Bức tranh u tối phía sau con số việc làm tươi đẹp của Mỹ và nguy cơ Fed thắt chặt quá tay
Hai cuộc khảo sát hàng tháng về việc làm đang kể nên hai câu chuyện trái ngược ngược nhau về tình trạng nền kinh tế Mỹ. Nhà đầu tư cần nhìn nhận đầy đủ để có thể đưa ra quyết định đúng đắn.
Hôm 06/10, Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) gây bất ngờ khi công bố nền kinh tế lớn nhất hành tinh tạo ra thêm 336,000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 9, cao nhất kể từ tháng 1/2023 và gần gấp đôi con số 170,000 mà các chuyên gia Phố Wall dự báo trước đó.
Đến ngày 03/11, BLS điều chỉnh số việc làm mới trong tháng 9 xuống còn 297,000, nhưng đây vẫn là mức rất cao trong năm nay. Đồng thời, cơ quan này cũng cho biết Mỹ tạo ra thêm 150,000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 10.
Đvt: Ngàn việc làm
|
Khi nhìn vào số liệu việc làm này, các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích đánh giá rằng, nền kinh tế Mỹ đang vận hành mạnh mẽ, tạo ra nhiều việc làm và cùng với đó là áp lực lên lạm phát; vì vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ để kiềm chế giá cả.
Tuy nhiên, Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) thực hiện tới hai cuộc khảo sát về việc làm hàng tháng. Các số liệu tươi đẹp kể trên đến từ Khảo sát các tổ chức (Establishment Survey). Kết quả của cuộc Khảo sát Hộ gia đình (Household Survey) và một số thống kê khác lại vẽ nên một bức tranh trái ngược.
Hai cuộc khảo sát
Khảo sát các tổ chức (Establishment Survey) có cỡ mẫu khoảng 122,000 công ty ngoài lĩnh vực nông nghiệp và cơ quan chính phủ, bao gồm 666,000 địa điểm làm việc trên khắp nước Mỹ. Nói một cách đơn giản, người khảo sát sẽ hỏi từng doanh nghiệp và cơ quan xem tổ chức của họ có bao nhiêu người đang làm việc và nhận lương hàng tháng. Sau đó, BLS sẽ tính tổng tất cả con số nhận được để suy ra dữ liệu của toàn nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, Khảo sát Hộ gia đình (Household Survey) có mẫu khoảng 60,000 hộ. BLS hỏi từng cá nhân để xem người đó có đang làm việc hay không. “Làm việc” ở đây không chỉ bao gồm cả các công việc trong doanh nghiệp và chính phủ mà còn tính cả những công việc trong trang trại nông nghiệp, người tự kinh doanh và làm nghề tự do…
Có thể thấy, Khảo sát Hộ gia đình bao hàm nhiều nhóm việc làm hơn so với Khảo sát các tổ chức.
Tuy vậy, sự khác biệt đáng chú ý nhất của hai khảo sát là cách thống kê khi một người làm nhiều công việc cùng lúc. Khảo sát các tổ chức chỉ hỏi xem một doanh nghiệp thuê bao nhiêu người, còn Khảo sát hộ gia đình thì quan tâm một người có đang làm việc hay không.
Giả sử một người tháng trước chỉ làm việc tại doanh nghiệp A, tháng này làm việc thêm cho hai doanh nghiệp B và C. Theo Khảo sát các tổ chức, số việc làm tháng này đã tăng thêm hai. Còn theo Khảo sát Hộ gia đình, số người có việc làm không thay đổi.
Theo công bố của BLS, Khảo sát Hộ gia đình cho thấy nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra 86,000 việc làm trong tháng 9, chưa đầy 1/3 so với mức 297,000 theo Khảo sát các tổ chức. Sang tháng 10, số việc làm theo Khảo sát Hộ gia đình đã giảm đi 348,000, trái ngược với mức tăng 150,000 theo Khảo sát các tổ chức.
Khi Khảo sát các tổ chức cho thấy kết quả khả quan hơn so với Khảo sát Hộ gia đình, nhiều khả năng số người có việc làm mới là rất ít, lượng việc làm tăng lên chủ yếu đến từ thực trạng người lao động phải làm nhiều việc cùng lúc để trang trải cuộc sống.
Các công việc bán thời gian (part-time) mà người lao động làm thêm thường có thu nhập tương đối thấp và không có các phúc lợi như ngày nghỉ phép, bảo hiểm, an sinh xã hội…
Việc con người phải làm một lúc nhiều công việc không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế khỏe mạnh mà ngược lại, cho thấy một nền kinh tế suy yếu tới mức không thể tạo ra những việc làm với mức lương đủ tốt. Số liệu về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và tỷ lệ thất nghiệp củng cố thêm cho nhận định này.
Thêm việc làm nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng?
Trong tháng 9 khi nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm gần 300,000 việc làm phi nông nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ không giảm xuống mà chỉ đi ngang ở mức 3.8%. Sang tháng 10 khi số việc làm tiếp tục tăng thêm 150,000 theo Khảo sát các tổ chức, tỷ lệ thất nghiệp lại nhích lên 3.9%.
Lũy kế từ tháng 01/2022 đến tháng 10/2023, nền kinh tế Mỹ tạo ra hơn 6.8 triệu việc làm, theo kết quả Khảo sát các tổ chức. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 10/2023 cũng là mức cao nhất kể từ tháng 01/2022.
Tại sao tỷ lệ thất nghiệp lại tăng lên trong khi nền kinh tế tạo ra ngày càng nhiều việc làm? Phải chăng quy mô lực lượng lao động lớn hơn trước nên số việc làm mới không đủ bù đắp cho số người mới tham gia thị trường tìm việc?
Trên thực tế, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong tháng 8 và 9 đều là 62.8%, sang tháng 10 giảm nhẹ còn 62.7%. Nói cách khác, lực lượng lao động không tăng trưởng.
Cách giải thích hợp lý nhất là số việc làm mới không được tạo ra cho những người lao động mới mà là cho những người đã có việc làm sẵn, giờ đây cần làm thêm việc để gia tăng thu nhập và đáp ứng chi tiêu cuộc sống.
Tỷ lệ thất nghiệp được tính từ kết quả của Khảo sát Hộ gia đình, bằng cách lấy số người thất nghiệp chia cho số người trong lực lượng lao động. Việc một người đang có việc tiếp tục kiếm thêm một (vài) công việc khác không làm cho số người thất nghiệp giảm đi và do vậy không thể giúp cải thiện tỷ lệ thất nghiệp.
Sự đi xuống trong chất lượng việc làm
Từ tháng 4 đến tháng 10/2023, theo Khảo sát các tổ chức, nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 1.45 triệu việc làm. Tuy nhiên, theo Khảo sát Hộ gia đình, số người làm việc toàn thời gian (full-time) trong tháng 10 chỉ xấp xỉ bằng mức của tháng 4 là 134.5 triệu. So với mức đỉnh trong tháng 6, số người làm việc full-time thậm chí còn giảm đi 366,000.
Đây là một bằng chứng nữa cho thấy các việc làm được tạo thêm không phải là những công việc full-time mang tính chất lâu dài, ổn định mà thường chỉ là các công việc nhỏ nhặt, tạm bợ.
Đvt: Triệu người
|
Số người có việc làm không tăng lên, chỉ có thêm những người lao động phải gồng mình làm 2 - 3 việc cùng lúc vì mức thu nhập từ một công việc là không đủ sống.
Thực tế, bức tranh việc làm không tươi đẹp như những con số 300,000 hay 150,000 việc làm mới được tạo ra mà truyền thông hay nhắc tới.
Nếu các nhà hoạch định chính sách quá tập trung vào số liệu tích cực của một khảo sát để từ đó tăng cường thắt chặt, kinh tế Mỹ có nguy cơ phải gánh chịu những tổn thất không đáng có. Nhà đầu tư cũng dễ vướng vào rủi ro nhận định sai về bối cảnh vĩ mô và đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt.
Cầm Thanh
FILI
|