VinaCapital dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6.5%
Ông Michael Kokalari, CFA - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 có thể ở mức 4.7% và phục hồi lên 6.5% vào năm 2024.
Nguồn: VinaCapital
|
Theo đó, tăng trưởng GDP Việt Nam được dự báo sẽ chậm lại, từ 8% năm 2022 xuống còn 4.7% vào năm 2023, do xuất khẩu và sản xuất sụt giảm trong năm nay bởi nhu cầu đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” giảm.
Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023 giảm gần 10% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, giảm gần 20% do các công ty Mỹ từng đặt hàng quá nhiều sản phẩm từ châu Á vào năm 2022. Song, VinaCapital đánh giá xu hướng này sắp kết thúc và sẽ tạo đà cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam vào năm tới.
Bên cạnh đó, chuyên gia VinaCapital còn cho biết tăng trưởng tiêu dùng trong nước gần như không thay đổi so với cùng kỳ (không bao gồm chi tiêu của khách du lịch), so với tốc độ tăng trưởng thông thường 8-9% trước COVID-19. Tâm lý thị trường đã bị ảnh hưởng bởi những thách thức đang diễn ra trên thị trường bất động sản và do xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm, dẫn đến tình trạng một số nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cắt giảm nhân công (hầu hết hàng xuất khẩu của Việt Nam đều do các công ty FDI sản xuất).
Ngược lại, lượng khách du lịch nước ngoài đã phục hồi tới gần 70% so với mức trước COVID-19 trong năm nay. Điều này hỗ trợ tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam, vì du lịch nước ngoài trước đây đóng góp khoảng 10% GDP, nhưng hầu như không đóng góp gì cho nền kinh tế Việt Nam trong năm ngoái.
Năm 2024, VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ phục hồi lên 6.5%, nhờ xuất khẩu phục hồi; kèm theo đó là sự phục hồi sản lượng ngành sản xuất của Việt Nam, từ mức không tăng trưởng năm 2023, lên mức tăng trưởng 8-9% vào năm 2024, so với mức tăng trưởng trung bình dài hạn 12% của ngành này trước COVID-19.
VinaCapital phân tích rằng các nhà bán lẻ Mỹ và công ty tiêu dùng khác đã tích lũy quá nhiều hàng hóa vào năm 2022 (cuối năm 2022, hàng tồn kho tăng hơn 20% so với cùng kỳ). Nguyên nhân là các công ty này đã đặt hàng quá mức trong thời gian gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19 (năm 2021) và kỳ vọng bùng nổ chi tiêu sau COVID-19 đã không diễn ra như mong đợi.
Sau đó, thay vì mua nhiều sản phẩm hơn khi lệnh phong tỏa COVID-19 được dỡ bỏ, người tiêu dùng lại đổ tiền vào các dịch vụ như du lịch và ăn uống ở ngoài. Các công ty ở Mỹ đã phải giải quyết lượng hàng tồn kho nói trên trong suốt năm 2023, mức tồn kho sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần 10 năm. Đây là yếu tố chính gây sụt giảm xuất khẩu và sản lượng sản xuất của Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, nhiều dữ liệu cho thấy hiện tượng này sắp kết thúc và các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi.
Nguồn: VinaCapital
|
Kha Nguyễn
FILI
|