Thường xuyên bị chiết khấu 0 đồng, nhà bán lẻ xăng dầu lại gửi đơn tới Thủ tướng Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng nếu thông tư 104/2021 của Bộ Tài chính và dự thảo nghị định xăng dầu sửa đổi không phân chia chi phí định mức ở các khâu một cách rõ ràng thì bất ổn trên thị trường xăng dầu sẽ tiếp diễn. Trước tình trạng chiết khấu hoa hồng thấp, có thời điểm ở mức 0 đồng diễn ra trong những ngày vừa qua, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lại có đơn kiến nghị lên Chính phủ, ngày 27-10. Trong đơn, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu cho biết hiện họ đang trong tình trạng hoạt động bấp bênh, thua lỗ và gặp nhiều khó khăn về tài chính. Mà nguyên nhân là tình trạng chiết khấu thấp, chiết khấu 0 đồng xảy ra thường xuyên. “Theo nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu và thông tư 104/2021 của Bộ Tài chính có quy định chi phí kinh doanh định mức trong giá thành cơ sở xăng dầu bao gồm cả khâu bán buôn và bán lẻ. Thế nhưng tại sao DN bán lẻ xăng dầu lại thường xuyên nhận được chiết khấu 0 đồng. Chiết khấu 0 đồng có nghĩa là họ hoàn toàn không được chia. Vậy chi phí định mức này của DN bán lẻ đang ở đâu và ai đã hưởng phần chi phí này” - các DN bán lẻ bức xúc. Người dân đổ xăng tại một cây xăng ở Hà Nội. Ảnh: AH | Tiếp tục phân tích, các DN bán lẻ xăng dầu cho rằng việc Bộ Tài chính không quy định rõ tỷ lệ phân chia chi phí này trong nghị định và thông tư nêu trên đã tạo ra kẽ hở để DN đầu mối có thể ban phát chiết khấu tuỳ ý, đẩy DN bán lẻ đến bên bờ vực phá sản. Chính bởi lý do đó mà hơn một năm qua, các DN bán lẻ nhiều lần yêu cầu các Bộ quản lý phân chia rõ ràng chi phí các khâu trong chuỗi cung ứng xăng dầu rõ ràng hơn. Sau đó, lãnh đạo Chính phủ cũng nhiều lần đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trả lời cho doanh nghiệp về chi phí này. Tuy nhiên hết thời hạn quy định, các Bộ vẫn không trả lời và Chính phủ chưa có biện pháp can thiệp. Và trong dự thảo mới nhất về sửa đổi nghị định xăng dầu, cơ quan soạn thảo cũng không đưa vào các quy định về các chi phí này. Các DN cho rằng nếu thông tư 104 của Bộ Tài chính không điều chỉnh song song với sửa đổi Nghị định xăng dầu bằng cách phân chia chi phí định mức theo tỷ lệ ở các khâu một cách rõ ràng thì bất ổn trên thị trường xăng dầu sẽ tiếp diễn. “Quy định hiện tại tạo kẽ hở cho DN đầu mối chèn ép DN bán lẻ, tạo xung đột lợi ích trong hệ thống kinh doanh xăng dầu không đáng có…” - DN bán lẻ nêu trong đơn. Từ năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu có nhiều thời điểm rơi vào tình trạng bất ổn với việc nguồn cung bị đứt gãy tại một số thời điểm, ở một số khu vực. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này cũng là vì chiết khấu 0 đồng khiến DN kinh doanh thua lỗ kéo dài. AN HIỀN Pháp luật TPHCM
|