Thủ tướng gặp mặt giới doanh nhân Việt Nam Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, chiều 11-10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam. Buổi gặp mặt diễn ra tại đầu cầu trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự buổi gặp mặt tại đầu cầu Hà Nội có các Phó Thủ tướng, đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, LĐ-TB&XH, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VPCP, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các doanh nhân tiêu biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10. Ảnh: VGP | Tham dự tại đầu cầu các tỉnh, thành phố có lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và 30 doanh nghiệp tiêu biểu đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp ở địa phương. Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, với số lượng doanh nghiệp chính thức như hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số 2 tới 3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới. Việt Nam đã xuất hiện những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, Báo cáo về hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong 9 tháng qua, tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong tình hình bức tranh chung của kinh tế thế giới; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước được phục hồi, GDP tăng 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,16%. Nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài đã được tập trung tháo gỡ, xử lý, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình hoạt động doanh nghiệp 9 tháng năm 2023. Ảnh: VGP | Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố. Tính riêng trong quý III-2023, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng, chúng ta có 165.000 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022. Kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách. Theo ước tính của Tổng cục Thuế, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 11,8 triệu tỉ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ 2022. Trong 9 tháng đầu năm, các khoản nộp ngân sách qua thuế GTGT đạt hơn 97 nghìn tỉ đồng, Thuế TNDN đạt gần 248 nghìn tỉ đồng, tăng lần lượt 6% và 17% so với cùng kỳ,... Trong nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu gạo 9 tháng đạt 3,66 tỉ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ, vượt mức xuất khẩu cao nhất 3,65 tỉ USD từng đạt năm 2011. Về ngành hàng thuỷ sản, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với cùng kỳ năm ngoái, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt khoảng 9,3 tỉ USD,... Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thời gian gần đây, tỉ giá VND/USD đã tăng mạnh với mức tăng kỷ lục trong tháng 8, cùng với việc lãi suất cho vay bằng USD tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay khiến các doanh nghiệp nhập khẩu đối mặt với áp lực lớn từ việc gia tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất. Theo Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn khi chi phí nguyên vật liệu tăng cao trong khi hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu bị ép giảm giá bán từ 30-40% so với trước. Các doanh nghiệp tiếp tục phản ánh khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ qua các gói tín dụng do các điều kiện, thủ tục phức tạp, lo ngại vấn đề thanh tra, kiểm tra. Vướng mắc về rào cản pháp lý và thực thi pháp luật, tâm lý "sợ sai", không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức là những yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, một số vướng mắc đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh đến các bộ, ngành liên quan và Chính phủ trong nhiều tháng qua nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để, tạo gánh nặng chi phí và áp lực lớn đối với dòng tiền của doanh nghiệp như: Quy định về phòng cháy chữa cháy, hoàn thuế VAT, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm…Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam báo cáo tổng số thuế VAT chưa được hoàn của toàn ngành lên đến 8.000 tỉ đồng,... CHÂN LUẬN Pháp luật TPHCM
|