Thứ Bảy, 11/11/2023 11:19

Bộ Tài chính từ chối gắn trách nhiệm về điều hành giá điện

Bộ Tài chính nhấn mạnh quan điểm chỉ phối hợp thẩm định giá bán lẻ điện trong trường hợp giá biến động bất thường, còn trách nhiệm chính trong điều hành giá điện là Bộ Công Thương - cơ quan quản lý chuyên ngành về mặt hàng điện và giá điện.

Quan điểm này được lãnh đạo Bộ Tài chính nêu khi tham gia ý kiến Dự thảo thay thế Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Dẫn các quy định tại Luật Giá, Luật Điện lực, Bộ Tài chính cho rằng, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về điện lực, sử dụng điện, trong đó có giá điện.

Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì xây dựng khung giá, cơ chế điều chỉnh, biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng cũng như hướng dẫn lập khung giá phát điện, truyền tải, dịch vụ phụ trợ, phí điều độ...

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị không quy định trách nhiệm phối hợp của cơ quan này tại dự thảo quyết định.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị dự thảo cần bỏ nội dung Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi hồ sơ báo cáo phương án giá bán điện bình quân tới Bộ Tài chính. 

Giá điện vừa được điều chỉnh tăng 4,5% (Ảnh: Hoàng Giám)

Bộ Tài chính cho rằng Bộ này chỉ phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường hoặc tác động lớn.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng muốn không quy định trách nhiệm phối hợp rà soát nếu giá điện bán lẻ bình quân tăng 5-10%.

Nếu giá điện bán lẻ bình quân tăng 5-10%, Bộ Công Thương chủ động rà soát và có ý kiến với phương án EVN trình. Trường hợp giá điện tăng 10% trở lên, ảnh hưởng tới vĩ mô, Bộ Tài chính sẽ là một trong số các bộ, ngành góp ý kiến về phương án giá sau rà soát của Bộ Công Thương.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị không quy định về trách nhiệm của cơ quan này về xem xét, kiểm tra các báo cáo, tính toán của EVN; không bắt buộc phải tham gia họp, báo cáo và chủ động có ý kiến gửi cơ quan chủ trì (Bộ Công Thương) về phương án giá bán lẻ điện hằng năm. Bộ chỉ có ý kiến trên cơ sở đề nghị từ phía Công Thương.

Cũng theo Dự thảo quyết định, giá điện tới đây có thể được tính thêm các chi phí khác chưa được tính trước đây, gồm chênh lệch tỷ giá. Nêu ý kiến, Bộ Tài chính cho rằng chênh lệch tỷ giá được tính toán phân bổ vào giá bán lẻ điện bình quân chính là việc giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Vì vậy, Bộ Công Thương cần rà soát các khoản chi phí được phép tính vào giá bán lẻ điện là những khoản nào. EVN có trách nhiệm tính toán và xác định các khoản chi phí được phép tính, nhưng hiện chưa tính vào giá điện để báo cáo Bộ Công Thương xem xét.

Hàng năm, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra, rà soát và phê duyệt chi phí giá thành (chi phí sản xuất kinh doanh điện), chi phí khác của EVN.

Cũng theo dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24, thời gian điều chỉnh giá điện sẽ được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần. Tức là mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi và giá được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện.

Ngày 9 /11, giá điện được điều chỉnh tăng 4,5% (là mức điều chỉnh tăng thuộc thẩm quyền thuộc EVN). Với việc điều chỉnh tăng giá như trên, giá điện tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng - VAT).

Đây là lần thứ hai giá điện tăng trong năm 2023. Trước đó, vào ngày 4/5, sau 4 năm không điều chỉnh, mức giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 3%, từ 1.854,44 đồng/kWh lên 1.920,3732 đồng/kwh (chưa bao gồm thuế VAT).

Hạnh Nguyên

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Công an Đồng Nai bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty Thành Bưởi (10/11/2023)

>   TP.HCM phát động thi đua 60 ngày đêm giải ngân vốn đầu tư công (10/11/2023)

>   Đối tác Apple đầu tư thêm gần 8,000 tỷ đồng tại Bắc Giang (09/11/2023)

>   Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Công ty Mua bán điện của EVN (09/11/2023)

>   Giá bán lẻ điện tăng thêm 4.5% lên mức hơn 2,000 đồng/kWh từ ngày 9/11 (09/11/2023)

>   Quốc hội sắp xem xét chính sách thuế giữ chân 'đại bàng' đến Việt Nam đầu tư (09/11/2023)

>   Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP sẽ linh hoạt theo từng dự án cụ thể (09/11/2023)

>   ĐBQH: Đề nghị Chính phủ cân nhắc nâng tỉ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia dự án PPP lên 80% (09/11/2023)

>   Xuất khẩu gần 11 tỷ USD, doanh nghiệp gỗ tăng ca, tuyển lao động (09/11/2023)

>   Sửa đổi Nghị định 132: Chờ cuộc ‘đại phẫu’ cứu sống doanh nghiệp (09/11/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật