JPMorgan: Chiến lược đầu tư 60/40 vẫn chưa hết thời
Theo JPMorgan Asset Management, chiến lược đầu tư phổ biến 60/40 vẫn chưa hết thời, thậm chí, đây là một chiến lược đầu tư hấp dẫn hơn đáng kể so với tiền mặt và tiền gửi trong thập kỷ tới.
Theo các chiến lược gia tại JPMorgan Asset Management, chiến lược phân bổ 60% tài sản vào cổ phiếu và 40% vào trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ có hiệu quả vượt trội hơn tiền mặt, tiền gửi khoảng 4.1 điểm phần trăm mỗi năm và cao hơn lạm phát 4.5 điểm phần trăm trong 10 năm tới. Đó là ngay cả khi các quỹ thị trường tiền tệ hiện có mức lợi nhuận lên tới 5%.
Nhận định được đưa ra trong bối cảnh danh mục đầu tư lâu đời này đang phải đối mặt với ngày càng nhiều lời chỉ trích khi có hiệu suất tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm ngoái. Chỉ số đo hiệu suất danh mục 60/40 của Bloomberg cũng giảm khoảng 4% kể từ tháng 7, do tình trạng bất ổn trên thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ đã kích hoạt các đợt bán tháo cổ phiếu và trái phiếu đồng loạt, buộc giới đầu tư đổ xô đi tìm tài sản an toàn hơn.
Vì chiến lược đầu tư 60/40 hứa hẹn mang lại lợi nhuận trong dài hạn, nên JPMorgan vẫn đề xuất một loạt lựa chọn đầu tư thay thế để mang lại lợi nhuận cao hơn, đặc biệt là khi mối tương quan giữa cổ phiếu và trái phiếu không còn tiêu cực nữa.
JPMorgan khuyến nghị nhà đầu tư bổ sung tài sản thay thế vào danh mục 60/40 truyền thống, với mức phân bổ 25% tài sản cho các tài sản như vốn cổ phần tư nhân, bất động sản và các khoản vay thế chấp thương mại. Bằng cách này, các nhà đầu tư có thể tăng lợi nhuận thêm 0.6% điểm phần trăm hàng năm trong thập kỷ tới, đồng thời giảm được rủi ro.
Theo phân tích của JPMorgan, tính theo đồng đôla Mỹ, 100 USD giữ dưới dạng tiền mặt và tiền gửi sẽ chỉ có giá trị 133 USD sau 10 năm. Khoản tiền đó, nếu được đầu tư vào danh mục 60/40, sẽ tăng lên 197 USD trong cùng khoảng thời gian. Nếu thêm các tài sản thay thế, số tiền đó sẽ tăng lên 208 USD.
Theo các chiến lược gia, mặc dù lãi suất tiền mặt đang ở mức cao và có vẻ hấp dẫn, nhưng các nhà đầu tư nên nhớ rằng việc giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ có thể khiến họ bỏ lỡ lợi nhuận kép về lâu dài.
Theo ông David Kelly, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của JPMorgan Asset Management, việc khách hàng phân bổ tài sản của mình vào đâu phụ thuộc rất nhiều vào khoảng thời gian đầu tư của họ.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|