Với tinh thần tích cực cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động hỗ trợ, “gỡ vướng” kịp thời cho doanh nghiệp, từ đầu năm 2023 đến nay, Quảng Ninh ước đạt thu hút 5 tỷ USD vốn đầu tư.
Những con số ấn tượng
Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2023 đến nay, thu hút vốn đầu tư toàn tỉnh ước đạt 5 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách ước đạt 1,9 tỷ USD với số dự án được cấp mới chủ trương đầu tư là 18 dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư 7 dự án, chủ yếu thuộc lĩnh vực khai khoáng có quy mô đầu tư lớn, công nghệ hiện đại.
Đáng chú ý, Quảng Ninh hiện là địa phương dẫn đầu thu hút vốn FDI cả nước với hơn 3,1 tỷ USD. Đây không chỉ là con số kỷ lục của Quảng Ninh mà còn là kết quả ấn tượng khi kinh tế còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ảnh: báo Quảng Ninh |
Bên cạnh thu hút FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Quảng Ninh còn đón nhận dòng vốn từ nhà đầu tư đến từ Thuỵ Điển, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đồng thời, từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã tiếp và làm việc với hơn 110 lượt nhà đầu tư, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: BP (Anh), JTA (Quatar), Jinko Solar, Mitsubishi, Yaskawa Electric, Tamagawa Seiki, Sojitz (Nhật Bản), Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương…
Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp
Những kết quả trên cho thấy Quảng Ninh đang là điểm đến "an toàn, tin cậy, hấp dẫn" đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của tỉnh trong việc tích cực cải cách hành chính, chủ động cải thiện môi trường đầu tư, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2023, Quảng Ninh đã chủ động xây dựng chiến lược thu hút đầu tư. Tỉnh tập trung chỉ đạo thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm như Khu Kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Trong số đó, tỉnh ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, đóng góp lớn cho ngân sách.
Ảnh: báo Quảng Ninh |
Bên cạnh đó, việc triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư thông thoáng luôn là ưu tiên hàng đầu của Quảng Ninh. Tính đến nay, Quảng Ninh đã cung cấp 1.462 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công của tỉnh, trong đó có 1.017 Dịch vụ Công Trực tuyến toàn trình; 445 Dịch vụ Công Trực tuyến một phần. Tỷ lệ hồ sơ toàn trình cả 3 cấp tỉnh Quảng Ninh đạt trên 82%. Tích hợp 1.244/1.462 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.
Đến nay, Quảng Ninh đã cắt giảm 40 - 60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của Trung ương. Đặc biệt, một số thủ tục liên quan trực tiếp đến hoạt động thu hút đầu tư như chấp thuận chủ trương, phê duyệt địa điểm đầu tư... được cắt giảm trên 70% thời gian.
Tỉnh cũng chú trọng rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, chuẩn hóa các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Có thể kể đến như đại diện Tập đoàn Foxconn nhận giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư đầu tư 2 dự án mới chỉ sau 12 giờ làm việc kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh, rút ngắn thời gian tới 14 ngày làm việc so với quy định.
Đồng hành cùng doanh nghiệp cũng là nỗ lực đáng ghi nhận của Quảng Ninh trong việc tạo niềm tin với các nhà đầu tư. Tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc doanh nghiệp; kịp thời lắng nghe, tìm biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, đặc biệt là chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, các nhà đầu tư chiến lược đã và đang đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc “rộng cửa” hỗ trợ doanh nghiệp đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, Quảng Ninh còn chủ động tham gia các hội nghị, hội thảo tầm cỡ để xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút FDI đạt hơn 3 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh cam kết tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, quyết liệt trong cải cách thực chất các thủ tục hành chính tại lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan; kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ những quy định của pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư.