tín dụng, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất cần truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo…) để tẩy chay các hành động vay tiền rồi sau đó cố tình không trả nợ cho ngân hàng, công ty tài chính; lên án hiện tượng bùng nợ, lập hội nhóm cùng nhau trốn nợ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn HD SAISON (HD SAISON) cũng kiến nghị cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của những người vay; xử nghiêm các đối tượng tham gia vào các hội nhóm bùng nợ, cũng như những người hướng dẫn và khuyến khích hành vi bùng nợ, cố tình không trả nợ. Cùng đó, áp dụng chế tài răn đe đối với những cá nhân có hành vi cố tình vi phạm quy tắc và đạo đức trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói riêng và lĩnh vực tín dụng cá nhân nói chung.

Về kiến nghị giải pháp, ông Bùi Đức Tài, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đề nghị Hiệp hội Ngân hàng hướng dẫn, khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng thành viên tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho các nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng trong chấp hành các quy định của pháp luật và ngành ngân hàng; chấp hành nghiêm các quy định về bảo mật dữ liệu, thông tin cá nhân liên quan.

Bên cạnh đó rà soát, khắc phục sơ hở trong quy định, quy trình nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của các bộ phận thu hồi nợ, xử lý nợ xấu. Nghiêm cấm các hành vi ký kết các hợp đồng biến tướng với các doanh nghiệp khác để giải ngân cho vay, mua bán nợ, đòi nợ thuê; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng lành mạnh. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, kịp thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng nói chung và các công ty tài chính nói riêng. Khuyến khích các tổ chức tín dụng ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng./.

Thúy hà

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   VIB hỗ trợ lãi suất 0% cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn (16/11/2023)

>   Tín dụng vẫn thấp hơn huy động, làm sao vực dậy nền kinh tế? (17/11/2023)

>   Vì sao lợi nhuận ngân hàng sụt giảm? (16/11/2023)

>   BIDV chốt quyền chia cổ tức 2022 (15/11/2023)

>   Agribank chào bán 10,000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm (15/11/2023)

>   Sacombank đảm bảo quyền lợi cho khách hàng tại PGD Cam Ranh, mong sự việc sớm được đưa ra xét xử (15/11/2023)

>   Phân hóa tăng trưởng tín dụng, bức tranh không quá xám? (15/11/2023)

>   NIM quý 3 tất cả ngân hàng đều sụt giảm: Điều gì đang diễn ra? (20/11/2023)

>   Cổ phiếu ngân hàng: “Trái ngọt” cho đầu tư dài hạn? (14/11/2023)

>   Doanh nghiệp bất động sản kêu khó tiếp cận vốn vay, ngân hàng nói gì? (13/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật