Thứ Hai, 23/10/2023 08:06

Trung Quốc bán mạnh trái phiếu chính phủ Mỹ để bảo vệ nhân dân tệ?

Các nhà đầu tư Trung Quốc, trong đó có Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã (PBoC) bán trái phiếu và cổ phiếu của Mỹ với tốc độ mạnh nhất trong bốn năm. Động thái này diễn ra khi PBoC nỗ lực bảo vệ giá trị của đồng nhân dân tệ (NDT).

Giới phân tích nhận định PBoC bán mạnh trái phiếu chính phủ Mỹ để tăng dự trữ ngoại hối, giúp củng cố giá trị đồng nhân dân tệ. Ảnh: Reuters

Dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 18-10, cho thấy, khoảng 15 tỉ đô la Mỹ trong tổng số 21,1 tỉ đô la bán ròng trái phiếu chính phủ Mỹ trong tháng 8 là giao dịch đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc như PBoC cũng như các quỹ tương hỗ và nhà đầu tư cá nhân. Những nhà đầu tư này cũng bán ròng 5 tỉ đô la cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 8, đánh dấu mức bán ròng hàng tháng lớn nhất trong lịch sử. Trong tháng 7, Trung Quốc cũng đã bán ròng 13,6 tỉ đô la trái phiếu chính phủ Mỹ.

Dữ liệu cho thấy, lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ của Trung Quốc giảm xuống còn 805,4 tỉ đô la trong tháng 8, mức thấp nhất kể từ tháng 5-2009. Lượng bán ròng chứng khoán Mỹ của nhà đầu tư Trung Quốc tăng vọt giữa lúc Bắc Kinh xoay sở bảo vệ tỷ giá hối đoái của đồng NDT, vốn đang chịu áp lực do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và dòng vốn chảy ra nước ngoài.

“Có những sưy đoán trên thị trường cho rằng điều này phản ánh việc Trung Quốc rút tiền từ trái phiếu chính phủ Mỹ để tăng dự trữ ngoại hối, bảo vệ đồng NDT”, Stephen Innes, đối tác quản lý của SPI Asset Management nói.

Đồng tiền của Trung Quốc đã giảm 5,7% so với đồng đô la Mỹ trong năm nay trong bối cảnh chênh lệch lãi suất ngày càng lớn giữa nợ chính phủ Trung Quốc và Mỹ khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền ra khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng tích lũy lãi suất chuẩn thêm 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3- 2022, lên biên độ  5,25 -5,5%. Để so sánh, lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm của Trung Quốc đối với tiền gửi tại các ngân hàng quốc doanh hàng đầu như Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc là 1,55% kể từ tháng 9.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại và khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng vốn tháo chạy, gây thêm áp lực giảm giá đối với NDT.

Trong tháng 8, giới đầu tư đã hoài nghi về khả năng của PBoC trong việc ngăn chặn NDT mất giá hơn nữa. Tuy nhiên, Innes cho biết kể từ đó, PBoc thành công hơn trong nỗ lực bảo vệ giá trị của NDT bằng thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày của đồng tiền này cao hơn dự kiến của nhà đầu tư và yều cầu các ngân hàng nhà nước can thiệp vào thị trường.

“Chúng tôi thực sự không biết chắc chắn điều gì đang diễn ra tại PBoC nhưng chúng tôi cho rằng, thành công đó có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố”, Innes nói và cho biết thêm dự trữ ngoại hối của PBoC ổn định trong những tháng gần đây.

Các nhà phân tích cho biết thời điểm bán mạnh chứng khoán Mỹ của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng là lúc giá đồng NDT giảm xuống mức thấp nhất so với đô la Mỹ

“Trong tháng 8, chúng tôi bắt đầu nhận thấy sự thay đổi trong chính sách của PBoC. Đó là lúc cơ quan này bắt đầu đặt sự ổn định ngoại hối lên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách do áp lực dòng vốn chảy ra nước ngoài”, Ken Cheung, nhà chiến lược ngoại hối châu Á của ngân hàng Mizuho nói.

Gennadiy Goldberg, người đứng đầu chiến lược lãi suất Mỹ của tại TD Securities, cho rằng Bắc Kinh bán mạnh phiếu chính phủ Mỹ có thể là nhằm ổn định đồng nội tệ.

Cũng theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, trong tháng 8, giá trị nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12-2021, đạt 7.707 nghìn tỉ đô la, đánh dấu tháng tăng thứ ba liên tiếp. Các nhà đầu tư Nhật Bản tăng lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ lên 1.116 tỉ đô la trong tháng 8, so với 1.112 tỉ đô la trong tháng 7. Nhật Bản vẫn là nước ngoài nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhất.

“Vẫn có lực mua trái phiếu chính phủ từ các nhà đầu tư nước ngoài khác. Dù thị trường lo ngại nhà đầu tư nước ngoài đang rút lui nhưng thực tế họ vẫn chưa làm như vậy. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể rút lui trong những tháng tới, đặc biệt khi thâm hụt ngân sách của Mỹ gia tăng”, Gennadiy Goldberg nói.

Dữ liệu còn cho thấy dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy vào các hạng mục tài sản chính khác của Mỹ trong tháng 8. Chứng khoán Mỹ ghi nhận dòng vốn nước ngoài chảy vào là 500 triệu đô la trong tháng đó, giảm so với 28,9 tỉ đô la trong tháng 7 và 120,4 tỉ đô la trong tháng 6.

Nhà đầu tư ngoài tiếp tục mua ròng trái phiếu của doanh nghiệp được chính phủ Mỹ hậu thuẫn và các cơ quan chính quyền liên bang Mỹ, với dòng vốn vào lần lượt là 24,6 tỉ đô la và 14 tỉ đô la trong tháng 8.

Lê Linh (Theo Bloomberg, Reuters)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Hy Lạp lần đầu tiên được nâng xếp hạng tín nhiệm trong 13 năm qua (22/10/2023)

>   Lợi nhuận của nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới giảm mạnh nhất gần 5 năm (22/10/2023)

>   Bất ổn Trung Đông đẩy vàng lên sát ngưỡng 2,000 USD/oz (21/10/2023)

>   Dầu thế giới lùi nhẹ (21/10/2023)

>   Loạt sếp cấp cao của Credit Suisse ở Đông Nam Á rời đi (20/10/2023)

>   Google sẽ sản xuất điện thoại Pixel ở Ấn Độ (20/10/2023)

>   Dầu tăng 1% trước nỗi lo về Trung Đông (20/10/2023)

>   Vàng tăng phiên thứ 3 liên tiếp do xung đột Trung Đông (20/10/2023)

>   JPMorgan: Chiến lược đầu tư 60/40 vẫn chưa hết thời (19/10/2023)

>   Gã khổng lồ xe điện BYD ước lãi quý 3 đạt 1.5 tỷ USD, gấp đôi cùng kỳ (19/10/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật