Dấu hiệu rạn nứt trên thị trường chứng khoán Mỹ
Trong hơn một năm qua, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cố gắng thuyết phục thị trường rằng lãi suất cao sẽ được duy trong thời gian dài. Nhưng tới bây giờ, các nhà đầu tư mới bắt đầu chấp nhận ý tưởng đó.
Thừa nhận lãi suất cao kéo dài cũng đóng nghĩa với một môi trường đầy thách thức với thị trường chứng khoán. Ba chỉ số chính trên Phố Wall đồng loạt giảm mạnh trong phiên 03/10 và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng lên đỉnh 16 năm.
“Trước đây, nền kinh tế hoạt động với lãi suất gần bằng 0, nhưng giờ lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang nhanh chóng tiến gần mốc 5%. Do đó, các tính toán cũng phải thay đổi vì tác động của lãi suất đến nợ vay cũng sẽ thay đổi. Chi phí vốn đang đi lên, doanh nghiệp sẽ phải tái tài trợ nợ với lãi suất cao hơn”, Quincy Krosby, Giám đốc đầu tư tại LPL Financial, nhận định.
Đà tăng của lãi suất là điều cực kỳ đáng lo ngại với thị trường nhất là khi các doanh nghiệp chuẩn bị bước vào mùa báo cáo tài chính quý 3/2023.
Quincy Krosby chia sẻ: “Thị trường sẽ phải hấp thụ tất cả những thông tin này. Rõ ràng đây là điều đáng ngại và khó khăn”.
Mối lo về kinh tế và lạm phát
Trong ngày 03/10, giới đầu tư đã nhận thấy những dấu hiệu chứng tỏ thị trường chứng khoán Mỹ sắp phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn phía trước.
Nhưng màn bán tháo chỉ thực sự bắt đầu sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy số cơ hội việc làm đã bất ngờ tăng trở lại trong tháng 8/2023. Báo cáo này trái ngược với dự báo chung rằng thị trường việc làm đã hạ nhiệt và áp lực tiền lương sẽ không còn lớn như trước.
Sau dữ liệu này, các nhà đầu tư trở nên lo ngại rằng Fed sẽ buộc phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong tuần này, ít nhất 4 nhà hoạch định chính sách công khai ủng hộ việc tăng lãi suất hoặc chỉ ra rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian dài.
Cùng với đà giảm giá của cổ phiếu, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 30 năm cũng leo lên mức cao nhất kể từ năm 2007, những thời điểm nền kinh tế hướng đến khủng hoảng tài chính.
“Rất nhiều khu vực của nền kinh tế tăng trưởng thuận lợi nhờ lãi suất thấp và lãi suất âm. Giờ đây, chúng phải thích ứng với môi trường lãi suất bình thường hơn”, Krosby nhận định.
Việc làm quen với môi trường lãi suất bình thường hơn không phải là một điều gì đó quá khủng khiếp. Xét cho cùng, trước cuộc khủng hoảng năm 2007-2008, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trung bình ở mức 7%.
Và sau 15 năm thị trường được tận hưởng lãi suất thấp khác thường, chính sự bình thường lại có vẻ bất thường.
Điềm chẳng lành cho các ngân hàng
Ngân hàng là các tổ chức gặp rủi ro lãi suất lớn nhất. Hồi đầu năm nay, một số ngân hàng Mỹ đã sụp đổ vì đã tích trữ quá nhiều trái phiếu dài hạn và sau đó phải bán lỗ nặng để đáp ứng nhu cầu rút tiền từ các khách hàng.
Trong quý 2/2023, tổng khoản lỗ chưa thực hiện trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đã lên hơn 558 tỷ USD, tăng 8.3% so với quý trước đó, theo Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Trong đó, trái phiếu Chính phủ Mỹ nắm giữ đến ngày đáo hạn lên gần 310 tỷ USD.
Theo ông Larry McDonald, nhà sáng lập công ty nghiên cứu The Bear Traps Report, khoản lỗ chưa thực hiện từ trái phiếu của các ngân hàng vẫn còn tăng.
“Vấn đề là khi lượng vốn lõi của ngân hàng ở mức thấp, bất kỳ sự suy yếu nào ở phần tài sản cũng sẽ gây ra tổn thất lớn”, ông nói.
Ông cho biết các ngân hàng có thể phải phát hành cổ phiếu nếu họ buộc phải bù đắp cho các khoản lỗ và từ đó khiến cổ phiếu bị pha loãng. Đây có thể là một trong những yếu tố dẫn đến việc giá cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh.
Lãi suất cao cũng dẫn tới các hệ quả khác. Về phía người tiêu dùng, họ phải chịu áp lực từ lãi thẻ tín dụng cho đến lãi vay mua nhà. Hơn 36% các ngân hàng báo cáo rằng họ đã thắt chặt tiêu chuẩn cho vay trong quý 3/2023. Trong quá khứ, tỷ lệ cao đến mức này thường đi kèm với suy thoái.
Lãi suất đã đạt đỉnh chưa?
Một số chuyên gia cho rằng quá trình nâng lãi suất sắp đến hồi kết.
Ông McDonald cho rằng: “Sẽ không còn đợt nâng lãi suất nào nữa. Việc đó gây ra quá nhiều đau đớn cho nền kinh tế. Các đợt tăng lãi suất đang gây thiệt hại và giờ Fed đã nhận thức rõ hơn về tác động gây ra cho nền kinh tế”.
Thật vậy, ông Joseph LaVorgna, cựu Chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng, cũng nghĩ rằng đà tăng của lợi suất trái phiếu đã gần đi đến hồi kết vì nguy cơ tiềm ẩn có thể là suy thoái và Fed phải mua trái phiếu chính phủ trở lại.
Ông đánh giá: “Chúng ta không thể dùng các yếu tố cơ bản để giải thích đợt bán tháo hiện nay. Tôi cho rằng sắp tới, chứng khoán sẽ xuống mức đủ hấp dẫn để thu hút người mua trở lại”.
Thị trường lao động yếu kém hoặc một số dấu hiệu rạn nứt khác trong nền kinh tế có thể ngăn cản Fed tiếp tục tăng lãi suất và mở đường để cơ quan này sớm hạ lãi suất. Ông LaVorgna nói thêm: “Các thị trường tài chính đang không khỏe mạnh. Như tôi đã nói nhiều lần, Fed đã đi quá xa, quá nhanh. Rồi họ sẽ phải đảo ngược hướng đi của lãi suất”.
Thiên Vân (Theo CNBC)
FILI
|