‘Tài sản hóa’ dữ liệu tại Việt Nam: Tại sao mãi dùng dằng? Ngày nay, khi nhận được càng nhiều cuộc gọi quảng cáo “rác”, chúng ta đều thấy khó chịu, phiền hà và trở nên ngần ngại trong việc chia sẻ bất kỳ thông tin cá nhân nào. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp trên thị trường lại đang rất “khát” dữ liệu. Để thật sự tạo ra giá trị và tham gia tích cực vào nền kinh tế số, doanh nghiệp cần được tiếp cận, mua bán chuyển giao dữ liệu hợp pháp. Hai nhu cầu đối lập kể trên, cộng thêm nhiều vấn đề pháp lý phức tạp nảy sinh từ chính bản chất của dữ liệu đã gây ra khó khăn lớn cho quá trình xây dựng quy chế pháp lý “tài sản hóa” dữ liệu tại Việt Nam.
Bên trong trung tâm dữ liệu VNG Data Center. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư hàng trăm triệu đô la cho hệ thống trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Ảnh: VNG |
Tài sản thật, luật chưa cho?
Không thể phủ nhận rằng trên thực tế dữ liệu đã, đang và sẽ là một tài nguyên vô cùng có giá trị. Tại Mỹ, dữ liệu cá nhân cơ bản (ngày sinh, lịch sử lướt web) có giá 100-200 đô la, trong khi các dữ liệu nhạy cảm hơn như thông tin tài khoản ngân hàng, số hộ chiếu có thể được công ty tiếp thị mục tiêu (target marketing) mua với giá 1.000 đô la(1). Báo cáo của Ủy ban châu Âu cho thấy thị trường trao đổi dữ liệu diễn ra hàng ngày, hàng giờ, có giá trị lên đến 73 tỉ euro trong riêng năm 2022 và tốc độ phát triển thần tốc 12%/năm(2).
Tại Việt Nam, dù dữ liệu cũng đã chính thức được nhìn nhận như một tài nguyên quý, nhưng pháp luật Việt Nam vẫn chưa ghi nhận cách tiếp cận “mở” cho phép “tài sản hóa” dữ liệu như trên. Tại sự kiện Ngày chuyển đổi số quốc gia 2023, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: dữ liệu số là tài nguyên quốc gia, là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số và sự phát triển của từng doanh nghiệp(3).
Tuy nhiên, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân vẫn ấn định rằng “dữ liệu cá nhân không được mua, bán dưới mọi hình thức, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Khi nghị định này được thi hành, nhiều ý kiến cho rằng đây là “dấu chấm hết” cho thị trường kinh doanh, trao đổi dữ liệu, gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dữ liệu quan trọng, cản trở quá trình nghiên cứu phát triển, làm giảm khả năng cạnh tranh.
Mặc dù vậy, so với “dữ liệu cá nhân” thì “dữ liệu” là khái niệm có nội hàm rộng hơn rất nhiều. “Dữ liệu” bao hàm cả “dữ liệu cá nhân” (những dữ liệu đem đến thông tin hoặc giúp xác định một người cụ thể) và “dữ liệu phi cá nhân” (dữ liệu không phải dữ liệu cá nhân). Nghị định 13 chỉ cấm mua bán “dữ liệu cá nhân” mà thôi, nên vẫn có khả năng dữ liệu phi cá nhân có thể được ghi nhận là tài sản theo luật Việt Nam. Tuy nhiên, việc “tài sản hóa” các loại dữ liệu phi cá nhân kể trên cũng phải đối mặt với những trở ngại không nhỏ, đến từ những đặc tính của loại tài nguyên độc đáo này.
Doanh nghiệp rất cần “tài sản” dữ liệu
Dữ liệu phi cá nhân có vai trò quan trọng với hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) sản phẩm, dịch vụ, giúp doanh nghiệp tối ưu quy trình và thích nghi với thay đổi của thị trường. Chẳng hạn, khi biết dữ liệu về thời điểm nhiệt độ máy móc thường tăng cao, doanh nghiệp vận hành dễ dàng chạy hệ thống làm mát phù hợp để tăng năng suất. Tương tự, dữ liệu về thời lượng truy cập Internet giúp doanh nghiệp lựa chọn tệp khách chính xác hơn và có chiến lược tiếp thị quảng cáo phù hợp hơn.
Các nhà làm luật hiện nay chưa thể thống nhất rằng dữ liệu có nên được ghi nhận là tài sản và hậu quả pháp lý của việc ghi nhận đó. Thậm chí, nếu dữ liệu là tài sản, nên áp dụng quy chế về vật hữu hình hoặc quyền vô hình (như tài sản trí tuệ), hay phải xây dựng một loại mới cho chúng? |
Tuy nhiên, theo ước tính của Ủy ban châu Âu, khoảng 80% các dữ liệu phi cá nhân có giá trị kể trên bị “khóa cứng” (deadlocked) trong các kho riêng biệt, khó tiếp cận, chỉ lưu hành nội bộ. Riêng tại châu Âu, việc “mở khóa” các kho dữ liệu này thành công có thể giúp tăng GDP thêm 270 tỉ euro tới năm 2028(4).
Tại một nước đang phát triển, có dân số trẻ, với tỷ lệ sử dụng Internet và các sản phẩm công nghệ lớn như Việt Nam, việc “mở khóa” lưu thông dữ liệu cũng hứa hẹn sẽ gia tăng khả năng phát triển của các doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, việc “mở khóa” này cần một khung pháp lý vừa rõ ràng, vừa uyển chuyển. Vì dữ liệu phi cá nhân không bị luật cấm giao dịch như dữ liệu cá nhân nên về kỹ thuật, dữ liệu phi cá nhân vẫn có thể mua bán được. Nhưng thật khó phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm này: dữ liệu cá nhân có thể được khử định danh để trở thành dữ liệu phi cá nhân, nhưng ngược lại, việc tích lũy lượng lớn dữ liệu phi cá nhân có khả năng (dù không cao) giúp định danh trở lại một người cụ thể. Sự phát triển nhanh của công nghệ định danh dễ làm mờ ranh giới đó, khiến các doanh nghiệp lo ngại việc mua bán dữ liệu dễ trở thành hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Các doanh nghiệp nắm giữ kho dữ liệu cũng ngần ngại chia sẻ dữ liệu do lo ngại “tài nguyên” này bị khai thác miễn phí hoặc hủy hoại. Do pháp luật Việt Nam chưa chính thức coi dữ liệu là tài sản, các doanh nghiệp này không thể sử dụng các biện pháp chống xâm phạm mạnh mẽ trong luật về tài sản để bảo vệ dữ liệu của mình.
Thế khó của nhà làm luật
Ở lập trường của nhà làm luật, sự cẩn trọng này cũng là điều dễ hiểu bởi dữ liệu có nhiều đặc tính đột phá so với các loại tài sản hiện hành. Dữ liệu rất dễ sao chép, dễ chia sẻ, cho phép nhiều người cùng sử dụng nhưng cũng dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Các nhà làm luật hiện nay chưa thể thống nhất rằng dữ liệu có nên được ghi nhận là tài sản và hậu quả pháp lý của việc ghi nhận đó. Thậm chí, nếu dữ liệu là tài sản, nên áp dụng quy chế về vật hữu hình hoặc quyền vô hình (như tài sản trí tuệ), hay phải xây dựng một loại mới cho chúng? Khi nhiều bên cùng tạo lập, khai thác dữ liệu, ghi nhận dữ liệu là tài sản thuộc về ai?
Hơn nữa, một số loại dữ liệu đã phần nào được bảo hộ bởi quyền sở hữu trí tuệ: Nhãn hiệu bảo hộ các dữ liệu như chữ, dấu hiệu, hình ảnh giúp phân biệt hàng hóa của các doanh nghiệp; Sưu tập dữ liệu (database rights) bảo hộ các dữ liệu là kết quả đầu tư tuyển chọn, sắp xếp; còn Bí mật kinh doanh (trade secret) cấm tiếp cận trái phép các dữ liệu gây lộ thông tin có giá trị của doanh nghiệp. Do đó, ghi nhận quyền tài sản mới lên dữ liệu có khả năng chồng lấn, mâu thuẫn với các quyền sở hữu trí tuệ hiện hành.
Các khó khăn kể trên đòi hỏi việc xây dựng quy chế cho dữ liệu nói chung, các quy chế bảo vệ dữ liệu cá nhân và “tài sản hóa” dữ liệu phi cá nhân nói riêng cần được tiến hành đồng thời, dưới cái nhìn tổng thể và cẩn trọng. Khi xây dựng chính sách, pháp luật về dữ liệu, nhà làm luật cũng cần tạo điều kiện cho sự tham gia của nhiều bên là đại diện cho các ngành, nghề, lĩnh vực có liên quan, nhằm đảm bảo chính sách, pháp luật đó có thể cân bằng lợi ích các bên, đồng thời tối ưu khả năng lưu thông và các giá trị to lớn mà loại “dầu mỏ mới” này có thể đem lại cho nền kinh tế số Việt Nam.
(*) ThS. NCS, Giảng viên khoa Luật Dân sự, trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội
(1) https://www.statista.com/chart/18433/the-price-of-personal-information/
(2) European DATA Market Study 2021–2023
(3) https://baochinhphu.vn/thu-tuong-day-manh-so-hoa-giao-dich-bat-dong-san-lam-sach-du-lieu-nguoi-giao-dich-chung-khoan-102231010112321146.htm
(4) European DATA Market Study 2021–2023
Đào Trọng Khôi TBKTSG
|