Trái phiếu Mỹ lao dốc mạnh hơn cả những lần sụp đổ tồi tệ nhất trong lịch sử
Theo tính toán của Bloomberg, làn sóng bán tháo khiến giá trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn hơn 10 năm giảm 46% kể từ tháng 3/2020.
Những ngày vừa qua, “cơn bão” bán tháo ập đến thị trường trái phiếu toàn cầu và đẩy lợi suất tăng vọt. Theo thống kê, cú lao dốc này đã vượt qua cả một số cú sập mạnh nhất trong lịch sử thị trường tài chính toàn cầu.
Kể từ tháng 3/2020, trái phiếu Chính phủ Mỹ có kỳ hạn từ 10 năm trở lên đã giảm giá 46%, trong khi trái phiếu 30 năm giảm 53%.
Cú trượt dốc này tương đương với các đợt thị trường chứng khoán sụp đổ tồi tệ nhất trong lịch sử, chẳng hạn giá cổ phiếu giảm 49% sau khi bong bóng dot-com vỡ tung và 57% trong khủng hoảng tài chính 2008.
So sánh với các đợt sụp đổ trái phiếu trước đây, các trái phiếu dài hạn còn có diễn biến tồi tệ hơn nữa. Mức sụt giảm lớn gấp đôi so với năm 1981, khi lợi suất trái phiếu 10 năm tăng lên gần 16%. Khi đó, cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Paul Volcker phải đối mặt với lạm phát cao kỷ lục và thậm chí đã đẩy lãi suất liên bang lên gần 20%.
Mặc dù mức lãi suất hiện nay thấp hơn nhiều so với thời điểm 1981, đợt thắt chặt mạnh tay của Fed trong 2 năm qua đã tạo ra hiệu ứng tương tự. Chưa hết, các nhà đầu tư vẫn đang tiếp tục bán tháo giữa những lo ngại về nguy cơ lạm phát quay trở lại. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay một lượng lớn trái phiếu kho bạc đã được phát hành, gây áp lực lên giá trái phiếu.
Lợi suất các loại trái phiếu có kỳ hạn dài đã tăng lên mức cao nhất kể từ 2007. Trong khi loại kỳ hạn 30 năm lần đầu tiên vượt ngưỡng 5% trong vài chục năm trở lại đây. Thị trường dự đoán chỉ số này sẽ tiếp tục neo ở mức cao (từ 4.7% trở lên) trong 10 năm tới. Những nhà đầu tư nổi tiếng gồm Bill Ackman, Ray Dalio và Bill Gross đều dự báo lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ sớm chạm mốc 5% trong ngắn hạn.
Vũ Hạo (Theo Business Insider)
FILI
|