Thứ Bảy, 28/10/2023 14:02

Áp lực tăng giá gạo

Gần đây, giá gạo ở Việt Nam tăng trở lại đã gây lo lắng cho nhiều người dân và doanh nghiệp. Lý do chính là sức ép tăng giá từ thị trường quốc tế. Không chỉ là mặt hàng quan trọng trong rổ hàng hóa tính chỉ số lạm phát, gạo còn là vấn đề an ninh lương thực quốc gia đối với Việt Nam.

Đảm bảo nguồn cung lúa gạo không chỉ đảm bảo sự ổn định giá cả nói chung mà còn là đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại Long An. Ảnh: H.P

Giá gạo quốc tế tăng

Từ đầu năm 2023 đến nay, giá gạo trên thế giới đã tăng rất mạnh. Ba loại gạo thường được dùng làm tham chiếu là gạo 5% tấm của Việt Nam, Thái Lan, và gạo hạt trắng dài 25% tấm của Ấn Độ đã tăng tương ứng 36%, 19% và 36%.

Có hai lý do chính khiến cho giá gạo tăng là việc hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ và lo ngại ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Ấn Độ bắt đầu hạn chế xuất khẩu gạo từ tháng 9-2022 tuy nhiên quyết định mạnh mẽ và chính thức nhất là vào tháng 7 và 8 năm nay. So với sản lượng xuất khẩu năm 2022, sản lượng xuất khẩu có thể giảm đến 10 triệu tấn, như vậy chiếm đến gần 45% tổng sản lượng xuất khẩu của Ấn Độ.

Khu vực Nam Á và Đông Nam Á là vựa gạo của thế giới, chiếm đến 58% tổng sản lượng và 80% lượng xuất khẩu toàn cầu. Tuy vậy đây cũng là vùng chịu nhiều ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu, đặc biệt là El Nino. Mặc dù xu hướng chung là sản lượng gạo vẫn tăng nhưng những năm thời tiết khắc nghiệt thì sản lượng giảm đáng kể, như vào các năm 2002-2003, 2009-2010, và 2015-2016.

Nhu cầu cũng như nguồn cung lương thực, thực phẩm cần được nghiên cứu, đánh giá, dự báo để đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo giá lương thực được ổn định và trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

Như vậy, do nguồn cung bị hạn chế cũng như khả năng sản lượng bị ảnh hưởng đã khiến cho giá gạo tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, ở đây còn chưa tính đến mối lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu, một xu hướng ngày càng rõ trong dài hạn khiến cho giá lương thực nói chung và giá gạo nói riêng duy trì ở mức cao và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng.

Bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu

Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đã làm giá hàng hóa (commodity), trong đó có giá các mặt hàng lương thực, tăng đột biến. Chỉ số lạm phát lương thực, thực phẩm cao hơn chỉ số lạm phát chung ở 78% trong số 163 nền kinh tế có thống kê cả hai chỉ số này. Có những nước chỉ số lạm phát lương thực danh nghĩa ở mức ba con số, tính theo năm như Argentina (134%), Lebanon (274%), và Venezuela (318%). Khác với các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác, nhóm lương thực một khi đã tạo mặt bằng giá mới thì khó có xu hướng giảm.

Điều đáng nói là những nước khó khăn ở châu Phi, Nam Mỹ, Nam Á và Trung Á – những nước nhập khẩu nhiều lương thực – thì lạm phát chung đã làm giảm sức mua chung, từ đó ảnh hưởng đến sức mua lương thực, thực phẩm dù đây là tiêu dùng thiết yếu. Nguồn lực kinh tế hạn hẹp của các nước nhập khẩu cũng khiến các nước này bị hạn chế các lựa chọn của mình, phải có sự đánh đổi giữa đảm bảo lương thực cho người dân và các nhu cầu khác. Các nước này cũng thường là những nước ngập trong nợ nần và bị ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, để xử lý lạm phát thì chính sách thắt chặt tiền tệ đã được vận dụng tối đa ở hầu hết các nền kinh tế. Lãi suất tăng đã khiến cho chi phí của các doanh nghiệp trong ngành tăng, việc tiếp cận với các nguồn vốn cũng hạn chế hơn. Thêm vào đó, lãi suất ở các nước phát triển tăng, đặc biệt là ở Mỹ, đã khiến cho tỷ giá của các nước nhập khẩu bị rơi vào thế bất lợi. Tất cả các hệ lụy từ việc tăng lãi suất khiến cho giá nhập khẩu, giá lương thực tăng và người gánh chịu luôn là người tiêu dùng cuối cùng.

Ngoài ra, an ninh lương thực toàn cầu còn bị ảnh hưởng bởi việc tập trung quyền kiểm soát và đầu cơ của các nhà kinh doanh lương thực, thực phẩm. Khi có những biến động về giá lương thực thì các doanh nghiệp này là bên hưởng lợi nhiều nhất, không chỉ từ sự thay đổi giá hàng hóa mà còn rất nhiều từ các sản phẩm trên thị trường tài chính. Số liệu từ tổ chức UNCTAD cho thấy nhiều tổ hợp kinh doanh sản phẩm nông nghiệp toàn cầu đã có những khoản lợi nhuận khổng lồ từ sự kiện đại dịch Covid-19 và xung đột quân sự Nga-Ukraine.

Một vài suy nghĩ cho Việt Nam

Mặc dù là một cường quốc xuất khẩu gạo nhưng gần đây có năm như năm 2021 Việt Nam đã nhập khẩu cả triệu tấn gạo, chủ yếu là gạo có phẩm lượng thấp (phần lớn từ Ấn Độ) để phục vụ sản xuất trong nước (thức ăn chăn nuôi, bia, rượu, bún, bánh…). Việc này cũng trực tiếp hay gián tiếp có ảnh hưởng đến lượng cung lương thực, thực phẩm trong nước. Việc phụ thuộc một số lượng đáng kể gạo nhập khẩu tiềm ẩn những rủi ro trong trường hợp thị trường bị đứt gãy. Do đó, nhu cầu cũng như nguồn cung lương thực, thực phẩm cần được nghiên cứu, đánh giá, dự báo để đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo giá lương thực được ổn định và trong tầm kiểm soát của Chính phủ.

Cụ thể, các vùng sản xuất lúa trọng yếu cần được bảo vệ và bảo tồn, có các chính sách hỗ trợ người nông dân nâng cao năng suất, nâng cao giá trị. Trong trường hợp cần thiết có thể có chính sách trợ giá để người nông dân có được một biên lợi nhuận tối thiểu giúp họ yên tâm tiếp tục duy trì hoạt động. Trong trường hợp nguồn sản xuất được tích tụ về doanh nghiệp thì Chính phủ vẫn giữ được quyền can thiệp về giá cả hay điều tiết qua chính sách thuế khi xem lúa gạo là một loại mặt hàng đặc biệt như năng lượng.

Hiện nay Quốc hội đã phê duyệt quy hoạch giữ đất trồng lúa, đảm bảo giữ được 3,5 triệu héc ta đến năm 2030. Tuy nhiên, tầm nhìn về an ninh lương thực cần được mở rộng hướng đến tầm nhìn xa hơn, đến năm 2050 hoặc thậm chí năm 2100. Bên cạnh nguồn lương thực chính yếu là lúa gạo thì cũng có cân nhắc đến các nguồn lương thực khác có tính chất thay thế, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Việt Nam, trong bối cảnh quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nhanh.

Như vậy, đảm bảo nguồn cung lúa gạo không chỉ đảm bảo sự ổn định giá cả nói chung mà còn là đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước. Trong trường hợp nhu cầu thế giới có tăng thì cũng phải đảm bảo nhu cầu trong nước với mức giá ổn định và thấp hơn thế giới, như nhiều quốc gia có lợi thế về nguồn dầu mỏ – người dân ở các nước này được hưởng lợi ngay cả khi giá dầu tăng cao.

TS. Võ Đình Trí

TBKTSG

Các tin tức khác

>   TP.HCM tiêu hủy lô hàng giả, hàng nhập lậu trên 1 tỉ đồng (28/10/2023)

>   Du lịch Việt Nam cán mốc 10 triệu lượt khách quốc tế (28/10/2023)

>   Nha Trang phát triển kinh tế đêm để kéo du khách (28/10/2023)

>   Cạnh tranh khốc liệt bán hàng bằng lượt nhấp chuột (28/10/2023)

>   Hoa hồng thấp, lo ngại tái diễn cảnh cây xăng đóng cửa (28/10/2023)

>   Ứng dụng công nghệ để phát triển nông nghiệp bền vững (27/10/2023)

>   Bản tin kinh tế 27/10: Tiết kiệm để giảm lãi suất vay; bán điện không qua EVN (27/10/2023)

>   Nhiều công ty thay đổi tư duy quản trị để phát triển bền vững (27/10/2023)

>   Đề nghị giảm thuế VAT xuống 8% cho tất cả hàng hoá, dịch vụ (27/10/2023)

>   Nhà máy đường đóng cửa, nông dân trông chờ vào bán… mía chục! (27/10/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật