Thứ Hai, 16/10/2023 14:07

Thu hồi vốn tạm ứng khó đòi như thế nào?

Các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông tìm giải pháp thu hồi vốn ngân sách đã tạm ứng cho doanh nghiệp nhiều năm nhưng không thi công.

Trên PLO ngày 7-10 đăng bài “Khó đòi lại tiền tạm ứng vì chủ doanh nghiệp bị khởi tố” phản ánh nguy cơ thất thoát ngân sách do nhà thầu tạm ứng vốn nhưng không thi công, bị khởi tố, bắt giam.

PLO tiếp tục thông tin quá trình xử lý trách nhiệm, thu hồi thu ngân đã cho tạm ứng tại tỉnh Gia Lai; việc thu hồi vốn tạm ứng tại các dự án ở Đắk Nông.

Doanh nghiệp ứng ngân sách đem tiêu xài cá nhân

Theo Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Gia Lai, trong hơn 33 tỉ đồng tạm ứng quá hạn của các doanh nghiệp thi công các công trình đầu tư xây dựng ở tỉnh này có hơn 23 tỉ đồng có nguy cơ không thể thu hồi do nhà thầu bị khởi tố, bắt giam.

Riêng Công ty CP Xây dựng Thương mại Bình An (viết tắt là Công ty Bình Anh) do bà Trần Thị Quý Phượng làm giám đốc có số nợ tạm ứng quá hạn lên đến hơn 20 tỉ đồng.

Công trình đường liên xã biên giới Ia O đi xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai thi công dở dang dù đã cho doanh nghiệp ứng vốn. Ảnh: LÊ KIẾN

Công trình đường liên xã biên giới Ia O đi xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai thi công dở dang dù đã cho doanh nghiệp ứng vốn. Ảnh: LÊ KIẾN

Theo cơ quan chức năng, sau khi ký hợp đồng xây lắp dự án đường biên giới từ xã Ia O đi xã Ia Chía, đại diện chủ đầu tư là ông Nguyễn Bổng, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQLDA) huyện Ia Grai, đã cho Công ty Bình Anh tạm ứng bốn lần tổng cộng 10 tỉ đồng.

Sau khi được giải ngân, bà Trần Thị Quý Phượng không dùng tiền này để thi công dự án, mà dùng để mua ô tô, trả nợ ngân hàng và sử dụng cá nhân.

Tháng 9-2014, TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt Phượng 24 năm 3 tháng tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo Cục Chi hành án dân sự tỉnh Gia Lai, Công ty Bình An không còn hoạt động, bà Phượng đang chấp hành án tù tại trại giam, tài sản cá nhân hiện không có.

Ngoài nợ dự án trên, Công ty Bình An còn nợ tiền tạm ứng tại các dự án khác cũng không có khả năng thu hồi vốn. Đó là công trình đường xã Đắk Pling, huyện Kông Chro gần 7 tỉ đồng; đường liên xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh hơn 2,1 tỉ đồng; dự án hạ tầng khu Lâm viên Biển Hồ hơn 1,1 tỉ đồng…

Trao đổi với PV, ông Đinh Hữu Hòa, Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Gia Lai, cho rằng chủ đầu tư giải quyết khâu ứng vốn. Tùy theo hợp đồng mà cho ứng bao nhiều phần trăm. Sau khi được ứng tiền, doanh nghiệp phải thực hiện việc hoàn ứng bằng khối lượng thi công.

Theo phó giám đốc Sở KH-ĐT, trách nhiệm quản lý vốn tạm ứng thuộc chủ đầu tư, KBNN; trong đó trách nhiệm chính là chủ đầu tư.

Ông Đinh Hữu Hòa thông tin: những cán bộ liên quan việc cho Công ty Bình Anh tạm ứng đều đã bị kỷ luật, chịu án phạt, nghỉ việc.

“Sau khi có bản án, cơ quan thi hành án sẽ có trách nhiệm thu hồi khoản tiền đã tạm ứng. Nếu không có tài sản thi hành án thì rõ ràng gây thất thoát vốn nhà nước. Vấn đề này, Sở KH-ĐT cũng không thể có đề nghị gì khác ngoài chờ kết quả từ thi hành án”- ông Hòa nói.

Đại diện KBNN tỉnh Gia Lai cũng cho rằng trách nhiệm chính thu hồi tiền ngân sách tạm ứng cho doanh nghiệp thuộc về các chủ đầu tư dự án.

"Có nhiều dự án quá hạn khó có khả năng thu hồi liên quan đến các vụ án kinh tế đã có kết quả xét xử của tòa án. Đối với các dự án đã cho tạm ứng lâu năm, KBNN Gia Lai đã có nhiều văn bản đôn đốc thu hồi tạm ứng đến chủ đầu tư nhưng vẫn không thu hồi được"- đại diện KBNN tỉnh Gia Lai nói.

Thêm nhiều khoản tạm ứng khó đòi

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM đại diện Sở Tài chính Đắk Nông cho biết sở đã và đang đôn đốc kiểm tra, đánh giá, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư quá hạn tại các dự án đối với sáu chủ đầu tư và KBNN tỉnh này.

Công trình Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông có 1,4 tỉ đồng dư tạm ứng quá hạn đã giải ngân cho doanh nghiệp từ 15 năm trước. Ảnh: VŨ LONG

Công trình Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông có 1,4 tỉ đồng dư tạm ứng quá hạn đã giải ngân cho doanh nghiệp từ 15 năm trước. Ảnh: VŨ LONG

Theo KBNN tỉnh Đắk Nông, đến nay tỉnh này có 64,6 tỉ đồng tạm ứng quá hạn ở các công trình.

Trong đó, có những khoản tiền đã giải ngân cho các doanh nghiệp làm dự án từ 13- 15 năm trước.

Năm 2008, chủ đầu tư đồng ý cho Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Lâm Nguyên tạm ứng 1,4 tỉ đồng xây dựng công trình Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn không làm, cũng không trả lại.

Trong các năm 2010, 2011, Sở GTVT Đắk Nông cho bốn doanh nghiệp tạm ứng 12,4 tỉ đồng thi công dự án nâng cấp quốc 28 (đoạn tránh thủy điện Đồng Nai), công trình đường Bắc Nam giai đoạn 2. Sau đó, ba trong bốn doanh nghiệp trên đã tuyên bố phá sản, giải thể.

Hiện chỉ còn Công ty TNHH Yến Ngân (trụ sở ở Đắk Lắk) có tài sản đảm bảo thi hành án. Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk đang chuẩn bị kê biên tài sản để thi hành án, buộc doanh nghiệp này phải trả lại 2,7 tỉ đồng đã tạm ứng từ năm 2010.

Riêng BQLDA tỉnh Đắk Nông có số dư tạm ứng quá hạn hơn 23,8 tỉ đồng, trong đó có những khoản tiền đã giải ngân cách đây 8-10 năm.

Trong số trên, có gần 1 tỉ đồng đã giải ngân cho Công ty Xây dựng Thiên Bảo (Đắk Lắk) thi công trụ sở làm việc Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông rơi vào diện khó thu hồi. Bởi chủ doanh nghiệp này mới bị tòa tuyên phạt tù. Hiện Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông đã khởi kiện Công ty xây dựng Thiên Bảo ra TAND TP Gia Nghĩa để đòi lại số tiền đã tạm ứng trên.

Theo lãnh đạo Sở Tài chính Đắk Nông, sở đang đôn đốc, đề xuất các giải pháp để chủ đầu tư kiên quyết thu hồi các khoản tạm ứng quá hạn. “Việc quản lý, theo dõi quá trình đầu tư thuộc trách nhiệm của Sở KH-ĐT. Những trường hợp tạm ứng quá hạn, theo báo cáo từ kho bạc, Sở Tài chính sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có hướng xử lý”- vị lãnh đạo sở nói.

Ngân hàng bảo lãnh giải ngân như thế nào?

Theo đại diện KBNN tỉnh Đắk Lắk, nguyên tắc đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công là doanh nghiệp phải có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng. Trong trường hợp doanh nghiệp bị khởi tố hoặc vì một lý do nào đó mà không làm thì chủ đầu tư có trách nhiệm phát đơn, qua đó đề nghị ngân hàng lấy tiền bảo lãnh để trả lại cho ngân sách.

“Bởi vậy, khi nhà thầu không trả lại được vốn tạm ứng, ngân hàng sẽ có trách nhiệm chi trả khoản này”- vị đại diện KBNN nói.

Trong khi đó, đại diện một ngân hàng tại Đắk Lắk nói trước khi có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng, doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp đảm bảo. Khi kho bạc giải ngân, ngân hàng sẽ quản lý một phần tiền ở tài khoản của doanh nghiệp.

VŨ LONG-LÊ KIẾN

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Khách Việt nhộn nhịp du lịch châu Âu (16/10/2023)

>   Trí tuệ nhân tạo và quyền tác giả – vẫn chưa ngã ngũ! (16/10/2023)

>   Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (16/10/2023)

>   Doanh nghiệp từ bỏ dự án chỉ vì quy định đất ở (16/10/2023)

>   Nhiều thách thức cho mục tiêu chuyển đổi xanh ngành xây dựng (16/10/2023)

>   Chìa khóa để hàng Việt rộng đường vào Trung Quốc (16/10/2023)

>   Thịt heo bình ổn có loại giảm mạnh 7.000 đồng/kg (15/10/2023)

>   Bản tin kinh tế 15/10: Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường; tín dụng tăng nhanh (15/10/2023)

>   Nông dân ‘tháo chạy’ khỏi cây tỉ đô la, vì sao? (15/10/2023)

>   Chỉ còn bốn dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chưa đàm phán giá (15/10/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật